| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Bảy 24/08/2019 , 08:52 (GMT+7)

Có người trong giới bảo với tôi rằng sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi giống như phải leo ngôi nhà có nhiều tầng, hiện các nhà khoa học của ta đang mới chỉ bước được những bậc thang đầu tiên…

Nông dân tràn trề hi vọng

Tỉnh Hưng Yên hiện có 4 điểm đang thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi. Để tìm hiểu vấn đề này, PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã về thăm 2 trại. Trại thứ nhất của anh Nguyễn Mạnh Phóng ở thị trấn Ân Thi huyện Ân Thi khi ở đây vừa xuất chuồng xong một lứa lợn con hơn 40 con.

Anh Phóng đang kiểm tra lợn con được sinh ra từ lợn mẹ đã tiêm vacxin. Ảnh: Nguyên Huân.

Anh kể: “Nhà tôi có hai dãy chuồng cách nhau 10m, dãy lợn giống có 28 nái, dãy lợn thịt có 45 con. Lúc trước thấy dãy lợn thịt bị ốm tôi mang mẫu máu đi xét nghiệm ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho kết quả 10 con dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tình cờ tôi được biết tiến sĩ Lê Văn Phan của Học viện nên xin được thử nghiệm loại vacxin đang trong quá trình nghiên cứu.

Mũi đầu tiêm vào ngày 25/5 trên đàn lợn của cả hai dãy chuồng. 3-4 hôm sau một số con lợn thịt bị sốt, bỏ ăn, lấy 4-5 mẫu máu đem đi xét nghiệm thì cái dương tính, cái không bởi thế tôi quyết định loại bỏ hết. Dãy lợn nái phản ứng còn nhanh hơn, sáng tiêm, chiều đã có 5-6 con bỏ ăn nhưng hôm sau lại ăn bình thường, chỉ 1 con bị liệt chết, 1 con bị sốt phải loại. Lấy mẫu máu của con bị sốt đó đem đi xét nghiệm kết quả là âm tính.

[clip] Anh Phóng kể chuyện tiêm vắc xin cho đàn lợn 

Mũi tiêm thứ hai sau đó khoảng 20 ngày thì không thấy lợn bị sốc như đợt đầu nữa. Chúng khỏe mạnh và chửa đẻ bình thường. Ngoài 40 con vừa xuất đi sáng nay trại còn 30 con sắp có thể bán, 1 lợn mẹ vừa đẻ 13 con, 3 lợn mẹ chuẩn bị sinh… Những con lợn con khi 1 tháng tuổi được tiêm mũi đầu, 20 ngày sau tiêm nhắc lại. Trong khi xung quanh gần như đã hết sạch lợn nhưng trại nhà tôi vẫn tồn tại nhờ có vacxin và vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên. Tôi đang thuê một trang trại ở xã Đào Dương cùng huyện trước vốn bị dịch phải bỏ không để chuẩn bị thả 500 con lợn giống mới được đặt mua với giá 1,45 triệu đồng/con đấy”.

Cũng tương tự thế là trại của anh Lương Văn Tuân ở thôn Bắc Kênh Cầu xã Đồng Than huyện Yên Mỹ. Lúc tôi đến, anh vừa phải đi lái xe tải thuê về, công mỗi ngày được 200-300 nghìn đồng, để trả lãi tiền vay. Dịch tả lợn châu Phi đã xóa sổ đến ¾ đàn lợn và để lại cho anh một khoản nợ lên đến trên 1 tỉ đồng.

“Có nhiều thứ còn nguy hiểm hơn cả dịch tả lợn châu Phi là mưu sinh thế nào, là 69 ô chuồng còn bỏ trống, là khoản lãi vay hàng tháng phải trả đến 12 triệu đồng. Tôi chôn lợn đã hơn 4 tháng rồi nhưng khoản hỗ trợ trên giấy tờ là 300 triệu đến nay vẫn chưa nhận được. Không có vốn để tái đàn đã đành mà cứ chậm trễ thế này không khéo đến khi lấy được tiền hỗ trợ còn không đủ để mà trả lãi nữa…”, anh thổ lộ.

