| Hotline: 0983.970.780

Cần lắng nghe tiểu thương

Thứ Năm 05/06/2014 , 09:54 (GMT+7)

Chợ Hoa Lư cũ được xây dựng vào năm 1992, trải qua nhiều năm sử dụng, chợ này đã lâm vào tình trạng quá tải. 

Trước tình hình quá tải của chợ Hoa Lư cũ (đường Cách mạng Tháng 8, phường Hoa Lư), UBND TP Pleiku (Gia Lai) đã cho xây dựng chợ Hoa Lư mới khang trang hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai di dời tiểu thương vào chợ mới, nhiều vướng mắc nảy sinh...

Chợ Hoa Lư cũ được xây dựng vào năm 1992, trải qua nhiều năm sử dụng, chợ này đã lâm vào tình trạng quá tải. Theo đánh giá của chính các tiểu thương, chợ cũ không có hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống mương thoát nước quá nhỏ dẫn đến không đảm bảo vệ sinh môi trường; chợ không có bãi giữ xe; đường Cách mạng Tháng 8 hiện đã trở nên quá chật chội, không còn đảm bảo an toàn giao thông…

Cho nên, khi biết Nhà nước có chủ trương xây dựng chợ mới nằm cách đấy không xa (chợ loại II với quy mô 57 ki-ốt, 192 lô, sạp), tiểu thương và nhân dân hết sức phấn khởi, đồng tình. Tuy nhiên, hiện nay, khi chợ mới đã hoàn thành có thể đưa vào sử dụng ngay thì lại gặp nhiều trở ngại từ phía tiểu thương.

Những tiểu thương kinh doanh mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau… phản ánh rằng, chợ mới xây lô, sạp đồng bộ kiểu cách, nghĩa là lô, sạp nào cũng giống nhau, không phù hợp với thực tiễn kinh doanh đa dạng hàng hóa. Cổng chính của chợ thiết kế bậc tam cấp khiến việc vận chuyển hàng vào nơi buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 1992, có 44 tiểu thương thuê ki-ốt ở chợ cũ để kinh doanh với thời hạn 30 năm, nghĩa là hiện tại họ vẫn còn thời hạn hợp đồng đến 8 năm. Những người này đang trong tình cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội.

Ông Nguyễn Sỹ Tài (60 tuổi, chủ ki-ốt kinh doanh đò dùng gia đình) cho biết: "Việc xây chợ mới được người dân hết sức tán thành. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã xảy ra nhiều bất cập. Đầu tiên là việc còn thời hạn hợp đồng thuê ki-ốt của chúng tôi. Nếu chúng tôi trả ki-ốt chuyển vào chợ mới thì sẽ bị thiệt thòi 8 năm hợp đồng, mà ở lại thì sẽ kinh doanh với ai bởi buôn có bạn, bán có phường”.

Bà con đề nghị được tổ chức bốc thăm thêm một lần nữa theo tinh thần đấu giá cho thuê ki-ốt, sạp bán hàng sau đó mới tiến hành công khai đấu giá. UBND phường Hoa Lư đã ghi nhận và báo cáo lên UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

Hơn nữa, đường hẻm Nguyễn Bá Lân là đường cụt, chợ mới lại được bố trí phía cuối đường, phần đất từ cổng chợ đến đầu đường, không hiểu sao Nhà nước lại bố trí khu tái định cư cho dân khi đã có quy hoạch chợ.

Giờ những người có đất tái định cư đã xây nhiều nhà lầu cao vút, ki-ốt rộng rãi khiến chợ bị che khuất. Nếu những hộ này cứ kinh doanh những mặt hàng như tiểu thương trong chợ, trong khi bãi giữ xe trong chợ lại quá nhỏ thì chắc chắn khách sẽ chẳng dại gì vào chợ để tốn thêm tiền gửi xe. Vậy tiểu thương thiệt thòi là chắc chắn.

Được biết, hiện UBND phường Hoa Lư phối hợp với Ban Quản lý chợ Hoa Lư mới đã tổ chức 3 đợt bốc thăm ki-ốt, lô, sạp cho các hộ kinh doanh tại chợ Hoa Lư cũ. Kết quả, chỉ có 23 hộ đến bốc thăm, trong đó có 11 hộ trúng thăm ki-ốt, 12 hộ trúng thăm lô, sạp. Trong số này, chỉ có 2 trường hợp đã nộp đủ tiền thuê ki-ốt, 6 trường hợp đóng đủ tiền thuê lô, sạp.

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc- Chủ tịch UBND phường Hoa Lư xác nhận, ngoài những ý kiến trên, bà con còn kiến nghị thêm rằng: Đa số tiểu thương ở chợ cũ có quy mô kinh doanh nhỏ, do vậy khi bốc thăm ki-ốt, lô, sạp không có khả năng nộp tiền thuê 1 lần, kiến nghị xin được giãn thời gian nộp tiền ra thành nhiều đợt. Trong thời gian đầu (từ 1 đến 3 năm), việc kinh doanh tại chợ mới sẽ khó khăn, đề nghị cho kéo dài thời gian thuê ki-ốt, lô, sạp từ 10 lên thành 15 năm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.