| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/07/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 03/07/2018

Cần luật hóa quyền lợi cho người chuyển giới

Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau dành cho người chuyển giới.

Thời gian gần đây, những người chuyển giới tại Việt Nam có không ít cá nhân đã mạnh mẽ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và có được thành quả ban đầu như ca sĩ Hương Giang đoạt giải Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2018 hoặc nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu gây ấn tượng tại chương trình “Bài hát hay nhất” trên VTV với ca khúc “Ông bà anh”. Tuy nhiên, có những trường hợp người chuyển giới đối diện với bi kịch vì áp lực của gia đình và chòm xóm.

Để có thêm dữ liệu thuyết phục về Luật Chuyển đổi giới tính sắp được trình ra Quốc hội, Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức buổi tọa đàm “Lắng nghe người chuyển giới”. Hơn 30 khách mời là những người chuyển giới đã tham dự và có nhiều chia sẻ rất đáng thấu hiểu và trân trọng.

Ví dụ Lò Văn Thủy 25 tuổi là người dân tộc Kháng ở Thuận Châu (Sơn La) bị đuổi khỏi nhà khi khao khát được sống với giới tính thật sự của bản thân: “Họ xem tôi là sự sỉ nhục và bảo tôi ra đường cho xe cán chết để không làm ô nhục gia đình, họ hàng. Bố ép tôi ra khỏi hộ khẩu gia đình. Tôi phải bỏ làng lên Hà Nội làm thuê, rồi cùng một người bạn mở quán bún đậu mắm tôm kiếm sống qua ngày. Tôi đã trải qua rất nhiều lần đi xin việc, nhưng đều vô cùng khó khăn. Họ nói tôi bê-đê, và nhìn vào những người như chúng tôi, họ chỉ nghĩ rằng chúng tôi là thành phần ăn bám xã hội, không biết làm gì…”.

Có không ít người chuyển giới có bằng đại học nhưng không được tuyển dụng vì… tâm lý e ngại của những người xung quanh. Nếu sớm có Luật Chuyển đổi giới tính, những người chuyển giới sẽ có cơ hội sống tốt hơn và cống hiến cho cuộc đời một cách tự tin!

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về người chuyển giới tại Việt Nam. Vì vậy, một vài tài liệu ghi con số 480 ngàn người chỉ là ước tính, bởi phần lớn người chuyển giới vẫn gặp phải nhiều rào cản, chưa dám công khai khi chưa được xã hội thừa nhận một cách sòng phẳng.

Người chuyển giới đang đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe. Do chưa được pháp luật công nhận, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường theo cách truyền tai nhau.

Thậm chí, đã có 8 - 10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon. Đáng lo ngại hơn, không ít người chuyển giới Việt Nam đã phải chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài với chi phí đắt gấp 8 - 10 lần nếu được thực hiện và chăm sóc ngay tại Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế nghiêm túc soạn thảo và hy vọng sớm được Quốc hội thông qua vào năm 2019!

Bình luận mới nhất