| Hotline: 0983.970.780

Cần quy định chặt hơn hoạt động các trường có yếu tố nước ngoài

Thứ Bảy 06/06/2020 , 13:10 (GMT+7)

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế tham gia xây dựng thành phố, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể hơn cho từng loại hình trường học.

Phụ huynh học sinh một trường quốc tế tại TP.HCM biểu tình phản đối mức thu học phí trực tuyến. Ảnh: M.T.

Phụ huynh học sinh một trường quốc tế tại TP.HCM biểu tình phản đối mức thu học phí trực tuyến. Ảnh: M.T.

Gặp khó trong quản lý

Hiện nay, hoạt động các trường có yếu tố nước ngoài (gọi chung là trường quốc tế - PV) tại TP.HCM có 2 loại hình.

Đối với loại hình trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, toàn thành phố có 27 cơ sở giáo dục mầm non đến phổ thông có nhiều cấp học với gần 12.000 trẻ mẫu giáo và học sinh theo học.

Chương trình dạy học đa dạng, gồm chương trình các quốc gia Anh quốc, Mỹ, Úc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc… đáp ứng nhu cầu học tập của người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và một bộ phận người Việt Nam tại địa phương.

Đối với loại hình trường Việt Nam có dạy chương trình nước ngoài hoặc thực hiện chương trình Tích hợp theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ, thành phố có 10 cơ sở giáo dục.

Trong đó, bốn cơ sở được Bộ GD&ĐT chấp thuận thực hiện thí điểm các chương trình nước ngoài cho một bộ phận học sinh là người Việt Nam có nhu cầu.

Sáu đơn vị còn lại gồm một trường mầm non, năm trường phổ thông được Bộ GD&ĐT phê duyệt chương trình Tích hợp và đã thực hiện đăng ký liên kết giáo dục theo quy định. Năm học 2019-2020, có ba đơn vị đang triển khai cho năm học đầu tiên, các đơn vị còn lại dự kiến khai giảng trong năm học 2020-2021.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hợp tác và đầu tư với nước ngoài là một lĩnh vực được ngành giáo dục đang quan tâm và thúc đẩy.

Bởi TP.HCM là đô thị lớn, trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và khu vực, để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Với những trường quốc tế đang hoạt động tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay, đội ngũ quản lý và giáo viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở này đều đạt chuẩn về chuyên môn, có đầy đủ văn bằng chứng chỉ và giấy lao động (đối với người nước ngoài - PV) theo quy định.

Nhiều trường được thẩm định chất lượng giáo dục đối với các chương trình giảng dạy và văn bằng chứng chỉ tương ứng như Chương trình giáo dục của Hoa Kỳ được thẩm định chất lượng giáo dục của Western Association of School and Colleges (WASC) và chương trình Tú tài quốc tế do International Baccalaureate Organizatin (IBO) chứng nhận. Các bằng cấp của học sinh có giá trị ở nhiều quốc gia và được chấp nhận ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng nhìn nhận vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động trường quốc tế tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục dạy chương trình nước ngoài thuộc diện thí điểm vẫn đang giảng dạy và tuyển sinh vì không có quy định cụ thể về thời gian thí điểm.

Một số cơ sở giảng dạy chương trình nước ngoài nhưng sau thời gian hoạt động thì chuyển nhượng vốn đầu tư cho người nước ngoài khác gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, chưa có quy định cụ thể đối với tiêu chuẩn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là người nước ngoài…

Từ những bất cập trên, Sở GD&ĐT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo thống nhất mẫu báo cáo đối với tất cả các loại hình, bao gồm báo cáo về liên kết GD&ĐT, báo cáo về các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và báo cáo đối với văn phòng đại diện.

Đồng thời, bổ sung những quy định cụ thể hơn cho từng loại hình trường; mối liên hệ giữa vốn đầu tư, học phí và quy mô tuyển sinh; cơ chế quản lý tài chính, quản lý kiểm định chất lượng, văn bằng chứng chỉ; vấn đề liên thông, chuyển trường với hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam; hướng dẫn về tiêu chuẩn của vị trí hiệu trưởng/giám đốc, phó hiệu trưởng/phó giám đốc…

Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động các trường

Đây là kiến nghị của ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tại buổi họp báo thông tin hoạt động trường quốc tế, do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa tổ chức.

Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM nhận được nhiều đơn phản ánh của phụ huynh về việc thu học phí dạy trực tuyến của các trường Quốc tế Việt úc (VAS), quốc tế Úc (AIS), Sao Việt… không phù hợp trong khi học sinh nghỉ chống dịch Covid-19.

Theo ông Lê Hoài Nam, dịch Covid-19 xảy ra tạo tiền lệ chưa từng có cho ngành giáo dục. Nhiều trường học, trong đó có trường quốc tế phải chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến và hiệu quả không đạt được như mong muốn dẫn đến phát sinh thay đổi mức thu học phí. Các trường có những bước giải quyết nhưng không đạt được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin về hoạt động trường học quốc tế. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin về hoạt động trường học quốc tế. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Mặt khác, đa số chủ đầu tư các trường quốc tế là người nước ngoài, cơ quan chính đóng ở nước ngoài.

Có những đơn vị có 60 chi nhánh khắp thế giới, trong đó có Việt Nam đều chịu ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19, do đó khi giải quyết học phí chung đòi hỏi sự đồng bộ, không thể giải quyết từng trường đã gây ra sự chậm trễ dẫn đến phụ huynh biểu tình và phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Lê Hoài Nam, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức chấn chỉnh, hướng dẫn các trường về khoản thu phải thỏa thuận, trao đổi với phụ huynh. Các khoản thu phát sinh phải phù hợp với tình hình thực tế, đạt sự đồng thuận của phụ huynh và đảm bảo tính công khai, đặc biệt có chính sách giảm trừ mức thu học phí với thời gian điều chỉnh khung kế hoạch năm học. 

Về tính pháp lý, các trường này đang thu học phí theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ. Mức thu phí và khoản thu dịch vụ khi dạy học trực tuyến phát sinh phải có sự đồng thuận của hai bên, nên bản chất đây là hợp đồng dân sự giữa phụ huynh học sinh và nhà trường.

Do đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam kiến nghị thành phố cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế, Thanh tra thành phố và Công an thành phố thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động các trường quốc tế.

“Hoạt động kiểm tra nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, củng cố niềm tin phụ huynh học sinh, đồng thời bảo đảm quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lê Hoài Nam nói.

Vừa qua, hàng trăm phụ huynh học sinh trường Quốc tế Việt Úc (VAS), quốc tế Úc (AIS), Sao Việt, quốc tế TAS… tại TP.HCM đã kéo lên các cơ sở trường học phản đối chính sách học phí online trong thời gian nghỉ chống dịch Covid-19. Mặc dù giữa nhà trường và các phụ huynh có làm việc nhưng không đi đến thống nhất vì chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất