| Hotline: 0983.970.780

Cần cơ chế chính sách hỗ trợ

Thứ Tư 09/10/2013 , 08:47 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp đã giúp đất nước vượt khó khăn khi nền kinh tế quốc gia suy thoái, như đã chứng kiến trong thời gian qua; tuy nhiên, đời sống nông dân chưa được giới hữu trách quan tâm đúng mức.

Ngành nông nghiệp đã giúp đất nước vượt khó khăn khi nền kinh tế quốc gia suy thoái, như đã chứng kiến trong thời gian qua; tuy nhiên, đời sống nông dân chưa được giới hữu trách quan tâm đúng mức.

Chỉ nhìn vào hai khâu sản xuất lúa gạo và thủy hải sản trong nước sẽ nhận ra vấn đề mâu thuẫn này. Xuất khẩu càng nhiều người sản xuất càng nghèo khó! Do đó, nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tăng thu nhập của nông dân là bước đi rất cần thiết, nhưng chưa đủ để cải thiện vấn đề lớn tam nông như mọi người mong muốn, nếu không bắt đầu từ cải tiến cơ chế chính sách đất đai và hỗ trợ thích đáng cho ngành nông nghiệp.

Vấn đề chính sách đất đai là yếu tố tiên quyết để cải thiện lợi nhuận nông dân. Nếu không có sách lược tích tụ ruộng đất hữu hiệu hoặc quyền sở hữu đất đai, mọi cố gắng khác gồm cả đề xuất tái cơ cấu nông nghiệp đều trở thành vô nghĩa, phí công sức, vì với nền nông nghiệp manh mún hiện nay - nông hộ bình quân chỉ có từ 0,5 đến 1 ha đất làm sao nông dân có được đời sống sung túc để bắt kịp người thành thị?

Vài cố gắng hiện nay trong nước như thực hiện tập trung sản xuất trong hai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, rồi “Cánh đồng liên kết” vẫn còn trong thời kỳ trải nghiệm đang gặp nhiều nan đề, nên nông dân sẽ còn phải chịu nhiều khó khăn và nghèo khổ lâu dài.


Cánh đồng mẫu lớn là một hướng đi giúp tăng quy mô trong SXNN

Kinh nghiệm thực tế cho thấy chính sách hạn điền hiện nay là rào cản phát triển nông nghiệp trong nước. Cho nên, cần có tầm nhìn xa và mở rộng ra ngoài thế giới trong vấn đề này. Chính sách hạn điền hiện hành đã tạo nên những tiêu cực đáng chú ý. Theo thống kê nông nghiệp, Việt Nam hiện có 10 triệu ha sản xuất nông nghiệp với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Mỗi hộ có từ 2-10 thửa đất nhỏ!

Đã đến lúc cần loại bỏ chính sách hạn điền hoặc phải mở rộng hạn mức lớn gấp bội hiện nay. Ở các nước tiến bộ không còn chế độ hạn điền (thực ra bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường và chế độ thuế khóa), nhờ có luật pháp chi phối, những siêu đại điền chủ có hàng ngàn ha không phải là những kẻ bóc lột công nhân lao động như đã thấy trong thời thực dân phong kiến.

Vấn đề cấp thiết thứ hai là hỗ trợ nông nghiệp cần được thực hiện với chính sách nhà nước hữu hiệu, phải có đủ tầm cỡ để thật sự nâng cao đời sống nông dân. Thật vậy, tái cơ cấu nông nghiệp, hiểu theo nghĩa như từ trước đến nay về sự đổi thay vật chất, cơ cấu sản xuất, sẽ không đạt mục tiêu “hướng bền vững và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân”.

Hiện nay, với việc tái cơ cấu nông nghiệp qua các mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” rồi “Cánh đồng liên kết”, nhân rộng hợp tác xã để thu hút nông dân vào sản xuất, và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ mà nhiều chuyên gia cổ vũ và mong mỏi, mục tiêu nói trên sẽ còn rất xa vời tầm tay!

Cho dù các mô hình này thành công trong tăng gia sản xuất và bảo đảm đầu ra cho nông dân, nhưng khi thị trường một số nông sản trong nước và thế giới rớt giá như hiện nay, chắc chắn nông dân không có được thu nhập vừa ý. Gần đây, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phát biểu: “Giá trị lao động, sản phẩm thấp như thế, nông dân làm sao sống nổi”.

