| Hotline: 0983.970.780

Cần làm tốt công tác tuyên truyền

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:46 (GMT+7)

Đến nay, Định Hòa (Kiên Giang) đã đạt được 8 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm đạt thêm 3 tiêu chí và năm 2011 đạt thêm 6 tiêu chí NTM.

Trạm bơm tưới tập thể bằng môtơ điện ở Định Hòa- Kiên Giang

Cuối tuần qua, nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ, thành viên BCĐ xây dựng NTM Trung ương đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về những kết quả xây dựng xã NTM Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang). Đến nay, Định Hòa đã đạt được 8 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm đạt thêm 3 tiêu chí và năm 2011 đạt thêm 6 tiêu chí NTM.

Hỗ trợ người dân sản xuất

Định Hòa là 1 trong 11 xã của cả nước được Trung ương chọn để xây dựng NTM và là xã nghèo của tỉnh Kiên Giang thuộc Chương trình 135 của Chính phủ với trên 63% là đồng bào dân tộc Khơmer. Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng sau hơn một năm chính thức bắt tay vào xây dựng NTM đến nay Định Hòa đã có nhiều thay đổi, tập quán lối sống, phương thức sản xuất đã có những chuyển biến căn cơ, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Quang Rằm, Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho biết, song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, địa phương đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế. Trong đó, tập trung khai thác thế mạnh về nông nghiệp như xây dựng cánh đồng sản xuất lúa 4 tốt, mô hình cấy nấm diệt rầy nâu trên lúa, chương trình nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ sản xuất, nuôi heo sinh sản, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà, vịt an toàn sinh học, trồng nấm rơm, rau màu…

Đặc biệt là việc thay đổi phương thức sản xuất theo hướng làm ăn tập thể, kinh tế hợp tác để sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn xã đã thành lập được 4 HTXNN, xây dựng NM xay xát lau bóng gạo XK, nhiều hộ dân đầu tư máy móc cơ giới hóa sản xuất... Toàn bộ lúa hàng hóa làm ra đã được ký hợp đồng bao tiêu. Nhờ đó, đã giúp người dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm 2009 đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu 13,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn thời điểm mớt bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2008) là 2,5 triệu đồng/người. Dự kiến, thu nhập năm 2010 sẽ đạt 16 triệu đồng/người.

Chuyển biến tích cực

Về nhận thức, qua tuyên truyền đại đa số người dân đều đồng tình với chủ trương xây dựng NTM. Vì vậy, họ sẵn sàng hiến đất đai, hoa màu, di dời vật kiến trúc để phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, Định Hòa cũng gặp phải không ít khó khăn do nhiều hộ dân quá nghèo, ngoài việc hiến đến, góp ngày công lao động, họ không có khả năng góp vốn đối ứng (nhà nước 70%, dân 30%) để triển khai các chương trình xây dựng NTM. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng ỷ lại.

Ông Lê Huy Ngọ yêu cầu địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu lợi ích của việc xây dựng NTM và họ phải có trách nhiệm cùng với chính quyền bắt tay thực hiện. Nếu chưa có điều kiện đóng góp cho cộng đồng thì trước hết người dân hãy lo làm NTM ngay tại gia đình mình như sửa sang lại nhà cửa cho vững chắc, sử dụng nước sạch để trách dịch bệnh, làm hố xí tự hoại, doạn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, làm hàng rào bảo vệ…

Theo ông Ngọ cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, người dân làm gì, tổ nhóm làm gì, nhiệm vụ của ấp ra sao? Từng ấp làm NTM, nhiều ấp làm tốt, đạt tiêu chí thì chúng ta sẽ có xã NTM. Ông Nguyễn Văn Phích, Bí thư Huyện ủy Gò Quao, cho rằng chương trình NTM đã có những chuyển biến tích cực tại địa phương, nhất là về mặt sản xuất. Người dân đã bắt đầu quan tâm áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, vận dụng được tiềm năng đất đai, trung bình năng suất lúa đã tăng lên từ 1-1,5 tấn/ha/vụ, đạt từ 5-7 tấn/ha/vụ. Nhiều mô hình sản xuất đang chứng minh được hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được lao động nông nhàn.

Nguyên Bộ trưởng NN - PTNT Lê Huy Ngọ đánh giá cao những kết quả mà Định Hòa đã đạt được mặc dù đi lên từ xuất phát điểm thấp. Trong quá trình xây dựng, cần đầu tư toàn diện nhưng tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chọn hướng đột phá sản xuất. Riêng về Định Hòa nên chọn hướng sản xuất lúa hàng hóa làm khâu đột phá, tập trung thực hiện cho hiệu quả. Mà muốn đột phá được thì phải đầu tư cho đồng bộ từ hệ thống thủy lợi, giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch…

 Các mô hình đã làm được như cánh đồng 4 tốt, chương trình nhân lúa giống, cơ giới hóa sản xuất, bao tiêu lúa hàng hóa… cần được duy trì và tập trung mở rộng. Song song đó, là tập trung dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho người dân để họ có thể tự tay làm được một khi không còn sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật.

Ông Trần Minh Thống, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, yều cầu địa phương cần phát huy hơn nữa những gì đã đạt được bằng việc cho từng hộ dân đăng ký chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giúp họ có điều kiện ứng dụng tiến bộ KHKT, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng NTM chính là giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa kiến nghị với đoàn cần điều chỉnh một số chỉ tiêu trong tiêu chí cho sát thực tình hình thực tế tại địa phương cũng như khu vực ĐBSCL. Chẳng hạn yều cầu cứng hóa đường trục nội đồng là không phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của bà con. Vì ĐBSCL sông rạch nhiều, nông dân chủ yếu vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường thủy. Do đó, chỉ cần kiên cố hóa cống đập là đạt yêu cầu.

Hay tiêu chí nhà ở theo yêu cầu là phải 3 cứng (mái, thân, nền) trong khi đó người dân ĐBSCL lại quen ở nhà cây gỗ và lợp lá tàu (là dừa nước). Ưu thế của loại nhà này là rất mát vào mùa hè. Chỉ tính riêng xã Định Hòa hiện đang có tới 60% (2.136 hộ) nhà kiểu này. Vì vậy, cần công nhận loại nhà cây gỗ lâu bền là đạt tiêu chí nhà ở nông thôn. Riêng việc xây dựng nhà văn hóa ấp (thôn), theo ông Sa là không nhất thiết vì địa phương đã có trụ sở ấp, chỉ cẩn mở rộng để đáp ứng nhu cầu là được.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.