| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ ấp giỏi dân vận

Thứ Ba 19/07/2011 , 10:07 (GMT+7)

Khi đã có trong tay kha khá tiền vận động, đích thân trưởng ấp Ngô Văn Huệ đứng ra thiết kế và kêu gọi bà con đóng góp...

Ông Huệ trong phòng truyền thống của ấp mới được xây dựng

Kinh phí Nhà nước đầu tư có hạn nên những cán bộ ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM) đã vận động từ doanh nghiệp và các hộ dân đóng góp thêm hàng tỷ đồng để xây trụ sở ấp và các công trình công cộng.

ẤP NGHÈO THÀNH ẤP ĐIỂM

Tiếp chúng tôi tại phòng họp rộng gần 100 mét vuông của ấp Thượng, ông Ngô Văn Huệ, trưởng ấp hồ hởi cho biết: “Làm được thế này là cả một quá trình cực khổ. Nhưng mà làm được rồi thì thấy mừng vì dân ủng hộ nhiệt tình lắm”. Ông Huệ cho biết thêm, thời điểm trước năm 1992, ấp Thượng nghèo nhất xã Tân Thông Hội, đồng thời cũng nằm trong những ấp “nóng” của huyện Củ Chi vì các tệ nạn xã hội (ma tuý, cờ bạc, mại dâm...) công khai hoành hành, hoạt động thâu đêm suốt sáng không thể nào kiểm soát hết.

“Thời điểm năm 1995, 90% số hộ dân ở ấp đều làm nông nghiệp thuần tuý, 30% hộ nghèo. Là những người gắn bó ở ấp từ mấy chục năm nay nên chúng tôi hiểu hơn ai hết những việc cần làm. Trước hết phải đẩy mạnh kinh tế, sau đó xây dựng cơ sở hạ tầng đi vào bài bản, tuyên truyền, phục vụ lại người dân thì mới có thể “lái con thuyền” đến nơi đến chốn”, ông Huệ nói.

Năm 2001, khi huyện Củ Chi chỉ đạo xử lý các tệ nạn xã hội, ông Huệ và các cán bộ kỳ cựu ở ấp Thượng đã trực tiếp đến từng hộ dân vận động bà con cho các đối tượng nghiện hút đi học tập, cải tạo ở các trung tâm để vừa dứt hẳn với các tật xấu lại vừa có thể học nghề.

Để cải tạo ngay hệ thống đường xá, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, bắt đầu từ năm 2001, ấp Thượng đã tiên phong trong việc vận động tiền từ doanh nghiệp và các hộ dân. “Khi có chủ trương của huyện, chúng tôi sốt sắng làm ngay. Thời điểm cuối năm 2001, mặc dù còn rất khó khăn nhưng chúng tôi đã vận động được mỗi hộ đóng góp 50.000 đồng/năm để đổ đường và làm đèn chiếu sáng công cộng. Đến năm 2005 thì số tiền bà con đóng góp riêng để phục vụ chiếu sáng trên các đường ấp đã được hơn 200 triệu đồng”, ông Huệ cho biết.

Tháng 9/2003, từ một ấp nghèo, ấp “nóng” về các tệ nạn xã hội, ấp Thượng hoàn thành các tiêu chí ấp văn hoá khiến bà con phấn khởi vô cùng. “Cho đến đầu năm 2009, khi có chủ trương của Trung ương chọn xây dựng NTM ở xã Tân Thông Hội, chúng tôi họp dân lại. Cả các hộ dân và cán bộ ấp lúc bấy giờ ai cũng nhiệt tình mong muốn rằng ấp Thượng phải có cách làm khác với các nơi khác. Thế là 70 triệu đồng tiền vốn ngân sách Nhà nước giao để xây dựng trụ sở sinh hoạt ấp được chúng tôi "tạm gác lại" ngoài kho bạc. Chúng tôi muốn làm một nơi sinh hoạt rộng rãi, hoành tráng hơn, chứ chỉ được dăm chục mét vuông thì quả là nhỏ, chẳng có không gian nào cho dân cả”, ông Huệ cho biết.