Lợn mẹ đã được tiêm vacxin trong trại nhà anh Phóng. Ảnh: Nguyên Huân.

Mọi âu lo như được xua đi phần nào khi anh nói về mấy con lợn nái còn sót lại đang được thử nghiệm tiêm vacxin: “Lúc trước tôi có 58 con nái và 270 con lợn choai lẫn lợn con. Khi lợn bị ốm tôi lấy máu của 3 con đi xét nghiệm ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì được biết là dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Xã cho người đem 12 con yếu nhất đi tiêu hủy. Qua chỗ quen biết tôi tìm đến tiến sĩ Lê Văn Phan và được cho phác đồ điều trị: Những con ốm yếu loại bỏ hết còn 18 con lợn nái và 25 con lợn thịt thì tiêm vacxin”.

Ngày 7/5 tiêm mũi đầu, hơn 10 ngày sau lợn lại ốm, bỏ ăn, lấy mẫu cả lợn nái lẫn lợn thịt đều dương tính nên anh loại tiếp 7 con nái còn lợn thịt thì loại hết bởi chúng đều nhốt chung một ô chuồng, không riêng từng lồng như lợn nái. 11 con nái còn lại được tiêm mũi thứ hai vào ngày 26/5, 15 ngày sau tiêm tiếp mũi thứ ba. Tất cả hiện nay đều đã đẻ. Lứa đầu tiên tiêm tiếp 25 con giờ đã nặng trung bình 70kg, lứa tiếp theo 110 con mới được sinh ra, ngày 21/8 vừa rồi tiêm thử trên 34 con…

Bởi anh Tuân muốn thử nghiệm vacxin nên phải chấp nhận thiệt hại hàng trăm triệu đồng so với phương án tiêu hủy ngay từ đầu (lúc ấy lợn nái sẽ được hỗ trợ 48.000đ/kg chứ không giá thấp như đợt sau cộng với tốn kém thêm rất nhiều tiền cám, tiền vật tư tiêu độc khử trùng nữa).

Anh Tuân cho đàn lợn đã được tiêm vacxin ăn. Ảnh: Nguyên Huân.

“Trong vùng các trại dính dịch để lại thử một vài con mà không tiêm vacxin đều không thể thoát chết. Cả làng giờ chỉ mỗi đàn lợn của nhà tôi còn cả xã thì có vài nhà sót lại. Tôi chỉ mong sao các nhà khoa học Việt Nam thành công trong việc chế tạo vacxin dịch tả lợn châu Phi để người chăn nuôi có thể khôi phục lại nghề chứ thiệt hại lớn quá rồi”, anh hi vọng.
 

Cơ quan quản lý bảo thử nghiệm “chui”

Khi tôi liên lạc với ông Nguyễn Quang Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên để hỏi về việc thử nghiệm vacxin trên địa bàn thì ông tỏ ra khá bức xúc: “Tôi không nắm được việc ai, ở đâu thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi trong tỉnh bởi họ có thông qua đơn vị, có ý kiến đề xuất gì với cơ quan quản lý đâu mà biết? Nếu có chuyện đó thật thì tôi đề nghị trên xử lý. Phải xem thử nghiệm ở đâu, theo dõi thế nào, quy trình khép kín ra sao bởi biết đâu trong quá trình thực hiện có nhiều yếu tố xảy ra không theo ý muốn…”.

Cũng theo ông Tuấn vừa rồi ở xã Yên Hòa huyện Yên Mỹ công an đã giữ lại một nhóm thầy và trò của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đi lấy mẫu dịch tả lợn châu Phi vì họ chẳng có giấy giới thiệu gì trong khi dịch dã cứ ra vào lung tung, lấy mẫu mang đi tự do. Giữ từ sáng đến tối khi trường xuống xin thì mới được cho về.

