| Hotline: 0983.970.780

Cận Tết, buôn lậu điên cuồng

Thứ Sáu 22/01/2010 , 10:52 (GMT+7)

Dọc tuyến đường 9 từ thị trấn Lao Bảo đến Đông Hà (Quảng Trị) hơn 80km, có hàng trăm tuyến đường “lẹc” (đường tiểu ngạch) để hàng lậu có thể tuồn về xuôi. Càng cận Tết buôn lậu trên tuyến biên giới Việt- Lào càng mạnh.

Dọc tuyến đường 9 từ thị trấn Lao Bảo đến Đông Hà (Quảng Trị) hơn 80km, có hàng trăm tuyến đường “lẹc” (đường tiểu ngạch) để hàng lậu có thể tuồn về xuôi. Càng cận Tết buôn lậu trên tuyến biên giới Việt- Lào càng mạnh.

>> Buôn lậu ở Kiên Giang: Nóng hừng hực

Hang Dơi” bên dòng SêPôn

Tại chợ Karôn thuộc huyện SêPôn (Savannakhet, Lào) chúng tôi làm quen với Nam- một người Việt gốc Lào làm cửu vạn đã hơn 10 năm. Nam tình nguyện dẫn chúng tôi vào “tham quan” một tổng kho hàng lậu trên đất Lào. Từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua cầu Xả Ớt chừng 2km là đến một khu đất rộng khoảng hơn 1ha được bao bọc xung quanh kín mít những tấm tôn sắt. Dân cửu vạn gọi đây là “kho Đào Hương”. Kho nằm ngay cạnh sông SêPôn và con đường duy nhất có thể dẫn vào được kho nối từ tuyến đường Chín của Lào. Tổng kho Đào Hương được mệnh danh là “Hang Dơi” của Quảng Trị.

Theo Nam, hàng ngày nơi đây có hàng trăm chuyến xe tải hạng lớn vận chuyển thuốc lá Jet, Hero, mỹ phẩm, đường trắng, rượu ngoại, nước tăng lực…từ sông Mê Kông về tập kết vào kho. Trong kho, có hàng trăm cửu vạn cả người Lào và Việt quần quật ngày đêm khuân vác hàng xuống xe, vận chuyển lên các chuyến đò theo đường sông SêPôn xuôi về đất Việt. Hàng ở đây chủ yếu có nguồn gốc Thái Lan, quá cảnh trên đất Lào để vào Việt Nam. Chính cái thế “trên bến dưới thuyền” đã tạo cho kho hàng Đào Hương có một ưu thế đặc biệt, hàng dễ dàng vượt sông, đi đường tiểu ngạch để “qua mặt” cơ quan cửa khẩu.

Mỗi ngày, ước tổng kho hàng Đào Hương xuất ra trên dưới 4.000 thùng thuốc Jet. Dân cửu vạn làm việc ở các khu vực nằm sát cửa khẩu ví tổng kho Đào Hương như một “chiếc phễu” hàng ngày cứ “rót” hàng về phía Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi, dưới bến sông SêPôn nằm cạnh kho hàng, dù đêm hay ngày luôn thường trực 30- 40 chiếc thuyền máy chở hàng vượt sông. Cứ bình quân một đò máy có thể chở từ 50- 70 thùng thuốc Jet về tập kết trên các bến sông như: Tân Kim, Katup, Duy Tân, Tân Long…dọc theo chiều dài hơn 10km của sông SêPôn thì mỗi ngày đã có cả hàng trăm tấn hàng lậu các loại được tuồn theo đường “lẹc” vào Việt Nam. Ngoài kho hàng Đào Hương, hàng quá cảnh về đây còn “chui” vào tập kết ở chợ Karôn.

Hàng lậu toả đi trăm ngả

Rời địa phận nước Lào, chúng tôi có mặt tại bến sông Duy Tân, Tân Kim (Lao Bảo, Hướng Hoá) những chiếc thuyền do những tay lái người Lào, Việt người trần trùng trục cứ “ve vãn” hai bên bờ sông. Nếu thấy ngon ăn, họ liền cho thuyền áp sát bờ sông, vài chục tấn hàng sẽ được các cửu vạn chờ sẵn bên sông bốc sạch trong nháy mắt. Những lúc thấy “động” thuyền sẽ nhanh tay bẻ lái sang bên kia bờ (phía Lào). Vào các dịp cận Tết như hiện nay, đội quân cửu vạn- chủ yếu là người Vân Kiều, Pa Cô làm việc không xuể. Mỗi cửu vạn sức vóc tốt mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn.

Tại quán nước gần nhà tù Lao Bảo, chúng tôi trò chuyện và làm quen với Tâm (người Pa Cô, bản Ka Tup). Theo Tâm, những “tiểu kho hàng” nằm trong nhà dân đóng dọc theo sông SêPôn hiện đã đầy ắp. Gần đây điện thoại di động đang “nóng”. Đây là mặt hàng con buôn ưa chuộng không kém rượu ngoại. Tiếp sức cho hàng trăm cửu vạn, đội quân Minsk luôn túc trực vận chuyển hàng ra các tuyến xe khách xuôi ngược trên đường 9 vượt công B (Trạm liên hợp Tân Hợp) về Đông Hà toả đi các tỉnh. Có mặt ở tuyến đường chạy qua trước mặt chợ thương mại Lao Bảo, chỉ trong vòng 30 phút tôi đếm được hơn 100 chiếc Minsk. Điều này đủ thấy khối lượng hàng lậu theo sông SêPôn lớn đến mức nào.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Chi cục phó Chi cục Hải quan Khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo:

Hiện mặt hàng điện thoại đi động đang “sốt” hơn bao giờ hết. Tình trạng điện thoại di động từ nội địa XK vào Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo (được hoàn thuế GTGT) rồi thẩm lậu trở lại thị trường nội địa gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước. Chống buôn lậu điện thoại di động không dễ chút nào bởi đây là mặt hàng có kích thước khá nhỏ, dân buôn dễ dàng cất giấu.

Theo số liệu thống kê của Phòng quản lý phương tiện bến xe khách Đông Hà, mỗi ngày có gần 200 lượt xe khách xuôi ngược trên tuyến đường 9 (đó là chưa kể các phương tiện chạy “lậu” mỗi ngày 2- 3 chuyến). Những loại xe cỡ 12 chỗ, 24 chỗ, 50 chỗ ngồi thường được “độ” lại có nhiều hầm, ngõ ngách để có thể chứa nhiều hàng lậu. Hàng lậu (như thuốc jet) qua Trạm liên hợp Tân Hợp thường được chia nhỏ thành từng gói, nhét trong các hầm xe hay ngụy trang rồi quấn quanh người. Tuy nhiên, số lượng hàng lậu theo các lượt xe này qua Trạm liên hợp tân hợp nhiều nhưng lại…không nhiều!

Theo quan sát của chúng tôi, cách Trạm liên hợp Tân Hợp chừng 300m về phía Đông Hà, dân “cua rạm”, “người rô bốt” (bó hàng quanh mình) sau khi luồn theo đường “lẹc” tập kết hàng ở một bãi đất khá rộng ven đường 9, khi xe khách qua cổng B, họ nhanh chóng tẩu tán hàng và người lên xe rồi dong thẳng về Đông Hà. Một nhánh khác của đường đi hàng lậu là từ thôn Làng Cát (xã Đakrông, huyện Đakrông). Làng cát nằm dưới chân đèo đường lên thị trấn Khe Sanh, biệt lập với bên ngoài. Các lượt xe chở hàng lậu trước khi qua Trạm liên hợp Tân Hợp cũng ghé vào đây “ăn” hàng. Hầu hết lượng thuốc Jet, điện thoại di động, rượu ngoại, mỹ phẩm, nước tăng lực…được vận chuyển từ vùng biên giới về Đông Hà đều được tập trung bán cho các đầu nậu ở bến xe, ga Đông Hà.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.