KHÔNG ĐỤNG ĐẾN TIỀN NHÀ NƯỚC

"Tạm gác" 70 triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước đầu để xây dựng trụ sở ấp theo chủ trương thí điểm xã NTM Tân Thông Hội, các cán bộ ở ấp Thượng mày mò đủ cách để kêu gọi nguồn vốn tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài TPHCM, đồng thời kêu gọi lòng hảo tâm từ bà con nhân dân. “Chúng tôi nhận thấy, xây cái trụ sở ấp cần phải rộng rãi, làm sao để sau này có phát triển lên thì biến nó thành khu văn hoá cơ sở để tập hợp bà con nhân dân. Họ đến đây hội họp thì có chỗ ngồi, chỗ nghỉ ngơi thư giãn nên các anh em đều muốn làm cho đàng hoàng”, ông Huệ nói.

Khi đã có trong tay kha khá tiền vận động, đích thân trưởng ấp Ngô Văn Huệ đứng ra thiết kế và kêu gọi bà con đóng góp công sức để thi công công trình nhà sinh hoạt ấp Thượng. “Nguyên vật liệu thì chúng tôi vận động được một số doanh nghiệp tài trợ, làm được phần nào cứ làm trước rồi lại tính tiếp chứ không đợi có đủ tiền mới làm...”. Cứ thế, sau 4 tháng vừa làm vừa vận động quyên góp, trụ sở sinh hoạt ấp Thượng bao gồm 1 phòng họp rộng (có đủ sân khấu, bục phát biểu, bàn ghế cho khoảng 60 người), 1 phòng truyền thống và 2 phòng làm việc đã được hoàn thành trên mảnh đất rộng 251 mét vuông, tổng kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu đồng.

Tính đến nay toàn xã Tân Thông Hội đã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí còn lại là: Cơ sở vật chất văn hoá; chợ nông thôn và thu nhập bình quân có thể hoàn thành vào đầu quý 4/2011. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch xã Tân Thông Hội cho hay, hiện nay không phải do vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn ngân sách Nhà nước mà do thực tế giá vật tư trên thị trường tăng nhanh nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như kinh phí xây dựng ở một số dự án cơ sở hạ tầng phải tính toán, cân đối lại. Vì thế một số dự án chưa hoàn thành kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Chi bộ Đảng ở ấp Thượng cho biết: “Chúng tôi làm trụ sở ấp khang trang thế này không phải làm riêng cho ai mà làm cho dân sinh hoạt. Khoảng tháng 9 tới, chúng tôi sẽ vận động bà con và các Mạnh Thường Quân đóng góp thêm khoảng 50 triệu nữa. Có đủ số tiền này chúng tôi sẽ xây thêm 1 phòng làm việc và lát đá toàn bộ khu sân trước. Biến trụ sở ấp này thành một nhà văn hoá ấp để bà con đến sinh hoạt hàng ngày”.

Ông Trung cho hay, hiện ấp đã góp được khoảng 800 đầu sách, sắp tới phòng truyền thống sẽ được thiết kế thành khu thư viện, hành lang ngoài sẽ bố trí các bàn ghế đá để người dân chơi cờ tường, uống trà, đọc sách, khu sân trước hình thành sân thể thao mini để người dân có thể chơi các môn thể thao nhẹ như bóng bàn, cầu lông...

Ông Trung cũng cho hay, song song với việc hoàn thành khu nhà sinh hoạt ấp, với số tiền vận động được từ doanh nghiệp và người dân không dưới 4 tỷ đồng, ấp Thượng đang gấp rút hoàn thành nốt các dự án nhựa hoá các tuyến đường nội bộ để “thay áo mới” cho toàn ấp, kịp thời góp phần tổng kết thắng lợi việc xây dựng thí điểm xã NTM Tân Thông Hội vào cuối năm nay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất