| Hotline: 0983.970.780

Can đảm tấm lòng Ba Sương

Thứ Tư 04/12/2013 , 09:26 (GMT+7)

Mấy tháng cuối năm 2013, sự chủ động trở về và rút lui của bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương) tại Sohafood, một lần nữa cho thấy sự can đảm của tấm lòng lo cho người khác của bà.

Mấy tháng cuối năm 2013, sự chủ động trở về và rút lui của bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương) tại Cty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), một lần nữa cho thấy sự can đảm của tấm lòng lo cho người khác của bà.

Buổi tối, trước hôm diễn ra đại hội cổ đông bất thường Sohafood vào sáng 11/11/2013, bà Ba Sương ngồi với mấy người. Bà tâm sự, nếu biết thế này, cuộc sống chỉ dành một nửa lo việc chung còn nửa lo cho bản thân. Một nữ đại gia có 500 công nhân ở tỉnh Thanh Hóa nói, nếu được trở lại từ đầu, chắc bà Ba Sương vẫn sống như từng sống, bởi có những người sinh ra là để lo cho người khác.

Lúc đó, bà Ba Sương chưa có ý định từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Sohafood. Hơn thế, bà còn tính kiếm người làm Giám đốc để thay hẳn ông Nguyễn Tấn Thanh, làm sao trả được nợ cho dân. Bà tỏ ra lo lắng vì ông Thanh gây nợ kéo dài không trả được nên tập thể đã tạm đình chỉ chức vụ của ông ngày 1/8/2013, nay kiếm ai để có thể an dân. Song nhiều ý kiến bàn, ông Thanh muốn trở lại để lo trả nợ thì tại sao không tạo điều kiện? Suy nghĩ hồi lâu, bà tán thành.


Bà Ba Sương (bên phải) cùng hai nữ doanh nhân và ông Trí trước ngày đại hội cổ đông bất thường Sohafood

Buổi trò chuyện xoay qua hỏi thăm bà Ba Sương đang ở đậu nhà cô em gái. Ông Trần Văn Trí (chồng của bà Phạm Thị Diệu Hiền, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Cổ phần Thủy sản Bình An) ngỏ ý mời bà Ba Sương về ở trong ngôi biệt thự của vợ chồng ông bên đường 30/4, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Sau đó, lúc riêng tư, ông Trí giải thích, ngôi biệt thự còn nhiều phòng trống mà tình hình giải quyết nợ của Sohafood rất căng thẳng, nếu bà Ba Sương ở đậu dễ không an toàn.

Nhưng bà Ba Sương không trả lời gì cả về đề nghị của ông Trí, mà chỉ lo bàn chuyện đưa Sohafood vượt khủng hoảng nợ. Đôi lúc bà say sưa đến mức hơi lớn tiếng. Bởi vậy mà một cô em ruột của bà Ba Sương, bà Trần Ngọc Nhanh đang giữ 26,3% vốn điều lệ của Sohafood và 46% vốn điều lệ của Cty Cổ phần Thủy sản Sông Hậu, tâm sự: “Chị Ba toàn la tôi”. Dường như ở đâu bà Ba Sương cũng cứ đau đáu lo buồn với Nông trường Sông Hậu.

Hồi nào, Nông trường có nhiều xí nghiệp trực thuộc, sang đầu thế kỷ 21, cổ phần hóa được 6 xí nghiệp nhưng sóng gió của vụ án “quỹ đen” từ năm 2008 đến 2012 đã nhấn chìm gần hết; nay chỉ còn Sohafood ngắc ngoải trong nợ nần và Cty Cổ phần Thủy sản Sông Hậu “chết chưa chôn” như bà Ba Sương nói. Bà Nhanh cho biết, bà đã mất cho hai công ty hơn 100 tỷ đồng.

Vì đang quản lý DNTN Thanh Ngọc chuyên kinh doanh lúa gạo, vốn liếng đầu tư vào hai công ty, bà Nhanh để chồng trực tiếp quản lý, sau mấy năm vốn mất mà chồng cũng chia tay. Bao tâm huyết của gia đình bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu, kết cục hôm nay lại là nợ nần gây đau khổ cho nông dân.

Dĩ nhiên, không phải lỗi của bà Ba Sương và bà Nhanh. Nhưng như ông Trí nói tại đại hội cổ đông bất thường sáng 11/11/2013: Cha của bà Ba Sương xây dựng Nông trường Sông Hậu và đang nằm ở đây, bà Ba Sương về Sohafood là về nhà mình, cho gần với cha của mình, với máu thịt của mình và vì vậy mà bà hết lòng lo cho Sohafood. Nhưng bà Ba Sương trở về Sohafood lúc nợ nần lớn, lại xoáy vào nỗi đau không có tài sản riêng tư của bà.

Bà Ba Sương la bà Nhanh thì bà Nhanh nói buồn lắm. Nhưng chị la em thường thế, không lựa lời như với người ngoài. Khi làm Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Giám đốc Sohafood, kiểm tra sổ sách kế toán phát hiện dấu hiệu theo bà là “tham ô”, thì bà càng nóng lòng la rầy. Một chủ nợ cá tra nhận xét, bà Ba Sương có lúc la cả chủ nợ như con cháu trong nhà.

