| Hotline: 0983.970.780

Cần chiến lược phát triển cây hông

Thứ Tư 19/10/2011 , 09:47 (GMT+7)

Cây hông sinh trưởng nhanh, lá to, tán thưa, gỗ màu trắng, nhẹ, thớ thẳng dễ chế biến, ít cong vênh, chịu nhiệt cao, dẫn điện kém…,

Cây hông mỗi vùng có tên gọi khác nhau, người Tày Bảo Yên (Lào Cai) gọi là Mạy thoọc, tên khoa học Paulownia fortunei, là một trong 9 loài cây gỗ thuộc chi Paulownia, họ hoa Mỗ chó Scrophulariaceae.

Hông là cây bản địa, mọc tự nhiên trong rừng, độ cao thích hợp để cây phát triển mạnh so với mặt nước biển trung bình từ 150-800m, nhất là vùng mưa nhiều, đất ẩm ướt, tơi xốp thì cây mọc rất nhanh.

Các tỉnh miền núi phía Bắc nơi nào cũng có cây hông, loài thân gỗ phát tán qua hạt, nên cây mọc phân tán trong rừng, nhiều gia đình trồng hông tập trung để làm đồ gia dụng, cung cấp cho các cơ sở chế biến hàng thủ công, mỹ nghệ. Một số nước châu Á như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan… có cây hông.

Cây hông sinh trưởng nhanh, lá to, tán thưa, gỗ màu trắng, nhẹ, thớ thẳng dễ chế biến, ít cong vênh, chịu nhiệt cao, dẫn điện kém…, phù hợp đối với công nghiệp giấy, gỗ ván nhân tạo, công nghiệp chế tạo máy bay, tàu thuỷ. Đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc sử dụng cây hông làm nhà (ván lát sàn, vách…), chõ xôi, đóng áo quan, ghép thùng đựng nước…

So với cây nguyên liệu giấy: mỡ, bồ đề, keo, bạch đàn thì cây hông phát triển nhanh, cây 5 tuổi có đường kính bình quân 17- 20cm, cao 8- 12m, đường kính có thể đạt 90-100cm trong vòng 30 năm và 200 cm trong vòng 80 năm. Cây hông vốn là cây bản địa, tuổi thọ cao có thể sử dụng trồng rừng phòng hộ, làm băng xanh cản lửa. Trong tự nhiên cây hông có thể sống chung với nhiều loài cây khác nhau: tre, nứa, mỡ, bồ đề… do cây cao, tán lá thưa nên có thể trồng xen làm cây che bóng cho cà phê, chè...

Hiện chưa có tài liệu thống kê về diện tích cây hông ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chỉ biết nhân dân địa phương này trồng nhiều cây hông: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…, chủ yếu trồng phân tán, xen với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, cây hông chưa trở thành cây hàng hoá mang lại giá trị cao cho người nông dân, nhất là chưa trở thành cây nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp giấy, chế tạo máy bay, tàu thuỷ… Đây là điều đáng tiếc đối với loại cây trồng thích ứng rộng, phát triển nhanh, đầu tư ít nhưng giá trị của nó mang lại thì rất lớn.

Theo khảo sát của chúng tôi, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc rất ít địa phương trồng tập trung thành rừng, chủ yếu trồng phân tán, nên cây hông chưa trở thành cây hàng hoá, mang lại nguồn thu cho người dân. Hiện nay, một số cây nguyên liệu giấy: bồ đề, keo đang bị dịch sâu ăn lá hoành hành ở khu vực huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang có nguy cơ lan sang Yên Bái, Tuyên Quang, nhiều ha rừng bị loài sâu phá hoại không lên nổi, người trồng rừng hết sức lo lắng không biết trồng cây gì thay thế vào diện tích rừng kia.

Ngành lâm nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc cần đưa cây hông vào cơ cấu cây trồng lâm nghiệp và có chiến lược phát triển giống cây bản địa đa tác dụng này, nhằm đa dạng hoá cây trồng để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, thay thế nhiều loài cây trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Nhiều hộ rất muốn trồng hông, nhưng không biết mua giống ở đâu, còn cây hông bản địa do phát tán tự nhiên nên họ chỉ có thể đánh từ rừng về, nhưng số lượng rất ít không thể trồng thành rừng được, còn gieo ươm bằng cành thì chưa biết kỹ thuật.

Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Tiến Luật, cán bộ kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Ưu thế của cây hông ai cũng biết, nhưng chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào đối với cây hông bản địa khu vực miền núi phía Bắc hướng dẫn về: nhân giống, kỹ thuật trồng, chế biến... Mặc dù người dân hiện nay đang có nguyện vọng trồng hông thay thế cây nguyên liệu giấy đang ở giai đoạn thoái trào và trên nương rẫy bạc màu kém hiệu quả.

Do không có nơi cung cấp giống (giống bản địa), nên người dân chưa biết xoay xở ra sao, cán bộ kiểm lâm cũng chưa biết tư vấn cho bà con trồng loại cây lâm nghiệp nào hữu ích, mang lại thu nhập cho người dân…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.