| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ hại dân

Thứ Ba 19/06/2012 , 12:47 (GMT+7)

Tuy ở gần rừng nhưng người dân ở bản Trầm (thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại không có đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ nhằm ổn định sản xuất và đời sống.

Tuy ở gần rừng nhưng người dân ở bản Trầm (thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại không có đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ nhằm ổn định sản xuất và đời sống. Trong khi phần lớn diện tích đất rừng trên địa bàn đã được chia cho một số người khác hưởng lợi.

Ông Đoàn Xuân Niệm, Phó trưởng thôn Đồng Lâm, cho biết: “Năm 1994, theo chương trình dãn dân của Nhà nước, một bộ phận người dân ở thôn Đồng Lâm tiến sâu vào vùng đất mới được bao bọc xung quanh là đồi núi để khai hoang lập nghiệp. Vùng đất này mang theo khát vọng đổi đời nên họ đã thống nhất gọi tên miền đất mới là bản Trầm. Ban đầu bản Trầm chỉ có 10 hộ, họ nương tựa vào nhau cần mẫn cày sâu cuốc bẫm để xây dựng đời sống, và rồi "đất lành chim đậu" đến nay bản Trầm đã có 33 hộ với 155 nhân khẩu”. 

Năm 2001, Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho người dân để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng thì người dân bản Trầm yên tâm vì họ đã gắn bó với mảnh đất này từ lâu. Thế nhưng, hy vọng của người dân lại khó thành hiện thực bởi phần lớn đất rừng ở tiểu khu 85 (khu vực người dân bản Trầm đang sinh sống) với diện tích 110 ha đã chuyển sang tay của những người có quan hệ họ hàng với các vị cán bộ xã Đức Hóa. Ông Niệm bước xúc: “Thậm chí đến cả người sinh sống và có hộ khẩu ở thị trấn Đồng Lê, cách xa bản Trầm hàng chục cây số cũng có người được cấp đất rừng ở đây”.


Ông Đoàn Xuân Tý: “Hồ cá nhà tôi phải bỏ vì nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt”

Năm 2005, những người được chia đất rừng tiến hành phát quang để trồng keo lai, bạch đàn hưởng lợi, đồng thời để lên hai vai người dân bản Trầm gánh nặng mưu sinh, việc làm và ô nhiễm nguồn nước. Dẫn chúng tôi đi thực địa vùng đất rừng đang bị người khác sử dụng sát với bản Trầm, ông Đoàn Xuân Niệm nói: “Mang tiếng là ở gần rừng nhưng hiện giờ trung bình các hộ dân ở bản Trầm chỉ có một khoảnh đất cằn khoảng 3 sào (1.500m2) để sản xuất. Nhưng với tình trạng khai thác trắng rừng trồng gây ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước như hiện nay, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của bà con đã bị đe dọa rất lớn”.

Cũng theo ông Niệm thì những người nơi khác đến làm rừng ở đây nên không có trách nhiệm gì đối với bà con bản Trầm. Họ thực hiện đốt quang rừng được chia để trồng keo và khi khai thác ồ ạt không theo quy trình đã làm môi trường ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Rừng bị phạt trắng nên con suối dẫn nước về bản Trầm đã bị khô kiệt. Gia đình anh Đoàn Xuân Tý vào lập nghiệp ở bản Trầm từ năm 1994, thời điểm đó anh mặc nhiên trở thành điển hình phát triển kinh tế giỏi bởi trong tay có 4 ao cá và 2 sào ruộng nước để sản xuất, mỗi năm có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Nhưng từ năm 2005 đến nay thì nguồn thu đó đã không còn do nguồn nước từ khe suối trong rừng tiểu khu 85 chảy ra bản Trầm đã bị cạn kiệt. Từ chỗ “làm chủ”, đến nay anh Tý đành phải phá bỏ ao nuôi cá, rồi cả gia đình đành phải đi làm thuê, làm mướn ngay trên mảnh đất mà anh đã từng đổ mồ hôi trước đó.

Ông Đoàn Xuân Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, xác nhận: “Việc cán bộ xã và cán bộ thôn Đồng Lâm phù phép để chia đất rừng cho người thân không sinh sống ở bản Trầm là có thật. Vì vậy người dân bản Trần thiếu đất sản xuất dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền xã Đức Hóa không đủ thẩm quyền để xử lý vụ việc mà phải chờ cấp trên".

Cách gia đình anh Tý một quãng đường, gia đình bà Phạm Thị Hồng còn khó khăn hơn khi người chồng mất sớm. Một nách bà Hồng dựa vào nguồn thu từ ao cá để nuôi con nhưng mấy năm nay do tình trạng khai thác rừng bừa bãi ở tiểu khu 85 đã làm nguồn nước chảy về mấy cái ao của gia đình bà bị ô nhiễm, con cá nuôi chưa kịp lớn đã nổi trắng ao.

“Hồi đó, vợ chồng tôi rời làng cũ để vào đây định cư; cực khổ khai hoang nhưng cuộc sống đã dần tạm ổn nhờ nguồn thu từ những ao cá mang lại. Vậy nhưng, từ khi những hộ ở nơi khác được chia đất rừng để trồng keo, bạch đàn và bây giờ họ đang rầm rộ khai thác, làm cạn kiện hết nguồn nước, cá chết, đất trồng lúa bỏ hoang, coi như đẩy gia đình tui vào bước đường cùng", bà Hồng than thở.

Theo danh sách diện tích đất lâm nghiệp các hộ sử dụng tại tiểu khu 85 do ông Nguyễn Văn Hạnh, cán bộ địa chính xã Đức Hóa, lập ngày 3/4/2012, thì trong khu vực trên hiện có 16 hộ với diện tích trên 113 ha nhưng không có tên người dân nào sinh sống ở bản Trầm. Hiện người dân ở bản Trầm rất bất bình vì những vấn đề liên quan đến việc giao đất giao rừng ở tiểu khu 85. Ông Niệm bộc bạch: “Mong muốn của người dân bản Trầm là chính quyền sở tại cần tiến hành làm rõ việc chia đất rừng ở tiểu khu 85, nếu có sai phạm thì thu hồi và chia cho mỗi hộ nơi đây một ít để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng để bảo đảm cuộc sống”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất