| Hotline: 0983.970.780

Cần lắm những tấm lòng chia sẻ

Thứ Sáu 04/10/2013 , 15:20 (GMT+7)

Bà con vùng bão lũ Quảng Bình cần lắm những tấm lòng cao cả, nhân hậu để sẻ chia những đau thương mất mát.

“Bão không chừa một ai” - ông Lê Đình Nhân - Giám đốc Cty CP thực phẩm Nhiệt Đới (nằm tại TK 9 - phường Đồng Sơn - Đồng Hới - Quảng Bình) chua xót nói.

Cty đầu tư nhà máy chế biến mì tôm với công suất 4 triệu gói mì/tháng. Đi vào sản xuát được một năm và đang làm ăn tốt thì bão ập đến. Toàn bộ khu nhà xưởng rộng trên 1.500 m2 bị bão đánh sập tan tành. Tường xây sập ngửa ra ngoài, mái tôn và vì kèo sắt bị đè ụp xuống làm nát hết dây chuyền sản xuất. Đứng bên đống đổ nát, ông Nhân như khóc: "Đầu tư gần 15 tỷ đồng vào đây, sản xuất chưa được mấy thì hoang tàn mất rồi. Nếu có làm lại thì cũng phải đầu tư mới từ đầu. Nợ trả chưa xong thì lấy đâu ra được. Có lẽ phải phá sản mất thôi”.



Nhà xưởng chế biến mì tôm của Cty Nhiệt Đới thành đống đổ nát

Hàng trăm ngôi nha khác bị bão đánh sập vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Người dân có dọn nhưng cũng oải cả tinh thần, thể xác nên không biết dọn cái gì trước, cái gì sau. Vợ chồng anh Trương Văn Thống (Quán Hàu - huyện Quảng Ninh) dành dụm làm được ngôi nhà vừa để ở vừa làm thêm quán giải khát. Bão làm tan nát sạch. Dọn đống đổ nát, anh Thống xót xa: “Nợ làm nhà trả chưa xong, nay nhà mất rồi. Mấy hôm nay đang tá túc hàng xóm. Ở lâu cũng không được, mà làm lại nhà thì hết cách rồi. Giờ chỉ mong kiếm được vài cái cây, dăm bảy chục tấm lợp che ở tạm”.


Ngôi nhà anh Thống còn ngổn ngang gạch vụn

Chúng tôi về vùng 3 xã biển (Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc) huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vào chiều ngày 4/10. Những xã này trước đây gọi là xã Ngư Thủy, nơi có Đại đội pháo binh Ngư Thủy đã đánh chìm tàu chiến Mỹ mà cả nước biết đến. Khung cảnh tiêu điều, xơ xác với những hàng cây gãy đổ, xiêu vẹo, rũ lá. Những mái ngói, tôn bị bão thổi bay trống hoác và những dáng người đi tất tả, xiêu xiêu...

Chủ tịch xã Ngư Thủy Nam Nguyễn Phương Lâm nói gấp gáp: “Toàn xã có 471/670 nhà bị tốc mái, trong đó có gần phân nửa bị nặng nề. Hiện có hơn 100 hộ đang gặp khó khăn lớn, không thể đủ sức để mua vật liệu lợp nhà ngay. Số còn lại thì cũng vá víu tạm để che mưa, che nắng. Ngân sách xã quá nghèo nên muốn giúp cho bà con cũng chẳng biết lấy đâu ra”.



Nhà mất, khiến hàng ngàn gia đình ở Quảng Bình lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”

Dọc con đường đi xuyên qua xã, nhiều nhà còn trơ mái, xung quanh là tấm lợp bị vỡ vụn nằm ngổn ngang. Sát con đường, ngôi nhà nhỏ của bà Ngô Thị Mộng (70 tuổi) trơ mái, trơ cửa. Bà Mộng chỉ có cậu con trai nhưng bị chứng ngơ ngơ nên chẳng giúp gì được. Trong nhà trống trơn, đồ đạc đáng giá nhất là chiếc giường cũ kỷ. Bà đứng trong nhà nhìn lên mái trống: “Giờ chỉ còn trong chờ vào bên xã giúp cho thì được chứ chẳng còn biết trong cậy vào đâu”.

Cách đó không xa, nhà anh Ngô Văn Nam cũng bị bão thổi bay cả hai mái lợp. Sau bão, cả gia đình trú dưới mái che của tấm bạt. Anh Nam thở dài: ‘Vợ đau ốm luôn, các con còn nhỏ. Chỉ còn ít gạo ăn chứ không có lấy một đồng để mua tấm lợp. May chăng chờ bão gió lặng đi làm thuê cho thuyền ra khơi kiếm được đồng tiền về mua tấm lợp chứ không biết làm chi được”.

Cả hai xã Ngư Thủ Trung và Ngư Thủy Bắc cũng trogn tình cảnh tương tự. Ông Ngô Văn Ngãi - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung vừa đi chỉ đạo công tác khắc phục bão về, quần ống thấp ống cao. Ông trầm giọng: “Căng lắm anh nờ. Cả xã giờ có đến gần 400 nhà tốc mái, trong đó có 120 nhà bị nặng. Bà con không biết lấy tiền đâu ra để mua tấm lợp. Mà nhà để vậy thì làm sao trú được nắng mưa. Chúng tôi huy động được nhân lực giúp cho bà con, nhưng không có cái để đưa lên trên mái nhà thì cũng bó tay”.

Xã Ngư Thủy Bắc cũng có 850 nhà tốc mái, bà con cũng đang rối bời. Người dân 3 xã vùng biển bãi ngang này cũng "có tiếng là khó khăn vì làm ngư chỉ có trong chờ vào biển". Ông Ngô Thanh Thoảng - Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc tính toán: “Nếu tính trung bình mỗi nhà cần khoảng 50 tấm lợp phibrôximăng thì cũng hết khoảng 2,5 triệu đồng. Công cán thì bà con tự giúp nhau. Nhưng vùng quê khó, hai trăm bạc trong nhà cũng kẹt chứ nói chi đến tiền triệu”.


Bà Mộng hy vọng sớm lợp lại nhà

Đầu giờ chiều, cơn mưa nặng hạt bất ngờ đổ xuống. Vùng biển xơ xác lại chìm trong mưa mù mịt. Bà Mộng lại vơ vén mấy tấm chăn cũ ôm chặt vào lòng và dịch ngồi ra nơi góc nhà để tránh mưa tạt. Trong tiếng mưa, tiếng bà Mộng lẫn vào lập cập: "Răng trời lại mưa lúc ni rứa trời”.

Bà con vùng bão lũ Quảng Bình cần lắm những tấm lòng cao cả, nhân hậu để sẻ chia những đau thương mất mát.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.

Bình luận mới nhất