| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ thú y không dám ăn thịt lợn

Thứ Năm 07/10/2010 , 10:08 (GMT+7)

Đêm thứ hai đột kích các lò mổ đoàn công tác liên ngành của Cục Thú y tiếp tục kinh hoàng bởi sự vi phạm nghiêm trọng ATVSTP ngay cả những lò mổ được cấp giấy phép kinh doanh hẳn hoi.

Đêm thứ hai đột kích các lò mổ đoàn công tác liên ngành của Cục Thú y tiếp tục kinh hoàng bởi sự vi phạm nghiêm trọng ATVSTP ngay cả những lò mổ được cấp giấy phép kinh doanh hẳn hoi. 

>> Trắng đêm thâm nhập lò mổ

2 giờ sáng hôm qua (6/10), PV NNVN tiếp tục lên đường cùng đoàn công tác liên ngành do Cục Thú y chủ trì thị sát tình hình giết mổ GSGC trên địa bàn huyện Đan Phượng (TP Hà Nội). Rút kinh nghiệm từ đêm trước, đoàn công tác lùi thời gian xuất phát muộn hơn để có dịp tận mắt chứng kiến các lò mổ hoạt động vào thời điểm cao trào từ 3-4 giờ sáng.

 Làng nghề ở xã Tân Hội được chọn là điểm đến một phần vì nơi đây vốn đã được địa phương quy hoạch thành điểm giết mổ tập trung và bản thân thú y cơ sở cũng báo về là phần lớn lò mổ đều đã có giấy phép kinh doanh. Ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y hi vọng sẽ được thấy một bức tranh sáng sủa hơn so với các lò mổ chui ở Thanh Oai và Thịnh Liệt.

Điểm cơ sở giết mổ tập trung ở xã Tân Hội gồm bốn lò mổ nằm san sát nhau mỗi ngày “xử lý” hàng trăm con lợn. Có mặt vào thời điểm hoạt động hết công suất, cảm giác của đoàn công tác vẫn lại là sự kinh hoàng. Bất chấp sự có mặt của chúng tôi, hàng chục nhân viên ở lò mổ của hộ ông Nguyễn Viết Thắng vẫn miệt mài “xuống dao sát lợn”.

 Trước cổng, nước thải trộn lẫn máu và phân chảy lênh láng gây trở ngại cho bất cứ ai muốn đi vào. Giữa sàn giết mổ, hàng chục con lợn nằm phơi xác trên thứ nước lấp xấp nhầy nhụa ấy. Ngay bên cạnh đống xác lợn đã được sơ chế thành phẩm chờ chuyển đi, tốp phụ nữ phụ trách xử lý nội tạng thản nhiên tuốt lòng, phân lẫn vào nước rồi chảy vào… đống lợn thành phẩm. Tầm 30 phút sau, tiếng xe máy rú ga ầm ập hộc tới. Dùng chân đi ủng đá ngược đá xuôi để lựa hàng, tốp đàn ông nhanh chóng xốc lợn lên xe tiếp tục rú ga.  

Chứng kiến cảnh tượng “lợn trần dạo phố”, các cán bộ thú y không kìm nén nổi bức xúc hỏi ngay chủ lò mổ: “Sao thành phố đã quy định dùng thùng nhôm vận chuyển lợn thành phẩm rồi mà cơ sở không chấp hành”. Ngay lập tức, đám phụ nữ ngừng tay dao lóc thịt đứng dậy nói liên hồi: “Quy định kiểu đó ai mà chấp hành được. Lợn vừa mổ xong nếu cho vào thùng nhôm thì có mà thành thịt chín à. Chưa kể thùng bé tý tẹo, mỗi lần chỉ chở tầm một con thì có mà ăn cám. Quy định thế chẳng bằng giết người ta”.

Phớt lờ thắc mắc của đoàn thị sát, tiếng xe máy lại rú lên. Trên mỗi xe là 3-4 con lợn thành phẩm nằm vắt vẻo tuồn đi tiêu thụ mặc con đường bụi mịt mù. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, hàng chục chiếc xe như thế lao ra chợ Ngô Sĩ Liên. Dường như họ không hề đếm xỉa gì đến quy định của thành phố Hà Nội và mấy chiếc thùng nhôm đã được phát miễn phí.

Thấy đoàn kiểm tra làm việc hơi lâu, chủ lò mổ khiếu nại: “Các bác đã kiểm tra thì phải kiểm tra cho hết những lò bên cạnh. Chiếu theo tiêu chuẩn như các bác nói thì đây làm gì có ai đảm bảo được”.

Tiếp tục sang lò mổ bên cạnh của hộ Lê Văn Trường, đoàn công tác tiếp tục… kinh hoàng. Giữa sàn nhà lập xập nhân viên đang ngồi sơ chế. Toàn bộ hệ thống sàn sạp đều bằng gỗ và bạt ni lon. Nhân viên lò mổ thản nhiên quần áo bùi nhùi, chân đi ủng ngồi giữa đống thịt thẳng tay ném từ góc này sang góc khác. Đến nước này, các cán bộ thú y xem chừng đã quá ngán ngẩm: “Hệ thống giết mổ đúng quy trình thì sạp phải bằng inox, sàn mổ phải cao hơn nền để thoát nước. Đằng này lợn thì mổ giữa nền nước bẩn, sơ chế trên sạp gỗ bằng bạt thế này thì làm sao đảm bảo được”- ông Dân thở dài. 

“Bức tranh” của các lò mổ mà ông Dân hi vọng sáng sủa đã bị bóc trần. Đi sâu vào tìm hiểu, đoàn công tác càng phát hiện thêm nhiều sự thật kinh hoàng. Cả 4 chủ lò mổ đều tiếng là có giấy phép kinh doanh nhưng giấy chứng nhận giết mổ vệ sinh thì chỗ có chỗ không. Hệ thống thoát chất thải đã được quy hoạch nhưng chỉ là nơi lắng cặn, còn lại đều tuồn ra ruộng mương bên cạnh. Gặp những hôm trời mưa trộn vào thì đó là chốn cực hình. Nước phục vụ giết mổ là nước giếng khoan được bơm lên bể nhưng các lò mổ đều tận dụng cho nhiều công đoạn. Từ giết mổ cho đến xử lý nội tạng đều được thực hiện trên cùng một bể nước ấy. Mặt nước đen ngòm, nổi váng ở cơ sở ông Trường là một minh chứng. 

Khi chúng tôi chuẩn bị rời các lò mổ, một thanh niên đứng phát phiếu cho các xe chở lợn bóng gió rằng: “Lần sau đến mà còn chụp ảnh thì xem chừng đấy”.
Lý giải điều này các chủ lò mổ đều đổ cho “thiếu kinh phí đầu tư” còn ông Lê Văn Thư, Phó trạm trưởng Trạm Thú y Đan Phượng chỉ gói gọn: “Chứng kiến những cảnh này thì ngay cả thú y cơ sở như chúng tôi cũng không dám đụng đến thịt lợn”. Chỉ cần thị sát 2 lò mổ, đoàn công tác đã có thể đưa ra nhận định cũ: “Nhìn bằng mắt thường đã thấy vi phạm rồi”. Càng hoảng hơn khi chính ông Thư thừa nhận là 100% cơ sỏ giết mổ trên địa bàn đều không thể kiểm dịch. Toàn bộ quy trình giết mổ có đảm bảo hay không, nguồn gốc lợn như thế nào thì chỉ có các lò mổ mới biết được, ngay cả cán bộ thú y cũng chịu.

Dù cả 4 cơ sở giết mổ đều nằm trong một điểm tập trung nhưng tất cả các hoạt động của các lò mổ này đều không thể kiểm soát vì họ không chịu chấp hành các quy định của cán bộ thú y. “Chúng tôi đến kiểm dịch thì bị dọa rằng các ông quyền gì, có cấp giấy phép kinh doanh cho chúng tôi đâu mà đòi kiểm tra. Thế nên đành bất lực”- ông Thư phàn nàn.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.