Ông Sơn bên xấp hồ sơ khi cung cấp thông tin cho PV. |
Ông Sơn cho biết, ngày 25/7/2016 tại bản án số 109/2016/HNGĐ-ST của TAND huyện Đầm Dơi về việc xin ly hôn, TAND huyện này đã chấp nhận cho ông Sơn và vợ là bà Nguyễn Kiều Hạnh được ly hôn. Sau khi tòa phân chia số tài sản chung thì bà Hạnh được chia số tiền 291.457.500 đồng và buộc ông Sơn có nghĩa vụ giao lại cho bà Hạnh với số tiền 219.004.600 đồng. Đồng thời, tòa giao toàn bộ phần đất nuôi trồng thủy sản 38.861m2 do ông Sơn đứng quyền sở hữu tiếp tục quản lý, sử dụng.
Khi bản án có hiệu lực, ông Sơn không có điều kiện thi hành án, bởi tài sản đã cầm cố để trả nợ chung cho hai vợ chồng khi còn chung sống. Do đó, Chi cục THADS huyện áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản của ông Sơn để thi hành án. “Ngày 15/5 vừa qua, Chi cục THADS huyện Đầm Dơi đến cưỡng chế và thực hiện việc cắm mốc ranh đất trên phần đất 14.265m2 để thi hành án, nhưng thời điểm họ đến thông báo cưỡng chế và đến ngày xuống thi hành án, thực hiện việc cắm mốc thì tôi không có ở nhà”.
Theo ông Sơn, Chi cục đã đo đạc, cắm mốc không đúng giữa mặt tiền, mặt hậu, làm lệch vị trí đất khoảng 3m. “Họ chỉ cắm mốc lấy phần đất mặt tiền khi đủ 14.265m2 chứ không có lấy mặt hậu. Chỉ lấy khoảng phân nửa diện tích đất nghiêng về phần mặt tiền. Tôi nhận thấy, cắm mốc như vậy là không đúng. Phải lấy mặt tiền và mặt hậu bằng nhau thì mới phù hợp”, ông Sơn bức xúc.
Trả lời PV Báo NNVN về việc này, ông Trần Quốc Trạng, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đầm Dơi, cho biết: “Ở đây không có giao đất nên không có ranh giới. Án tuyên bằng tiền, nguyên phần đất hơn 38.000m2 đã giao cho ông Sơn hết. Do đó, ông Sơn không thi hành án nên đơn vị mới cưỡng chế, kê biên phần đất 14.265m2, tương ứng với số tiền thi hành án. Và tài sản kê biên đó bán đấu giá được khoảng 350 triệu đồng. Do không có ranh giới nên Chi cục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên. Kê biên đến đâu thì giao đến đó và mặt tiền, mặt hậu đảm bảo đầy đủ”.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, việc cắm mốc đất chỉ lấy phần đất mặt tiền. Nếu cắm mốc giữa mặt tiền và hậu bằng nhau thì cống xổ vuông tôm của ông Sơn vẫn còn bên phần đất của ông. Nhưng do cắm mốc sai lệch, đã làm mất chiếc cống. “Họ cắm mốc như vậy ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Bởi xây dựng cống mới, phải mất 100 triệu đồng và làm văn bản, giấy tờ xin cơ quan có thẩm quyền, mất rất nhiều thời gian”, ông Sơn cho hay.
Ông Sơn còn cho biết, quá trình cưỡng chế, THA thì Chi cục THADS huyện Đầm Dơi đã cưỡng chế, tháo dỡ nhà của chị ruột ông là bà Nguyễn Thị Mười (cất trên phần đất của ông Sơn) nhưng lại không có nơi bảo quản tài sản, nên đã làm thất thoát và hư hỏng nhiều tài sản như cây, lá, giường ngủ và một số vật dụng khác.
“Việc cưỡng chế mà không bảo quản tài sản của dân đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chị tôi. Do đó, tôi khẩn thiết mong muốn các cơ quan báo chí vào cuộc, xem xét việc làm của Chi cục THADS huyện Đầm Dơi như vậy đúng hay chưa? Nếu chưa, thì pháp luật xử lý vấn đề này như thế nào? Hiện cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Sơn nói.
Tại buổi làm việc với PV, ông Trạng thừa nhận thời điểm tháo dỡ, đơn vị đã không thực hiện việc che đậy để bảo quản chu đáo tài sản của người dân. Vài ngày sau khi cưỡng chế, đơn vị này mới dùng cao su để che đậy, bảo quản số tài sản này. “Tôi khẳng định luôn, cây lá địa phương để ngoài trời vài ngày cũng không quan trọng, vẫn bình thường, tol lợp nhà thì không cần đậy”, ông Trạng nói.
Đành rằng, đây là số tài sản không có giá trị, nhưng khi cơ quan thực thi pháp luật thực hiện quyền cưỡng chế thì phải có biện pháp bảo quản tài sản, cho dù đó chỉ là cây lá. Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện việc cưỡng chế thì cơ quan thi hành án phải đảm bảo không làm thất thoát, hư hỏng tài sản của người bị thi hành án.
Ông Lâm Đức Hòa, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đầm Dơi, chống chế: “Các bước cưỡng chế đã được đơn vị thực hiện đúng pháp luật. Tài sản bằng cây, lá địa phương thì đơn vị dùng cao su quấn lại đã là bảo quản rồi”. |