| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ cấu kết doanh nghiệp cướp đất nhân dân

Thứ Sáu 04/12/2015 , 09:15 (GMT+7)

Những cán bộ sai phạm, bị người dân tố cáo cấu kết với DN "ăn" đất, tham nhũng, có kết luận thanh tra rõ ràng lại được “rút” lên làm nhiệm vụ khác./ Những 'ma làng' ở Cao Đức

Trong khi đó, những người dân chân đất đi đòi công lý thì bị trù dập bằng những mưu mô vô cùng hèn bẩn. Đó là những chuyện trớ trêu ở xã Cao Đức (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). 

“Rước voi về giày mả tổ”

4 năm trước, bãi đất sa bồi ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức rộng lớn tầm hơn 10 ha. Đó không chỉ là vùng đất sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân mà còn là nơi chôn cất, mồ mả của tổ tiên họ.

Tự bao đời, nhờ phù sa dòng sông Đuống vun đắp, bãi sa bồi ngày càng rộng lớn, thực sự là "nồi cơm" của người sống và nơi an nghỉ của những người đã khuất. Vậy mà bi kịch của nhân dân Mỹ Lộc cũng bắt đầu từ chính bãi sa bồi này.

“Nồi cơm” của người dân trở thành “miếng bánh” của những kẻ chuyên ăn cắp tài nguyên khoáng sản khi những kẻ này đánh hơi được bên bưới lớp hoa màu của nhân dân là hàng triệu khối cát. Một mỏ tiền.

Hàng trăm cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhân dân Mỹ Lộc nhằm mua lại bãi sa bồi nhưng đám DN khai thác cát chỉ nhận được những cái lắc đầu. Với nhân dân xứ này, họ cần tiền thật đấy, nhưng tuyệt đối không vì đồng tiền mà đưa nơi an nghỉ của tổ tiên để mà buôn bán.

Vì thế, sau nhiều cuộc thương lượng bất thành, đám người chuyên khai thác trái phép tài nguyên quốc gia đã chọn được con đường bằng phẳng hơn, đó là cấu kết với những cán bộ thôn, xã để đánh cắp. Rất nhanh chóng, những công bộc được nhân dân bầu lên để bảo vệ quyền lợi cho họ đã chọn đồng tiền. Hàng trăm chiếc tàu cuốc ngày đêm công phá bãi sa bồi, ngoạm từng bãi đất mặc cho đất ấy người dân Mỹ Lộc đang canh tác.

Và cũng chừng ấy chuyến tàu ùn ùn chở cát khỏi nơi này trước ánh mắt bất lực của người dân địa phương. Đất đai, mồ mả bị đẩy xuống sông đã đành, khu vực đê kè bảo vệ xóm làng cũng bị nhóm lợi ích chia chác, tàn phá.

Theo điều tra của NNVN, ngày 12/5/2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định số 71 điểm tên các khu vực thuộc diện “cấm tuyệt đối các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết cát sỏi" nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi rầm rộ gây ảnh hưởng đến tuyến đê xung yếu.

Tại mục 3, điều 1 của Quyết định ghi rõ những khu vực cấm tuyệt đối thăm dò, khai thác tập kết cát sỏi lòng sông, trong đó có địa phận từ Km54.000-Km500.500 của xã Cao Đức. Cơ quan chức năng cũng cắm biển cấm trên khu vực kè đá Mỹ Lộc.

Mặc dù vậy, bất chấp pháp luật, các tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên cướp đất của nhân dân khi đã có sự hậu thuẫn của những cán bộ thôn thoái hóa biến chất. Hoạt động tàn phá vẫn diễn ra ngang nhiên, công khai và rầm rộ.

Bằng chứng là ông Nguyễn Tuấn Việt – Trưởng thôn Mỹ Lộc đã tự ý họp dân mời ông Đoàn Xuân Hạnh – Bí thư chi bộ tới dự và chỉ đạo đã thống nhất cho Cty CPTM dược phẩm Sao Mai do ông Trịnh Viết Thiệp (một cán bộ trong ngành giao thông tỉnh Bắc Ninh làm Giám đốc) hỗ trợ 100 triệu đồng và một số vật dụng khác. Đổi lại Cty Sao Mai sẽ khai thác cát tại một số điểm trên địa bàn.

Một hành động thách thức luật pháp, cấu kết ăn cắp trắng trợn khi mà các hồ sơ lưu trữ tại phòng TN-MT huyện Gia Bình chứng minh rằng UBND tỉnh Bắc Ninh không hề cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác ở khu vực bãi bồi, cửa điếm thôn Mỹ Lộc.

Không cam chịu với những bất công mà một số lãnh đạo thôn cấu kết với DN trút lên đầu nhân dân, những nông dân kiên cường ở Mỹ Lộc đã liên kết lại với nhau bàn cách tố cáo những việc làm sai trái của nhóm lợi ích. Hàng trăm lá đơn cầu cứu từ vùng quê này được gửi đi các cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp Trung ương nhưng những gì họ nhận lại thường chỉ là sự im lặng.

Ông Đoàn Công Mừng (67 tuổi), một trong những bậc cao niên được người dân thôn Mỹ Lộc giao phó trọng trách đi đòi công lý cho nhân dân nói rằng, những cán bộ thôn, xã cấu kết với DN "ngồi lên luật pháp" để cướp đất của nhân dân: "Họ đã vi phạm nghiêm trọng vào Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, dù phải trả giá bất cứ thế nào đi nữa thì chúng tôi nhất định phải đi đòi công lý".

Chúng tôi tin những gì nhân dân Mỹ Lộc làm. Bởi, ngay cả khi ông Mừng và một số người khác bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì những kiện cáo tại địa phương thì những người dân bất khuất nơi đây vẫn tiếp tục đi đòi công lý. Và thành quả xứng đáng nhất dành cho họ đến thời điểm hiện tại là bản kết luận của Thanh tra huyện Gia Bình.

Trong bản kết luận này, nhiều nội dung tố cáo của nhân dân được làm sáng tỏ. Xin được trích nguyên văn một số nội dung chính như sau: “Năm 2011, Cấp ủy chi bộ và chính quyền thôn Mỹ Lộc đã tự ý cho ông Nguyễn Văn Lường ở thôn Tân Tiến khai thác cát và tự ý tổ chức họp dân để đồng ý cho Cty CPTMDP Sao Mai xin làm thủ tục khai thác cát sỏi lòng sông tại khu vực cấm thăm dò khai thác làm sạt lở khu vực bãi bồi tại cửa điếm thôm Mỹ Lộc. Trách nhiệm thuộc về cá nhân ông Đoàn Xuân Hạnh - Bí thư Chi bộ, ông Nguyễn Bá Tư – Phó Bí thư và ông Nguyễn Tuấn Việt – Trưởng thôn Mỹ Lộc…

14-54-44_co-duc2
Đất đai, mồ mả dân Mỹ Lộc bị nhấn chìm cả xuống sông

Việc Cty Sao Mai tổ chức khai thác cát tại bãi bồi cửa điếm thôn Mỹ Lộc khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép, gây sạt lở diện tích đất bãi đã vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, vi phạm các qui định của UBND tỉnh Bắc Ninh…”.

Sau đó, một công văn phúc đáp khiếu nại gửi nhân dân vào ngày 5/11/2015 của Công an huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cũng đã thể hiện rằng cơ quan này có chung quan điểm với bản kết luận thanh tra huyện. Ở một diễn biến khác, ông Đoàn Công Mừng được phục hồi Đảng sau khi các cơ quan xác định nội dung ông tố cáo trước đây là đúng. Nhưng những gì diễn ra sau bản kết luận thanh tra các nội dung ở xã Cao Đức mới thật sự kỳ quặc, hệt như một trò lố.

Nói cách khác, hơn 10 ha đất sa bồi của nhân dân Mỹ Lộc bị đánh cắp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ông Đoàn Công Mừng nói: “Bản kết luận thanh tra đã chỉ rõ trách nhiệm quản lý 28 mẫu đất (~ 10,1 ha) bãi bồi thôn Mỹ Lộc thuộc về UBND xã Cao Đức.

Ông Đoàn Công Mừng nói, chú ruột ông là Đoàn Công Định - nguyên Bí thư xã Cao Đức trước lúc chết dặn lại rằng, tổ tiên, mồ mả của gia đình nằm ở vùng bãi bồi nhiều lắm nên đừng để người ta đào mất. Vậy mà… Tiếng nói đứt đoạn rồi ông khóc rống lên, tiếng khóc vang vọng cả một khúc sông Đuống. Khóc là phải, bởi có nỗi đau nào lớn hơn thế nữa đâu.

Còn công ty CP dược phẩm Sao Mai (Gia Bình, Bắc Ninh) của ông giám đốc Trịnh Viết Thiệp cũng bị kết luận là tác nhân chính làm biến mất bãi bồi. Sự thật rành rành, kết luận thanh tra cũng rành rành, nhưng suốt nhiều năm qua chúng tôi chạy đi chạy lại kiến nghị thì cuối cùng vẫn chỉ có 3 cán bộ thôn bị cảnh cáo về mặt Đảng”, ông Mừng bức xúc.

Những chuyện bi hài hậu kết luận thanh tra

Sau bản kết luận của Thanh tra huyện Gia Bình vụ việc hơn 10 ha đất bồi bị đánh cắp, chỉ có 3 ông đứng đầu thôn Mỹ Lộc bị cảnh cáo về mặt đảng, nhưng hai trong số họ lại được rút lên xã tiếp tục làm... lãnh đạo.

Cụ thể, ông cựu trưởng thôn Nguyễn Tuấn Việt giờ là Phó chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Cao Đức, còn ông Đoàn Xuân Hạnh, nguyên Bí thư thôn Mỹ Lộc, là ủy viên ban kiểm tra Đảng ủy xã.

Cty Sao Mai chỉ bị phạt hành chính qua loa, tiếp tục thuê đất nông nghiệp của dân, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng để kinh doanh bến bãi. Còn người dân Mỹ Lộc, những người đổ máu và nước mắt xuống bãi sa bồi để giữ đất tiếp tục cay đắng, bất lực bởi công lý gần như không hề được thực thi.

“Nhân dân chúng tôi đòi hỏi quyền được biết rõ số tiền hàng chục tỉ đồng từ hoạt động trộm cắp tài nguyên giờ ở đâu? Có bị truy thu không? Công ty Sao Mai bị xử lý ra sao? UBND xã, cụ thể là ông chủ tịch phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, ông Mừng đặt câu hỏi.

Không thể trả lời những câu hỏi của nhân dân, PV NNVN đã liên hệ làm việc với ông Trần Văn Dưỡng (ảnh) – Chủ tịch UBND xã Cao Đức.

14-54-44_co-duc-3

Ông Dưỡng thừa nhận những thực tế xảy ra với hơn 10 ha đất sa bồi ở thôn Mỹ Lộc, tự nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu chính quyền xã Cao Đức, kèm theo đó ông cũng rất biết cách tìm đủ lý do để biện bạch cho trách nhiệm của bản thân và chính quyền sở tại.

Vị Chủ tịch UBND xã nói: “Khu vực bãi bồi được giao cho UBND xã quản lý, việc bị mất hơn 10 ha đất là do tình hình khai thác cát trái phép. Bản thân UBND xã cũng đã nhiều lần có công văn gửi lên cấp trên nên không thể nói rằng chúng tôi vô trách nhiệm. Hơn nữa cũng đã có những cán bộ thôn bị kỷ luật rồi”.

Quả là ông Chủ tịch UBND xã Cao Đức rất biết cách trả lời quanh co. Chả trách, việc đất đai, mồ mả của nhân dân thôn Mỹ Lộc bị đám khai thác cát sỏi trái phép chôn vùi xuống dòng sông Đuống mà ông vẫn bình chân như vại dù đất ấy, trách nhiệm quản lý chính vẫn là UBND xã. Cũng theo tố cáo của một số người dân, nhiều năm trước ông Dưỡng từng làm Chủ tịch UBND xã Cao Đức, do tham ô một số thóc nên bị tốt cáo, kỷ luật, không hiểu sao bây giờ lại tiếp tục được làm Chủ tịch UBND xã.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất