| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ thâu tóm đất rừng của dân

Thứ Hai 22/08/2011 , 09:16 (GMT+7)

Cây trồng chưa kịp khai thác thì những diện tích đất rừng kia bỗng bị “lọt” vào tay người khác, chủ yếu là cán bộ địa phương.

Ông Võ Hồng Hà tại thửa đất của ông bà để lại cũng đã bị ông Thông thâu tóm

Vào đầu thập niên 80 (thế kỷ 20), người dân thôn Ngọc An Tây, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn-Bình Định) khai hoang 1 số diện tích đất hoang để trồng cây lương thực, sau đó trồng cây gây rừng theo chủ trương “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”. Cây trồng chưa kịp khai thác thì những diện tích đất rừng kia bỗng bị “lọt” vào tay người khác, chủ yếu là cán bộ địa phương.

Ông Võ Hồng Hà ở xóm 2, thôn Ngọc An Tây, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn-Bình Định) bức xúc kể lại: “Từ xa xưa ông bà tôi đã khai hoang 3 thửa đất đồi (gần 3 sào) tại vùng Dông Bà Yến để trồng mì. Trên vùng đất này ông bà tôi đã đào cả giếng nước để tưới. Cha tôi và anh trai tôi là 2 liệt sỹ cũng được an táng ở đây. Đến năm 1988, theo chủ trương của Nhà nước tôi mua bạch đàn về trồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Năm 1991, HTXNN Ngọc An thực hiện trồng rừng theo chương trình PAM 4304. Tôi không hề được phổ biến và hưởng lợi từ chương trình này. Lợi dụng chương trình PAM, ông Nguyễn Thông- Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An trồng rừng lấn sang đất của tôi. Sau đó tôi mới hay là đất của mình đã bị mất vào tay ông Thông 1 lô và mất 2 lô vào tay ông Nguyễn Văn Thứ, hiện là Bí thư chi bộ thôn Ngọc An Trung. Thậm chí khi khai thác, những cây tôi trồng trước đó tôi cũng không được hưởng”.

Trường hợp của lão nông Võ Kình (80 tuổi) ở xóm 3, thôn Ngọc An Tây càng bi đát hơn. Là hộ nghèo, bản thân mất sức lao động, cuộc sống của gia đình ông Kình chỉ trông vào gần 1 ha đất tại Dông Bà Yến mà cha ông Kình đã ra sức khai hoang từ trước ngày giải phóng để trồng mì. Đến năm 1989, theo chủ trương “phủ xanh đất trồng đồi núi trọc”, ông Kình mua cây bạch đàn về trồng. Khi bạch đàn mới được 4 năm tuổi, ông Nguyễn Thông- Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An đến nhà “ra lệnh” cho ông Kình phải khai thác hết số cây đã trồng và đào tất cả gốc để HTX lấy đất trồng điều theo chương trình PAM.

Là nông dân chân chất, ông Kình “tuân lệnh”, khai thác cây con về làm củi nhưng không có sức đào gốc. Thế nhưng sau đó chẳng thấy HTXNN Ngọc An trồng điều, mà chỉ thấy ông Phó Chủ nhiệm trồng keo xen vào những gốc bạch đàn ông Kình trồng. Tiếp theo, chẳng biết “phù phép” thế nào mà toàn bộ diện tích đất của ông Kình được làm sổ đỏ cho “chủ đất” mới. Người chủ mới lại chính là vợ của ông Phó Chủ nhiệm HTX, bà Huỳnh Thị Đức. Từ đó đến nay, từ những gốc bạch đàn cũ, bà Đức đã thu hoạch được 2 lứa cây bán lấy tiền bỏ túi.

Lão nông Võ Kình nói trong nước mắt: “Gia đình tôi có 3 đứa con thì 1 con trai đã mất, con gái có chồng ở riêng, đứa con trai đang sống chung với vợ chồng tôi thì lại bị tâm thần. Tôi mong sao các cấp chức năng can thiệp để vợ chồng ông Thông trả lại đất cho gia đình tôi làm ăn sinh sống”.

Đến cả trường hợp đã có hợp đồng thực hiện Chương trình PAM như của ông Nguyễn Văn Thao ở xóm 3, thôn Ngọc An Tây cũng bị ăn chặn. Ông Thao cho hay, năm 1991, HTXNN Ngọc An hợp đồng với ông Thao thực hiện trồng rừng theo Chương trình PAM 4304 trên diện tích đất do gia đình ông khai hoang với phương thức: Sau khi khai thác, HTXNN hưởng 20%, hộ trồng rừng hưởng 80%, chủ đất được giao quyền quản lý, sử dụng ổn định diện tích đất nói trên. Thế nhưng sau đó cam kết trong hợp đồng bị phá vỡ.

Ông Thông uất ức nói: “Sau khi khai thác lứa cây đầu, HTXNN Ngọc An mời tôi đến trụ sở buộc tôi giao đất lại cho HTX chuyển đổi giống cây trồng. Gia đình tôi kiên quyết không giao đất dù bị hăm dọa rất dữ. Tuy nhiên từ đó về sau gia đình tôi cũng bị gạt ra khỏi mảnh đất của mình, đất bị “lọt” vào tay ông Nguyễn Thông, hiện là Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An”.

1 cán bộ đương chức tại địa phương bức xúc: “Tại Dông Bà Yến có 2 ngọn núi, 1 là của ông Nguyễn Thông, Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An và 1 là của bà Đức, vợ ông”. Thực hiện Chương trình PAM 4304, tại khu vực Dông Bà Yến có 32 ha đất vốn là của người dân thôn Ngọc An Tây bị "lọt” vào tay 29 “chủ đất” mới, trong đó phần nhiều là cán bộ địa phương. Nhiều người dân đã gửi đơn khiếu kiện. “Nuốt không trôi”, 1 số chủ mới đành nhả đất lại cho dân.

Ông Phan Văn Tấn (84 tuổi) ở thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, cán bộ lão thành có 56 tuổi Đảng nói: “Tham gia trồng rừng theo Chương trình PAM là người dân được hưởng lợi từ cây giống, phân bón, gạo... nếu được phổ biến rộng rãi lẽ nào họ không tham gia. Ở đây chắc hẳn có điều không minh bạch”.

Có thể kể: Bà Lê Thị Mắn lấy lại được đất từ ông Nguyễn Bảy, nguyên là Thôn đội trưởng thôn Ngọc An (cũ). Ông Nguyễn Mạnh và ông Tạ Đinh lấy lại được đất từ tay ông Huỳnh Văn Hiếu, nguyên là Thủ quỹ HTXNN Ngọc An. Đặc biệt, ông Phan Văn Vân và Phan Văn Hoành cùng thắng kiện và lấy lại đất từ tay ông Nguyễn Văn Tiến, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh Tây.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ khác đang ngậm đắng nuốt cay nhìn đất của mình trong tay kẻ khác như bà Phan Thị Trinh có đất đã bị ông Nguyễn Nghiễm, nguyên là Đội trưởng Đội SX của HTXNN Ngọc An thâu tóm; ông Võ Hồng Hà mất đất vào tay 2 ông Nguyễn Thông (Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An) và Nguyễn Văn Thứ, hiện là Bí thư chi bộ thôn Ngọc An Trung; ông Nguyễn Lộc mất đất vào tay ông Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An Nguyễn Thông.

Tại HTXNN Ngọc An, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thông, Phó Chủ nhiệm HTX và ông Thông thừa nhận: “Đa số đất ở 2 ngọn núi tại Dông Bà Yến là đất của tôi và vợ tôi, đã được làm sổ đỏ hẳn hoi, 1 sổ do vợ tôi đứng tên và 1 sổ do tôi đứng tên”. Khi chúng tôi hỏi vì sao vợ chồng ông nhiều đất đến như vậy thì ông Thông cho biết: “Do lúc phát động trồng rừng theo Chương trình PAM 4304 dân không hưởng ứng nên vợ chồng tôi nhận làm tất”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.