Do đó, cần phải có nỗ lực tích cực mới trong cơ chế chính sách hỗ trợ thích đáng cho nông dân và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như cần thực hiện chính sách đất đai thực tế và hợp lý mà nông dân cần đến để có đời sống no ấm và hy vọng tiến lên.

Vậy ai sẽ đảm bảo lợi nhuận cho nông dân?

Xin nhắc lại nông nghiệp là một nghề có nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp so với các ngành nghề khác như công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Cho nên, quá trình tiến bộ của tất cả các nước công nghiệp tiền tiến đều chuyển đổi từ nông nghiệp qua các lĩnh vực khác có lợi ích nhiều hơn, đồng thời họ có chính sách hỗ trợ nông nghiệp rất lớn để đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất, giới thương mại và tiêu thụ theo hướng bình đẳng xã hội.

 Mỹ hỗ trợ ngành nông nghiệp từ 22-55% trị giá sản xuất hay tương đương 20 tỉ Mỹ kim mỗi năm (lúa gạo được hỗ trợ 100% trong 2002), nhóm OECD bình quân 31% (lúa gạo 80%), Na Uy, Thụy Sĩ, Băng Đảo (Iceland) từ 65-75%, Nhật Bản và Hàn Quốc từ 60-65% (Nhật Bản chi 46,5 tỉ Mỹ kim năm 2009), còn Úc hỗ trợ nông nghiệp thấp nhất, 4%.

Hình thức hỗ trợ nông nghiệp tùy theo mỗi quốc gia và loại hàng hóa gồm có (1) Trả tiền trực tiếp cho nông dân và chủ điền; (2) Hỗ trợ giá cả qua thu mua và tồn trữ của nhà nước; (3) Thiết lập giá sàn và sử dụng; (4) Hỗ trợ cho bảo hiểm vụ mùa, thiên tai, tín dụng, thương mại và tưới tiêu; (5) Hỗ trợ xuất khẩu; (6) Rào cản nhập khẩu theo quota, thuế hay luật lệ; và (7) Giúp đỡ công tác nghiên cứu, phát triển, khuyến khích và cải tiến hạ tầng cơ sở nông nghiệp và nông thôn.

Theo luật lệ WTO hiện hành, sự trợ cấp nông nghiệp không được quá 10% trị giá sản xuất nông nghiệp cả nước.

Tại Việt Nam, do thiếu chính sách hỗ trợ thỏa đáng nhiều năm, mức sống của nông dân, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long không thể cải tiến theo kịp khuynh hướng chung cả nước, nghĩa là họ sẽ luôn nghèo hơn các vùng khác, và tình trạng này sẽ còn tiếp tục nếu vùng đồng bằng này phải còn đóng vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không được nhà nước hỗ trợ đúng mức.

Xin nói thêm an ninh lương thực không chỉ tùy thuộc vào khâu sản xuất, mà còn bị chi phối quyết định bởi lĩnh vực tồn trữ và phân phối. Hãy nhìn về các nước Singapore, Malaysia và Hồng Kông không bao giờ thiếu gạo dù họ không sản xuất nhiều lúa gạo.

Rõ ràng Việt Nam hiện đang cần nâng cao mức sống của nông dân để thu hẹp khoảng cách xã hội giữa thành thị và nông thôn, nhất là cần đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho nông dân để đời sống được sung túc, trong khi hệ thống sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu tổ chức hữu hiệu và bị các doanh nghiệp, thương lái thao túng.

Như một lãnh đạo nhà nước đã nói: “Nông nghiệp Việt Nam hiện như cơ thể con người khoác chiếc áo quá chật, cần phải được thay mới cho phù hợp”. Do đó, đất nước rất cần đến chính sách mới mẻ và cởi mở về đất đai để khâu sản xuất có hiệu quả cao và mức hỗ trợ nông nghiệp được cơ chế thích đáng hơn, nếu thật sự quan tâm đến tình trạng nông thôn và đời sống khó khăn hiện nay của nông dân.

(*): Tác giả là nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm