| Hotline: 0983.970.780

Cần hiểu đúng về bệnh Whitmore

Thứ Năm 19/09/2019 , 15:42 (GMT+7)

Đó là thông điệp mà TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) muốn gửi đến bạn đọc.  

Theo TS. Trung, bệnh Whitmore đã có từ xưa. Ngày nào, ông và các cộng sự cũng ghi nhận ở nước ta có 1 vài người mắc bệnh này, chứ không phải bệnh đang bùng phát trở lại.

Quả bom hẹn giờ

Theo TS. Trung (người đã có gần 15 năm kinh nghiệm tìm hiểu về căn bệnh này), bệnh Whitmore (melioidosis) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo.

Ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1925. Sau đó, bệnh cũng được ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1928 và 1936.

TS. Trung và các công sự cùng nhau nghiên cứu về Whitmore. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ca bệnh đã được ghi nhận trên binh lính Pháp và Mỹ. Trong số 3 triệu lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam, có khoảng 250.000 binh lính phơi nhiễm với vi khuẩn Whitmore và nhiều cựu chiến binh Mỹ đó đã phát bệnh khi về nước.

Chính vì vậy, những năm 70 của thế kỷ trước, Whitmore còn có tên gọi là “Vietnamese time-bomb” tức “quả bom hẹn giờ của Việt Nam” nhằm ám chỉ một loại bệnh bị phơi nhiễm tại Việt Nam, sau 1 thời gian dài ủ bệnh (hàng chục năm) rồi mới phát bệnh khi cựu chiến binh Mỹ trở về.

“Sau chiến tranh, rất ít các ca bệnh được phát hiện ở nước ta do sự khó khăn về điều kiện y tế và sự thiếu thốn các trang thiết bị xét nghiệm vi sinh. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác khác như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết… nên bệnh Whitmore chưa thực sự được quan tâm.

Hơn nữa, hầu hết các máy xét nghiệm vi sinh thường quy tại các bệnh viện đều chẩn đoán sai vi khuẩn Whitmore thành các vi sinh vật khác, dẫn đến ít khi chúng ta chẩn đoán đúng được ca bệnh. Từ đó, Whitmore đã trở thành căn bệnh bị lãng quên dài trong suốt mấy thập kỷ qua”, TS. Trung cho hay.

TS. Trung thông tin thêm, vi khuẩn Whitmore sống ở trong đất và lây nhiễm sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận của cơ thể (không loại trừ một bộ phận, một cơ quan cơ thể nào).

Dạng phổ biến nhất là tấn công cơ quan phổi. Bên cạnh đó vi khuẩn có thể tấn công gây áp xe cơ quan nội tạng như gan, thận, tim hoặc áp xe ngoài da, áp xe cơ, viêm xương khớp, viêm tuyến lệ, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tai giữa, viêm màng não, sưng hạch cổ, viêm tuyến sinh dục tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn…

Phương thức chung của vi khuẩn Whitmore tấn công gây tổ chức viêm và áp xe ở các cơ quan đều giống với tất cả các căn nguyên vi sinh vật gây bệnh khác.

Vi khuẩn Whitmore. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS. Trung lấy dẫn chứng, vừa qua, có trường hợp vi khuẩn tấn công ở mũi bệnh nhân là một dạng viêm và áp xe ngoài da. Trường hợp này vi khuẩn Whitmore tấn công ở vị trí mỏng yếu (cánh mũi) của cơ thể, kèm thời gian được chẩn đoán đúng bệnh lâu, thời gian được chỉ định điều trị đúng kháng sinh bị chậm, nên tổ chức viêm và áp xe trên cánh mũi này bị vỡ ra (giống như nhiều mụn mủ nhọt ngoài da khác), dẫn đến làm thay đổi hình dạng cánh mũi.

“Với chuyên môn của chúng tôi thì đó là biểu hiện bình thường có ở bệnh Whitmore này, chứ không phải là “vi khuẩn ăn thịt người”, “vi khuẩn ăn cánh mũi” như truyền thông đã đưa tin mấy ngày qua”, TS. Trung khẳng định.

Những ai hay mắc bệnh này?

Bệnh Whitmore lây qua 3 đường chính như: Lây qua đường tiếp xúc. Lây qua con đường hô hấp (ví dụ khi chúng ta làm việc trên đồng ruộng, bỗng dưng trời đổ mưa, kèm theo gió lớn làm cuốn theo những hạt bụi, nước lên không trung và chúng ta hít phải). Lây qua con đường ăn uống (ví dụ nếu chúng ta uống nước mà chưa đun sôi…).

Hiện tại, chưa có tài liệu nào chứng minh được bệnh Whitmore lây từ người sang người, hoặc là từ động vật sang người. Rất may, vi khuẩn Whitmore không gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

TS. Trung khuyên cáo: “Những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với đất mà có những biểu hiện khác lạ về sức khỏe như ho, sốt, đau ngực, đau cơ xương khớp, đau ở vùng bụng, mưng mủ ngoài da lâu ngày… cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có xét nghiệm vi sinh để xét nghiệm chẩn đoán đúng bệnh.

Người nguy cơ nhiễm Whitmore cao là người có bệnh tiểu đường, bệnh gan thận mạn tính và người nghiện rượu. Tuy nhiên, bệnh gặp trên cả những người khỏe mạnh bình thường, ở mọi lứa tuổi: từ trẻ em đến người trưởng thành, trung niên và người già.

Nếu được xét nghiệm vi sinh sớm, phát hiện được đúng bệnh, thì vẫn có phác đồ kháng sinh để điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ, uống thuốc dự phòng trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng để đề phòng tái phát”.

Hội thảo toàn quốc lần thứ 9 về bệnh Whitmore

Hội nghị lần này có 65 bài báo cáo trình bày và 91 bài báo cáo Poster của các chuyên gia hàng đầu và các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh Whitmore. Thông tin về Hội thảo có thể truy cập trang website: http://wmc2019.org/Hội thảo sẽ diễn ra từ 15 - 18/10/2019, tại Hà Nội. Đây là sự kiện khoa học lớn nhất của cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh Whitmore trên toàn thế giới, được tổ chức 3 năm 1 lần ở các quốc gia khác nhau.

Và, là cơ hội tuyệt vời để nhiều nhà nghiên cứu cũng như các bác sỹ của Việt Nam tiếp cận với các kiến thức khoa học mới nhất của thế giới về xét nghiệm chẩn đoán, điều trị và quản lý theo dõi bệnh nhân Whitmore.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.