Còn chuyện về vacxin nội, ông nhận định: Tôi không dám phủ định cái tài của người Việt Nam. Trong nghiên cứu khoa học biết đâu lại có yếu tố bất ngờ nhưng thế giới đã nghiên cứu nó gần trăm năm nay rồi, nói chung là rất khó. Người ta ví virus dịch tả lợn châu Phi giống như virus HIV trên người bởi nó tấn công thẳng vào nơi sản sinh ra hệ miễn dịch, khiến các đại thực bào bị suy yếu đi nên không thể bảo vệ được cơ thể nữa. Theo tôi, việc nghiên cứu khoa học có thể một là thành công hai là không. Do vậy, việc thông tin tới người dân cần chính xác, thận trọng.

Kết quả trên những con lợn của Dabaco

Một lãnh đạo của công ty Dabaco xác nhận với tôi rằng cách đây 2 tháng, công ty có nhận thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên khoảng 100 con lợn, đã tiêm xong hai mũi.

Vấn đề này rất phức tạp bởi cấu trúc của con virus có nhiều điểm kháng nguyên khác nhau để tấn công tế bào đích nên để tạo ra kháng thể bảo hộ cũng sẽ rất khó: “Thực tế kiểm tra sau khi tiêm trên đàn lợn chỉ có khoảng 10-20% có kháng thể nên chúng tôi cũng rất dè dặt trong việc dùng tiếp hay không.

Theo các nhà khoa học quốc tế, virus này chủ yếu tấn công vào tế bào máu và những tế bào chức năng khác, cấu trúc virus có nhiều điểm kháng nguyên - tức chỗ gây bệnh, không lộ diện ra ngoài nên đại thực bào (tế bào bảo vệ của cơ thể, chuyên tấn công các đối tượng lạ gây bệnh), bị bịt mắt, không sản xuất được kháng thể để tiêu diệt được loại virus này.

Chuyên gia của Tây Ban Nha - nơi nghiên cứu loại virus này lâu nhất có nói rằng cấu trúc của virus có điểm tiếp xúc được với các tế bào đích gọi là CD2 - một đoạn gen giúp virus có thể gắn kết được với tế bào mà nó định tấn công.

Anh Tuân bên con lợn mẹ đã được tiêm vacxin. Ảnh: Nguyên Huân.

Vì CD2 ấy làm cho đại thực bào không nhận ra đây là virus lạ mà nghĩ là “người nhà” nên tha, không bắt. Nhờ đó mà virus thoải mái nhân lên trong cơ thể động vật và bám dính vào bất kỳ tế bào nào. Một khi đã bám được vào nó chui vào bên trong, lại nhân lên tiếp để phá hủy tế bào.

Các nhà khoa học Tây Ba Nha đã cắt bỏ đoạn gen CD2 ấy đi thành một dòng virus không gây hại rồi nhân lên tạo thành vacxin nhược độc. Khi mất CD2 rồi thì đại thực bào lập tức phát hiện ra ngay virus và tấn công. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu theo hướng này còn vacxin của Học viện Nông nghiệp là vacxin chết chứ không phải là nhược độc.

[clip] Anh Tuân chia sẻ quá trình điều trị lợn bị TLCP bằng vacxin 

Về mặt khoa học, để khẳng định thành công với một loại vacxin phải căn cứ vào hai thứ. Thứ nhất là kết quả kiểm tra ở phòng thí nghiệm phải thấy kháng thể có ở từ 60% mẫu tiêm trở lên, tỷ lệ càng cao thì càng tốt. Cũng có những vacxin miễn dịch qua trung gian tế bào thì không thể tìm thấy kháng thể đặc hiệu. Thứ hai là về lâm sàng phải bảo hộ được cho vật nuôi, như con lợn sau khi hoàn thành chu trình tiêm, gây bệnh cho nó hoặc cho nó tiếp xúc với con bị bệnh nhưng vẫn không bị lây nhiễm. Để đánh giá về vacxin như vậy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm như xác địch về nguyên lý bảo hộ như thế nào và đánh giá kiểm tra bảo hộ qua lâm sàng… (cơ quan chức năng mới được làm).

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.