| Hotline: 0983.970.780

Cần nghiêm trị hành vi phá mía

Thứ Ba 17/12/2013 , 09:25 (GMT+7)

Mía chưa đến kỳ khai thác, nhưng các chủ mía phải đốn vội vàng vì nếu để mía đứng trên đồng, sẽ bị người dân quanh vùng chặt ngọn để làm thức ăn cho bò...

Mía chưa đến kỳ khai thác, nhưng các chủ mía phải đốn vội vàng vì nếu để mía đứng trên đồng, sẽ bị người dân quanh vùng chặt ngọn để làm thức ăn cho bò, khiến cây mía bị chết dần hoặc cho năng suất kém đi.

Đó là thực trạng đang xảy ra tại vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) nằm trên địa bàn thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn - Bình Định). Ông Đặng Vĩnh Thược, Trưởng phòng Kinh doanh BISUCO, cho biết: “Năm 2011, thực hiện chính sách phát triển vùng nguyên liệu, BISUCO đã thuê của UBND xã Bình Thành hơn 28 ha diện tích đất gò đồi thuộc diện đất dự phòng tại thôn Phú Lạc để nhân rộng diện tích trồng mía.

Sau đó, công ty phát động phong trào trồng mía trong toàn cơ quan. Tất cả CBCNV đều tham gia theo hình thức thuê lại đất của công đoàn, đầu tư trồng mía; người nhiều 5-7 ha, người ít nhất cũng 2 ha”.


Chủ ruộng mía bần thần đứng nhìn những cây mía bị chặt cụt ngọn

Diện tích đất nói trên vốn là đất trồng cây lâm nghiệp cho hiệu quả kém, UBND xã Bình Thành đã từng cải tạo, cho người dân địa phương thuê để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, nhưng cũng không mang lại hiệu quả, nên người dân không mấy mặn mà. Vậy nên UBND xã Bình Thành mới cho BISUCO thuê để trồng mía.

“Do đất quá xấu, nên anh em trong công ty phải đầu tư rất lớn, cây mía mới đứng được. Để cải tạo đất, trước khi cắm cây mía xuống, chúng tôi phải đổ vào đây rất nhiều bã bùn. Tính tất cả các khoản đầu tư từ khi xuống giống đến thu hoạch, mỗi héc ta mía ngốn hết của chúng tôi từ 33 triệu đến 40 triệu đồng.

Nhờ đó cây mía đạt năng suất, diện tích nào kém nhất cũng 40 tấn/ha, nhiều diện tích đạt đến 60-65 tấn/ha, đây là kết quả khả quan trên vùng đất cằn khô này. Thấy SX có hiệu quả, người dân địa phương nảy ra ý định muốn sở hữu diện tích đất này để canh tác, nên thường xuyên phá mía nhằm làm CBCNV của công ty chán nản, bỏ đất, rồi họ sẽ thuê lại của UBND xã để làm”, ông Đặng Vĩnh Thược cho biết thêm.

Họ phá mía bằng nhiều hình thức: Khi mía còn tơ, thả bò vào phá. Hoặc khi trong vùng mía khai thác một ít diện tích, rác mía được để lại ruộng để vừa giữ ẩm cho đất, vừa ngăn chặn cỏ phát triển thì sau khi số rác mía này khô đi liền bị đốt, uy hiếp những diện tích mía còn đứng.

Lần gần đây nhất là vào Tết Nguyên đán năm ngoái, mới ngày mùng 3 mà vùng mía phát hỏa, những chủ mía phải bỏ cả ăn Tết để chạy đi chữa lửa cứu mía. Trong những ngày gần đây, cây mía còn phải chịu thêm 1 kiểu phá khác là dù chưa đến kỳ khai thác, người dân trong vùng lén lút chặt cụt ngọn mía để lấy đọt cho bò ăn. Theo các chủ mía, khi cây mía bị chặt ngọn, nếu không thu hoạch sẽ bị héo dần dẫn đến chết khô. Khi thu hoạch sẽ bị mất năng suất, mất chữ đường nghiêm trọng.

Do đó, hiện nay dù cây mía chưa đến kỳ thu hoạch nhưng các chủ mía ở đây cứ đành phải đốn non để tránh bị chặt cụt ngọn, làm ảnh hưởng năng suất, đến chữ đường. Ông Đặng Vĩnh Thược, người có 5 ha mía được trồng trong vùng nguyên liệu này cho hay: “Quá bức xúc, công ty đã nhiều lần phản ánh thực trạng này với chính quyền, thế nhưng tình hình phá mía vẫn không thuyên giảm. Đầu tư cho cây mía thì nhiều mà do bị phá phách nên hiệu quả cho chẳng bao nhiêu”.

Ông Nguyễn Đình Ngưu, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: “Sau khi được Công ty Đường phản ánh vụ việc, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, thậm chí đưa vụ việc ra những cuộc họp thôn để cảnh báo người dân nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Vì họ không phá đồng loạt, mà chỉ nhân lúc thả bò, lén lút chặt đọt mía mang về cho bò ăn nên rất khó ngăn chặn".

"Trong thời gian tới, để các chủ mía yên tâm SX, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn để ngăn chặn hành vi này, cũng là để không làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh”, ông Nguyễn Đình Ngưu.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.