| Hotline: 0983.970.780

Cân nặng nhẹ chuyện trăm năm

Thứ Bảy 10/03/2018 , 14:05 (GMT+7)

Cũng như bao thanh niên thiếu nữ khác, Dũng và Linh hai người đến với nhau là vì họ yêu nhau. Nếu hai người yêu nhau và cưới nhau thuần túy chỉ vì tình, thì đó là một trong những câu chuyện tình yêu đẹp nhất trên đời. 

Tuy nhiên, giữa một cuộc sống vốn có nhiều vấn đề chi phối, chẳng hạn như danh lợi, nghề nghiệp, tiền tài hoặc sắc đẹp, hẳn tình yêu của con người ta cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên, dù ít hay nhiều, miễn sao trong bao lâu người ta còn yêu nhau chân thành thì họ vẫn còn được chấm một điểm son về nhân cách của họ.

Ảnh minh họa

Dũng là chàng trai có số đào hoa, nói đúng hơn anh có tài ăn nói, tán tỉnh và sự chiều chuộng lẫn dày dạn, khiến cho các cô anh tìm đến ngỏ lời đều sớm phải xiêu lòng vì anh. Còn Linh là một cô gái nhà giàu, nhan sắc chỉ trung bình, không biết chưng diện, làm đẹp, Linh chỉ được ưu điểm là cô hiền lành, chăm chỉ làm việc. Nhà Linh vốn có nghề buôn bán vật liệu xây dựng cha truyền con nối, nghĩa là nếu bình thường thì Linh không thể nào nằm trong danh sách những cô gái Dũng sẽ theo đuổi tán tỉnh.

Ấy thế mà sau những năm tháng rong chơi, thay đổi với nhiều mối tình và nhiều cô gái xinh đẹp khác nhau, cô gái cuối cùng lọt vào tầm ngắm của Dũng chính là Linh.

Không nói cũng rõ Dũng muốn tính kế lâu dài, xây dựng một mái ấm gia đình mà ở đó anh không phải lo đến cái ăn cái mặc, lẫn nơi ăn chốn ở. Trong số các cô gái, Dũng đã chấm Linh là ý trung nhân tương lai mặc dù anh không yêu thương gì cô. Thế là chỉ trong vòng ba tháng trời, sau khi theo đuổi tán tỉnh cô gái chân chất bằng đủ thứ chiêu trò sành điệu lẫn ranh mãnh của mình, cuối cùng không khó khăn gì lắm, Dũng đã đánh đổ được trái tim của Linh.

Sau đám cưới, Dũng cảm thấy yên tâm với cuộc sống mới của mình. Nhà ở đã có nhà vợ lo liệu cho, ngay cả việc mưu sinh anh cũng không phải bận tâm. Dũng làm nghề thợ sửa chữa điện gia dụng, đồng ra đồng vào tuy hạn chế nhưng anh có toàn quyền sử dụng đồng tiền mình kiếm được. Vợ chồng Dũng có ba mặt con, anh cũng phó mặc cho vợ chăm sóc, nuôi nấng lẫn dạy dỗ, lo liệu việc ăn học. Thỉnh thoảng Dũng chỉ hỏi han con cái chiếu lệ, hoặc bảo ban vài công việc như thể ra oai, nhắc nhở với cả nhà rằng anh mới thực sự là ông chủ trong gia đình.

Nhưng sự thực không đơn giản như thế. Khi các con dần dần lớn khôn, chúng đã hiểu được người thực sự có quyền hành quyết định trong gia đình là mẹ chứ không phải bố của chúng. Coi như Dũng tạm nhường vợ ở khoản này, nhưng cuộc sống liên tiếp dẫn đến những chuyển biến xa xôi hơn làm rạn nứt hạnh phúc gia đình của Dũng, đó là những biến cố người ta dẫu có nhìn xa đến đâu, cũng không thể đoán liệu trước được những tình huống ở tương lai.

Gia đình của Linh có bốn anh chị em. Cha mẹ về già nên tính chuyện chia gia tài cho các con. Bố của Linh ưu ái con trai cả, chia phần lớn gia sản cho người này. Ba cô con gái tiếp theo mỗi người được hưởng đồng đều phần chia còn lại. Trong gia đình ba cô con gái, thì gia đình của Linh, cô con gái út trong nhà, là khó khăn nhất, đồng thời kể như cũng bị thiệt thòi nhất, vì Linh lấy chồng nghèo, không giàu có như gia đình các anh chị của cô. Dũng không cam lòng với những thiệt thòi của vợ chồng anh, nên ngày ngày thúc giục vợ “tranh đấu” quyền lợi, đòi hỏi thêm phần chia từ các anh chị.

Linh hiểu được sự thua kém của gia đình cô so với gia đình các anh chị. Những người chồng của các bà chị cô đều làm ăn phát đạt, ngoại trừ Dũng. Thay vì nỗ lực lo làm ăn, nhiều lần Dũng thôi thúc vợ đòi hỏi thêm quyền lợi, nhưng Linh thấy chồng yêu sách vô lý nên không nghe theo. Thế là Dũng đành bất lực, bó tay.

Bực tức vì không đạt được mục đích, Dũng bỏ đi và bắt cặp với hết cô này đến cô kia để khiêu khích vợ, nhưng kế hoạch này chỉ vô ích. Vì thực sự Dũng không có tiền nong để chiều chuộng các cô, vả lại những năm tháng sống nhờ vợ đã khiến cho cơ thể anh ta bị lên cân quá nhiều, đâu còn gì hấp dẫn đối với các bà các cô. Khi Dũng quay trở lại, Linh nhất quyết không hàn gắn. Cô làm đơn ly dị với gã chồng ích kỷ và không chung thủy. Cho đến lúc bấy giờ, Dũng mới vỡ lẽ ra rằng anh ta thực sự đã bị mất trắng hết tất cả.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm