| Hotline: 0983.970.780

Cần hài hòa lợi ích Nhà nước - nhân dân

Thứ Năm 04/07/2013 , 10:07 (GMT+7)

Với trên 3.000 km bờ biển, diện tích bãi bồi và mặt nước có thể sử dụng để mưu sinh, phát triển kinh tế của nước ta vô cùng lớn.

Với trên 3.000 km bờ biển, diện tích bãi bồi và mặt nước có thể sử dụng để mưu sinh, phát triển kinh tế của nước ta vô cùng lớn. Hàng ngàn năm qua, việc lấn biển chưa bao giờ ngừng. Và nhân dân chính là những người trực tiếp làm công việc đó chứ không phải ai khác.

Lấn biển là công việc vô cùng cực nhọc và tốn kém. Để biến được một vài ha bãi bồi hay vài ha mặt nước thành nơi nuôi trồng thủy sản, ngoài công sức, thì số tiền đổ vào đó không phải là số triệu mà phải là số tỷ. Không chỉ thế, người lấn biển còn là những người phải đối mặt với bão đầu tiên. Tuy vốn liếng không nhiều, nhưng hàng triệu hộ dân vẫn chấp nhận đánh vật với trời đất, mang những gì tích cóp của cả đời người ra cá cược với biển để có được một vài ha đất, một vài ha mặt nước. Và cũng chính vì thế mà mỗi khi Luật đất đai cần sửa đổi, được đưa ra lấy ý kiến của dân, thì những điều liên quan đến những loại đất này đều khiến họ đặc biệt quan tâm. Lần góp ý sửa đổi Luật đất đai năm 2003 này cũng vậy. Đến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, chúng tôi đã nhìn rõ điều đó.


Người sử dụng bãi bồi, mặt nước luôn phải đương đầu với bão

Điều khiến những người dân lấn biển lo lắng nhất là nếu khoản 4 điều 136 dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003 được Quốc hội thông qua, thì những mảnh đất hay mặt nước mà họ đã giành giật được từ thiên nhiên sẽ không còn là của họ nữa. Khoản 4 điều 136 dự thảo sửa đổi quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn nếu có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước xem xét cho thuê”. Điều đó có nghĩa là bất biết người dân đổ công, đổ của ra bao nhiêu, giành giật với thiên nhiên thế nào, khi hết thời hạn giao, Nhà nước cứ coi công sức, tiền bạc đó là của giời rơi xuống và đương nhiên là... đất công. Bởi chỉ có đất công thì mới có thể đem cho thuê.

Điều lo lắng của người dân hoàn toàn có căn cứ, bởi thứ nhất, diện tích đất hay mặt nước mà Nhà nước giao cho họ lúc đầu là đất hoang, đất chưa sử dụng được. Thứ hai, thời hạn giao đất, giao mặt nước (trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành) lại rất ngắn: 10, 12 hoặc 14 năm. Để biến được đất hoang đó thành đất nông nghiệp, đã mất đến 2/3 thời gian giao rồi (một cái bờ bao có khi phải đắp đi đắp lại cả chục lần.

Rồi còn kè, còn cống lấy nước, cống tiêu nước, lều trông đầm, đăng đó...), kèm theo là món nợ ngập cổ, mà những người như Đoàn Văn Vươn, Lê Đình Thảo, Lương Văn Trong, Vũ Văn Luân... là những ví dụ tiêu biểu. Dăm bẩy năm còn lại ấy, vốn liếng chưa kịp thu hồi, nợ nần chưa trả hết, thì đùng một cái, đang là chủ sử dụng đất bỗng phải nghển cổ chờ được “xem xét” để “được” biến thành kẻ thuê đất. Nếu Nhà nước không xem xét  hay nếu được xem xét mà giá thuê quá cao không chịu nổi, thì sao? Hỏi, tức là trả lời.

Xuống đầm hoang tay trắng, sau khi biến đầm hoang thành đất nông nghiệp rồi, lại trở thành trắng tay, có “lãi” chăng là món nợ đến đời con cháu có khi trả không hết. Nếu có cố để được trở thành kẻ đi thuê trên chính thửa đất mà mình đã đổ công đổ của khai phá được, thì điều đó có nghĩa là khi Nhà nước thu hồi, sẽ chẳng được bồi thường gì hết theo quy định tại điều 73 dự thảo sửa đổi. Điều bất công của khoản 4 điều 136 dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2003 chính là ở đó.

Đã giao bãi bồi, đất hoang hay mặt nước cho dân, thì phải có quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quyết định giao đất đó là gì, nếu không phải là sự công nhận quyền sử dụng đất của người dân? Vậy thì tại sao lại không tiếp tục giao đất đó cho dân khi hết thời hạn theo quy định của khoản 1 điều 67 Luật Đất đai 2003 hay theo tinh thần tại điều 34 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ? Đều là đất nông nghiệp, đều được giao có thời hạn cả. Với đất trồng lúa, người sử dụng gần như không phải đầu tư cải tạo, trong khi bãi bồi, mặt nước thì phải đầu tư cực lớn. Tại sao những đất lúa được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ năm 1993 (thời hạn 20 năm) khi hết hạn, người sử dụng đất đó đương nhiên được giao tiếp, trong khi đất bãi bồi, mặt nước lại bị biến thành đất thuê khi hết hạn?

Đã ra quyết định giao bãi bồi, mặt nước cho dân, tức là đã công nhận quyền sử dụng đất của dân như đã nói ở phần trên. Khi hết hạn, để biến đất đó thành đất của Nhà nước, thì Nhà nước phải ra quyết định thu hồi, và phải bồi thường toàn bộ cho dân từ đất cho đến tài sản có trên đất như bờ bao, đường đi, cầu cống... Bởi đó chính là mồ hôi và tiền bạc của dân. Không có những thứ đó, làm sao có thể sử dụng được bãi bồi, mặt nước? Chỉ sau khi bồi thường rồi, đất đó đã trở thành đất của Nhà nước, thì Nhà nước mới có thể đem cho thuê, mang lại lợi ích cho mình. Cũng như với đất lúa, khi thu hồi, Nhà nước đã bồi thường cho dân, và chỉ sau khi bồi thường, Nhà nước mới có thể biến diện tích đó thành khu, cụm hay điểm công nghiệp để cho các doanh nghiệp thuê.

Bãi bồi, mặt nước sẽ không bao giờ trở thành đất nông nghiệp được nếu người dân không giành giật chúng từ biển và trời. Nay đương nhiên biến bãi bồi, mặt nước của người dân thành tài sản của Nhà nước để cho thuê như quy định của khoản 4 điều 136 dự thảo sửa đổi, mà không nói một chữ nào đến việc bồi thường, thế thì khác gì tịch thu trắng tài sản, công sức của dân?

Mỗi lần giơ tay của Quốc hội đều liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Rất mong những điều lo lắng này của hàng triệu hộ dân đang được Nhà nước giao sử dụng bãi bồi, mặt nước ven sông, ven biển đến được tai Quốc hội, trước khi ấn nút giơ tay để Luật này có hiệu lực thi hành.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất