| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ đi trước dân bước theo sau

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:56 (GMT+7)

Huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tăng cường chỉ đạo các xã phối hợp với UBMTTQ triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân “Chung sức xây dựng NTM”.

Huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tăng cường chỉ đạo các xã phối hợp với UBMTTQ triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân “Chung sức xây dựng NTM”. Sau 3 năm triển khai chương trình, bộ mặt bản làng, ngõ xóm có nhiều biến chuyển, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân ngày một tăng lên.

Lãnh đạo và nhân dân cùng làm

Dù đã chuẩn bị khá kỹ nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Tương Dương thấy khó khăn trăm bề, động cái gì vướng cái đó. Lúc này vai trò của các cấp lãnh đạo được phát huy. Huyện huy động thành công các nhà đầu tư, tận dụng ngân quỹ từ các chương trình khác để đầu tư vào NTM. Nhờ đó đã xây dựng được thêm 1 trụ sở UBND xã, 4 trạm y tế, 12 nhà văn hóa cộng đồng… Nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Yên Tĩnh - Hữu Khuông; Bãi Xa - Tùng Hương; đường đi từ xã Lượng Minh đến khu tái định cư bản Cà Moong…

Là huyện nghèo, ngân sách eo hẹp, do đó không thể tiến hành dàn trải mà phải biết xác định, lựa chọn tiêu chí phù hợp để triển khai. Nhận thấy khó khăn về đi lại là một trong những nguyên nhân lớn nhất kìm hãm đà phát triển kinh tế nên huyện yêu cầu lãnh đạo các địa phương vận động nhân dân đóng góp để nâng cấp đường GTNT. Nhận thấy chủ trương đúng đắn, các hộ dân nhiệt tình hưởng ứng, tình nguyện hiến tổng cộng gần 28.000 m2 đất; hơn 91.000 ngày công lao động để mở rộng đường liên thôn, chỉnh trang ngõ xóm theo đúng tinh thần "những việc chưa cần tiền làm trước, có tiền làm sau”, tổng kinh phí lên đến 33 tỷ đồng.


Người dân rất tích cực tham gia làm đường GTNT

Tam Quang, 1 trong 3 xã điểm, luôn là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” nên mọi việc diễn ra cực kỳ thuận lợi, giữa các cấp và người dân có sự đồng thuận cao.

Ông Lương Xuân Hóa ở bản Bãi Xá (Tam Quang), là cán bộ hưu trí, cho hay: Khi có chủ trương xây dựng đường GTNT thì chi bộ đã lập tức bàn bạc và thống nhất phương án đảng viên làm trước, dân ủng hộ làm theo nên công tác giải tỏa không quá khó khăn. Riêng nhà tôi ủng hộ 45 m2 đất và 8 cây xoan đã đến kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Vương Luyện, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi - phụ trách về xây dựng NTM của huyện Tương Dương, cho hay: Điểm nổi bật trong thời gian qua chính là phong trào làm đường GTNT. Giữa bộn bề khó khăn, rất may chúng tôi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bà con nhân dân, đó là mấu chốt của thành công.

Lồng ghép dự án

Bám sát phương châm “thiết thực, hiệu quả, thực chất”, Tương Dương đã thành công trong việc lồng ghép các Chương trình như 30a, 134, 135, 167, tạo tiền đề xây dựng NTM . Bên cạnh đó, xác định thế mạnh là nông, công nghiệp nên huyện quyết định đưa nhiều mô phát triển kinh tế hiệu quả áp dụng tại các thôn, bản, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Đáng chú ý là mô hình trồng chuối tiêu hồng ở Bản Chắn (xã Thạch Giám); trồng rau sạch ở Tam Quang; nuôi lợn đen ở Xá Lượng, Tam Thái hay nuôi lợn Móng Cái sinh sản ở Yên Hòa…

Đánh giá về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn trong thời gian gần đây, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT, cho biết: Tương Dương là huyện nghèo, đa phần các hộ gia đình đều làm nông nghiệp, tuy nhiên với phương thức nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao. Nhưng kể từ khi thực hiện theo chủ trương mới của huyện thì mức thu nhập của các hộ gia đình tăng lên rõ rệt. Làm giàu thì chưa nói nhưng để đảm bảo cuộc sống thì hoàn toàn có thể, tín hiệu tích cực bước đầu như thế là khả quan.

Về xã Tam Thái, một trong những địa phương khó khăn bậc nhất của huyện Tương Dương, không khó để nhận ra sự thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Nhiều đoạn đường, ngõ xóm đang được tu sửa, nâng cấp; đi lại, giao thương thuận lợi hơn trước rất nhiều. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân trong bản đã biết nắm bắt thời cơ, tích cực đẩy mạnh SX kinh tế.


Mô hình nuôi lợn đen hiệu quả ở xã Tam Thái

Thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 30a, toàn xã Tam Thái có 18 hộ tham gia nuôi lợn đen địa phương (được hỗ trợ con giống và lưới thép); 29 hộ triển khai mô hình truyền tinh nhân tạo cho lợn nái; 5 hộ nuôi dúi được hỗ trợ mỗi gia đình 8 con giống...

Từ thành công trên, một số hộ gia đình còn chủ động bỏ vốn đầu tư, chủ động SX, thu nhập hàng năm lên đến gần trăm triệu đồng. Tiêu biểu là hộ của anh Lò Văn Phải (Bản Lũng). Anh Phải cho biết: Tôi triển khai làm nông lâm kết hợp từ năm 2010 với 50 con lợn, 120 con gà, 5 con bò và 2 ha xoan, dù tốn khá nhiều thời gian, công sức nhưng thu nhập ổn định, khoảng 90 - 100 triệu/năm.

Thành công trên là do bà con được hướng dẫn và áp dụng KHKT vào SX, biết chuyển dịch cơ cấu SX ngành nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng SX hàng hóa. Mô hình SX tốt, có sức lan tỏa, phù hợp để tiến hành nhân rộng, góp phần làm cho diện mạo nông thôn vùng cao từng bước khởi sắc, tạo đà xây dựng NTM tại các thôn, bản có đông đảo bà con dân tộc thiểu số.

"Là huyện miền núi, dân số chủ yếu là người Thái, do đó nhận thức, hiểu biết còn nhiều hạn chế, dù sức mạnh nội lực đã được phát huy nhưng nguồn thu cơ bản còn ít.

Một số bộ phận người dân không muốn thoát nghèo dù họ có đủ điều kiện để làm nếu quyết tâm thực sự, dường như tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào máu, tạo thành một thói quen khó bỏ. Thời gian tới, Tương Dương tiếp tục lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, đồng thời tích cực tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM đến toàn thể nhân dân", ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.