| Hotline: 0983.970.780

Cần nghiên cứu sâu ngành hàng cói

Thứ Tư 10/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Hiện nay Việt Nam có 26 tỉnh trồng cói, tập trung ở 3 vùng lớn...

Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Nếu nước biển dâng cao 1 mét, Việt Nam mất hơn 12% diện tích đất đai, nơi cư trú của 23% dân.

Một phần rất lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có thể sẽ bị ngập. Khi ấy việc nghiên cứu những cây trồng sống chung với nước lợ, nước mặn như cói sẽ rất có ích.

Mới đây tại Ninh Bình đã diễn ra hội thảo “Ngành cói Việt Nam - Hợp tác để tăng trưởng” do Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Tổ chức phát triển Hà Lan, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Quỹ Ford tổ chức, hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Tất Cảnh và cộng sự (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) hiện nay Việt Nam có 26 tỉnh trồng cói, tập trung ở 3 vùng lớn là vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam định); vùng ven biển Bắc Trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh v.v.) và vùng ven biển Nam bộ (Trà Vinh, Vĩnh Long...). Thống kê vào năm 2007 cả nước có 13.800ha với tổng sản lượng trên 100.000 tấn.

 Cói là cây trồng ở các vùng đất ven biển (nước lợ), từ việc trồng quảng canh cho thu hoạch một vụ/năm, nay tiến hành trồng thâm canh, thu hoạch 2 vụ/năm thậm chí một số hộ gia đình thu hoạch 3 vụ/năm, mặt khác cói được thâm canh theo phương pháp “tưới tràn, tháo kiệt” nghĩa là bón phân xong thì lại rửa đi, do vậy đầu tư phân bón cho ruộng cói ngày một tăng. Điều tra của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (2006) đầu tư bình quân cho 1 ha trồng cói một vụ khoảng 1.000-1.200 kg đạm urê.

Trong khi đó, khoảng 20-30 năm trước trồng cói hầu như không có đầu tư phân đạm. Bón phân đạm nhiều làm cho cói nhanh chết sau cắt, chu kỳ trồng cói rút ngắn (trước kia sau trồng từ 8-10 năm mới đảo cói một lần thì nay chỉ 3-5 năm đã phải tiến hành đảo cói), cói không chắc, cói kém dai hơn, dòn hơn… Những năm tiếp theo càng bón nhiều phân hơn, hiệu quả sử dụng phân của cói càng thấp. Bón phân nhiều, sâu bệnh ngày càng nhiều hơn, chi phí bảo vệ thực vật tăng cao, kèm theo đó môi trường khu vực trồng cói đang bị ô nhiễm…

Ngành cói hiện đang phải đối mặt với thị trường biến động đến mức khó lường. Thị trường cho xuất khẩu các mặt hàng cói bao gồm nhiều nước như các nước thuộc khối cộng đồng châu Âu, Nhật, Trung Quốc v.v., nhưng tập trung chủ yếu là thị trường Trung Quốc với sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô (quại). Chính vì xuất thô nên giá trị chẳng được là bao. Năng suất cói hiện nay khoảng 6 tấn/ha, giá cói dài khoảng 5.000 đồng/kg, cói ngắn khoảng từ 1.500 đồng đến 2.200 đồng/kg, nếu cân đối với chi phí đầu tư cho cây cói trên đầu sào, thì người nông dân trồng cói chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.

Thế nên để phát triển ngành cói, một số giải pháp được đưa ra như: Liên kết 4 nhà là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành hàng cói. Các nghiên cứu về cây cói có thể nói cho đến hiện nay là rất ít. Các nghiên cứu này chỉ mới tập trung vào điều tra, đánh giá việc nghiên cứu sâu về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường còn rất hạn chế. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp và người trồng cói lỏng lẻo. Sự hỗ trợ của nhà nước cho cây cói hầu như không đáng kể, người trồng cói chưa được trang bị đầy đủ về kĩ thuật, công nghệ và kiến thức thị trường. Đa dạng hoá thị trường, quy hoạch vùng cói hợp lí là một giải pháp không thể thiếu. Hầu hết các mặt hàng cói hiện nay của Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu tập trung vào một thị trường sẽ có rất nhiều rủi ro.

Do vậy đa dạng hoá các sản phẩm, đa dạng hoá thị trường là yếu tố không thể thiếu để ổn định sản xuất. Cần tìm kiếm các thị trường xuất khẩu cói mới ở Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v. đặc biệt là Liên Bang Nga, nơi mà từ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, các mặt hàng chiếu cói đã được người dân nơi đây ưa dùng, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu và quảng bá các mặt hàng cói thông qua các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế đồng thời thu hút đầu tư.

Cần có các dự án dạy nghề hỗ trợ người dân khôi phục nghề thủ công truyền thống từ đó giải quyết việc làm cho người lao động, tiến tới hướng dẫn để họ có thể sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói với mẫu mã đẹp và đa dạng có thể tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu với đầu ra ổn định. Nghiên cứu chọn tạo các giống cói mới chịu mặn, chịu chua, năng suất cao, chất lượng đảm bảo, các giống cói chắc sợi không phải chẻ. Du nhập các giống cói mới như giống cói chỉ (Cyperus papyrus) từ Úc, Ai Cập, đây là những giống cói có tỷ lệ cói dài cao, chiều cao trung bình 2-3m, cây cứng, chống đổ tốt.

Nghiên cứu các biện pháp kĩ thuật tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất và chất lượng cói trong thâm canh cói. Xây dựng hệ thống canh tác cói trong hệ thống cây trồng phù hợp kết hợp với việc bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng vùng cói, hệ thống thuỷ lợi, chế biến và bảo quản các mặt hàng về cói, gắn xây dựng và phát triển ngành hàng cói với công cuộc xoá đói giảm nghèo ở vùng ven biển.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Ninh Thị Phíp, Nguyễn Tất Cảnh, Nguyễn Văn Hùng (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho thấy rất nhiều bất cập trong cách thức canh tác cói truyền thống như giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, mật độ... Mật độ trồng ảnh hưởng mạnh đến năng suất và phẩm cấp cói. Mật độ trồng 250.000 khóm/ha làm tăng năng suất và tỷ lệ cói cấp 1 so với mật độ cao hoặc thấp hơn. Bón phân viên nén làm tăng năng suất 34% và tỷ lệ cói loại 1 26,6% so với không bón phân và tăng năng suất 17,9% và tỷ lệ cói cấp 1 15,1% so với bón phân vãi truyền thống…

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất