| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/07/2019 , 08:59 (GMT+7)

08:59 - 10/07/2019

Cán bộ từ chối hoặc nộp lại quà tặng: Rất hấp dẫn, nhưng...

Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây. Nhưng suốt mấy ngày nay, dư luận xã hội đã xôn xao, bởi có rất nhiều câu hỏi xung quanh nghị định này.

Hình mang tính minh họa.

Nghị định quy định: Cơ quan nhà nước hoặc người có chức vụ không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc. Nếu không từ chối được, cán bộ phải quản lí, xử lí theo quy định.

Cán bộ cũng phải từ chối khi nhận được quà tặng không đúng quy định. Nếu không từ chối được thì phải báo cáo lãnh đạo và nộp lại trong thời hạn không quá 5 ngày.

Những quy định nghe thật hay, thật hấp dẫn, nhưng...

Thế nào là quà tặng đúng quy định? Thế nào là quà tặng không đúng quy định? Lấy cái gì làm căn cứ? Lấy giá trị của quà tặng ư? Quà tặng bao nhiêu thì đúng quy định, và ngược lại? Đã có một dạo chúng ta quy định: quà tặng đến 500 ngàn đồng là tình cảm, trên 500 ngàn đồng là “trên mức tình cảm”.

Nhưng quy định đó nhanh chóng chết yểu, chỉ để lại cho xã hội một chuỗi cười dài, bởi đã là tình cảm, thì làm gì có mức trên, dưới? Làm sao lại có thể đặt một tờ 500 ngàn đồng vào giữa để làm ranh giới tình cảm? Tình cảm có thể so với sông dài biển rộng.

Vì tình cảm, người ta có thể tặng nhau cả một ngôi biệt thự ở khu đất vàng hay tặng nhau một cái ô tô tiền tỷ, thậm chí một cái máy bay. Nếu có hỏi, người tặng sẽ trả lời “thế cũng chưa thể hiện hết tình cảm của tôi”, thì sao? Ai có thể hạch sách, căn vặn được?

Quà tặng, nhất là quà tặng mang tính hối lộ hoặc mua chức chạy quyền, có hàng trăm hàng ngàn cách đưa chỉ có “tứ tri" (ông biết, tôi biết, trời biết, đất biết) mà thôi.

Ví như chỉ một vài thao tác trên điện thoại là hàng triệu đô la đã có thể chuyển từ tài khoản của người tặng đến tài khoản, không phải của người được tặng, mà là tài khoản của con, của cháu hay của thư kí, thậm chí là tài khoản của bồ nhí của người được tặng. Rất đơn giản và tiện lợi. Rồi từ những tài khoản đó, tiền sẽ biến thành đất, thành nhà, thành xe... cũng không phải mang tên người được tặng mà mang tên con, tên cháu của người đó.

Chung quy, người được tặng vẫn “tuyết sạch giá trong” với căn hộ tập thể xuống cấp và cái xe máy cũ. Nhưng, sau lúc “hạ cánh an toàn” mà xem. Nếu chẳng may bị lộ, thì “nó tự gửi vào tài khoản của con, của cháu tôi, tôi có biết gì đâu?”. Còn công an thì “không đủ căn cứ” để kết luận người được tặng đã nhận quà. Thế là ổn. Những loại quà tặng như thế thì chỉ khi mặt trời không còn tỏa ra nhiệt độ nữa, người được nhận mới báo cáo với lãnh đạo hoặc nộp lại tổ chức.

Những văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo trong những căn phòng máy lạnh, sẽ “lạnh” rất nhanh khi đi vào xã hội.