Dám lao vào gánh vác món nợ lớn, thẳng thắn vạch ra hành vi mờ ám của người có tiền, bà Ba Sương thật can cảm. Sức yếu nhưng trí óc bà còn minh mẫn. Cuộc họp bầu bà làm Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Giám đốc Sohafood diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Tức khắc, bà điện thoại về Cần Thơ, bảo nhân viên cất giữ con dấu.

Những ngày tiếp theo, bà liên tục bảo các bộ phận báo cáo, qua đó phát hiện ra những con số chênh lệch, những dấu hiệu bất thường trong hệ thống sổ sách kế toán mà sau đó, bà có đơn báo cáo ngay với các cơ quan chức năng, đề nghị giúp đỡ để làm minh bạch.

Cứ âm thầm làm, đến cuối tháng 10/2013, khi đã thu thập được khá tài liệu, bà điện thoại cho vài nhà báo. Sự kỳ công can đảm của bà cho thấy một nguyên nhân khiến doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lụn bại và ngành cá tra khốn đốn: Quản trị kém, mua bán lòng vòng. Chuỗi giá trị cá tra ở Sohafood quá dài, qua nhiều tầng nấc trung gian.


Bà Ba Sương trong vòng vây chủ nợ tiền cá tra ở văn phòng Sohafood sáng 9/11/2013

Bà Ba Sương kêu lên: “Cá tra mua vào bị kê giá, bán ra qua nhiều môi giới thì còn gì lời lãi nữa!”. Cũng là lần đầu tiên, bất ổn trong một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu được vạch ra rõ ràng như thế. Tại đại hội cổ đông bất thường, nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long còn cho biết, từ năm 2012, kinh doanh chủ yếu nhờ chiếm dụng vốn của người bán cá.

Nhưng sự can đảm của bà Ba Sương có thể có lợi cho Sohafood về lâu dài, còn trước mắt chưa đem lại lợi ích cho các chủ nợ tiền cá. Nên nhiều lần, các chủ nợ tuyên bố, không quan tâm chuyện nội bộ của Sohafood, chỉ quan tâm đến trách nhiệm trả nợ.

Nhớ lại quá trình ông Trần Văn Trí đưa Cty CP Thủy sản Bình An vượt khủng hoảng nợ năm 2012, ông đã làm 98 văn bản có thể gọi chung là “phương án tái cấu trúc”. Cứ vài ngày “vẽ” ra một cái. Bây giờ thấy tất cả chẳng có giá trị gì nhưng lúc ấy, mỗi văn bản đều lóe lên những tia hy vọng. Mà các chủ nợ tiền cá đang cần tia hy vọng.

Bà Ba Sương không có khả năng làm lóe lên được những tia hy vọng như thế, bà cứ thẳng thắn cư xử, còn rầy la các chủ nợ. Lâu dần, nhiều chủ nợ nóng ruột với đồng tiền đã nổi khùng: Không cần bà lo nữa. Vài lần, chủ nợ vây bà Ba Sương ở phòng làm việc, khoa tay múa chân chỉ trích bà. Bà chạy vạy Bắc Nam thì chủ nợ cho rằng bà trốn tránh trách nhiệm; cũng chẳng khác giữa năm 2012, một tháng tròn chủ nợ treo băng rôn trước cổng biệt thự của vợ chồng ông Trí, mở loa chửi vì không tin ông Trí thực tâm lo gỡ nợ.

Hiểu thêm nỗi đắng cay chua xót của bà Ba Sương trong lời tâm sự tối hôm ấy, phải chi lo việc chung một nửa còn một nửa lo cho riêng tư. Nếu cuộc đời của bà không quên mình vì Nông trường Sông Hậu, với mô hình chủ nghĩa xã hội như bà vẫn nói hồi ấy, thì với tài năng của bà chắc hẳn không đến nỗi cuối đời tay trắng. Không đến nỗi cuối đời muốn lo cho nông dân, bị nông dân có người hỏi quá thẳng thừng: bà có tài sản gì mà đòi lo? Ra đại hội cổ đông bất thường, một số người muốn bà tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, một số người lại phản đối. Nom bà thêm nhỏ bé, xanh xao, cô đơn.

Khi công bố kết quả bầu bổ sung thành viên HĐQT có tên ông Trần Văn Trí như bà mong muốn. Ông Trí đứng lên thì đột ngột bà cũng đứng lên bên cạnh, tươi cười tuyên bố: Xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT! Bà giải thích, bà về lãnh đạo Sohafood chỉ với tâm nguyện lo trả nợ cho nông dân nhưng bà không có tài sản, không có khả năng trả nợ mà chạy tìm người có khả năng lo việc ấy, nay có rồi thì bà rút lui. Nhiều người vỗ tay. Chao ôi! Có lúc, từ bỏ nơi quen thuộc cũng là một sự can đảm. Hiểu thêm sự can đảm của tấm lòng bà Ba Sương.

Sáng 23/11/2013, tổ chức bàn giao chức Giám đốc Sohafood, bà thanh thản nhẹ nhàng. Chủ tịch HĐQT Sohafood Trần Văn Trí đề nghị có chế độ ưu tiên xe, chi phí cho bà, thành viên HĐQT, nhưng bà từ chối.

Hôm sau, bà bắt xe khách về TP Hồ Chí Minh với cơ sở chuyên chế biến nông sản thực phẩm của bà, có thương hiệu “Cô Ba Sương” đã đăng ký bản quyền.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất