| Hotline: 0983.970.780

Cần thay đổi tư duy hoạch định chính sách

Thứ Năm 14/09/2017 , 08:42 (GMT+7)

Mấu chốt của những mâu thuẫn, nghịch lý trong lĩnh vực đất lâm nghiệp là gì? Làm thế nào để người nông dân có thể sống được bằng nghề rừng? Và những điều còn thiếu, hạn chế, bất cập của chính sách…

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đã có những chia sẻ thẳng thắn với Báo NNVN sau khi theo dõi sát sao chuyên đề Nóng bỏng đất rừng.

11-12-08_gs_dng_hung_vo
GS.TS Đặng Hùng Võ


Đã đến lúc phải "động tới" các nông lâm trường

Người miền xuôi sống nhờ ruộng, người miền núi tất phải sống nhờ rừng, nhưng có một thực tế hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp khá lớn nhưng người dân lại thiếu đất sản xuất trầm trọng. Vì sao có sự bất cập này, thưa giáo sư?

Đây là một thực tế đang diễn ra. Ngay từ những ngày đầu Đổi Mới, Trung ương Đảng đã quyết định 3 Chương trình kinh tế lớn bao gồm: Chương trình lương thực, Chương trình hàng tiêu dùng và Chương trình hàng xuất khẩu, trong đó Chương trình lương thực đóng vai trò then chốt vì nước ta đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Ở nhiều địa phương, nông dân đã rơi vào cảnh đứt bữa.

Trong hoàn cảnh này, Đảng ta đã từng bước thực hiện cơ chế khoán 100 (hợp tác xã khoán sản phẩm), tới khoán 10 (hợp tác xã khoán ruộng đất) rồi quyết định thực hiện chính sách đất đai giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài. Chính sách đất đai này đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, không chỉ hoàn thành xuất sắc Chương trình lương thực tạo ra thóc gạo đủ ăn cho cả nước mà còn trở thành đất nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 thế giới.

Để thể chế hóa chính sách giao đất nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64-CP (ngày 27/9/1993) về giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và Nghị định số 02-CP (ngày 15/1/1994) về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài. Từ nội dung 2 Nghị định này, cần lưu ý rằng đất sản xuất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân; còn đất lâm nghiệp thì giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Điều cần lưu ý thứ hai, nguồn đất đai để giao chủ yếu lấy từ các hợp tác xã nông nghiệp, không “động tới” các nông, lâm trường quốc doanh.

Có thể thấy chính sách giao đất này mang lại hiệu quả rất cao đối với vùng có đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiệu quả không đáng kể đối với vùng có đất lâm nghiệp. Đây chính là hạn chế của chính sách giao đất sau Đổi Mới, Nhà nước mới tác động vào quan hệ sản xuất tập thể vì cho rằng không phù hợp với lực lượng sản xuất còn bé nhỏ, nhưng lại không tác động vào quan hệ sản xuất quốc doanh. Đây chính là nguyên nhân cơ bản làm cho người dân miền núi, chủ yếu là các dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất trầm trọng trong khi diện tích đất lâm nghiệp nước ta rất lớn, khi mà rừng vốn là nguồn sống, nguồn sinh kế của người dân miền núi.

Nói như vậy có nghĩa là để giải quyết nhu cầu đất sản xuất đang bức thiết của người dân thì Nhà nước cần phải “động tới” các nông, lâm trường (nay là công ty lâm nghiệp, BQL) phải không, thưa giáo sư?

"Cần thay đổi tư duy trong hoạch định chính sách. Trước hết, rừng cho lợi ích không chỉ từ lâm sản mà phải tính tới lợi ích lớn hơn từ dịch vụ môi trường rừng. Thứ nhất, sức nặng đáng kể là du lịch nói chung và du lịch cộng đồng với các dân tộc thiểu số nói riêng. Nhiều nhóm dân tộc thiểu số đã rất thành công trong hoạt động này, mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Thứ hai, cần tham gia hợp tác quốc tế về thương mại các bon, trong đó rừng ở nước ta có thể mang lại lợi ích đáng kể từ bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp phát triển. Thứ ba, dưới tán rừng sản xuất có thể tổ chức các trang trại lớn gắn với trồng cây lâu năm, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, hạ tầng hoàn chỉnh." (GS.TS Đặng Hùng Võ)

Theo đánh giá của rất nhiều chuyên gia thì kết quả thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị mới chỉ làm được việc chuyển đổi tên các lâm trường quốc doanh thành các công ty lâm nghiệp hoặc BQL rừng.

Những nội dung đánh giá tính hiệu quả sản xuất, quản lý của các tổ chức này và việc giao đất rừng sử dụng không hiệu quả cho dân địa phương lại được thực hiện không đáng kể. Một số công ty lâm nghiệp có thực hiện rà soát lại quỹ đất, giao một phần đất cho dân địa phương nhưng thường là diện tích hẹp, đất có chất lượng xấu hoặc quá xa nơi cư trú. Nói cách khác là đất mà công ty khó sử dụng mới giao cho dân.

Về hiệu quả sử dụng đất, chỉ trừ các công ty lâm nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su, còn lại tất cả các công ty lâm nghiệp khác đều không nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, luôn rơi vào tình trạng thua lỗ ít hay nhiều.

Ngược lại, dân địa phương lại “khát” đất rừng sản xuất, mặc dù ít nhưng đất được giao đều đạt hiệu quả sử dụng cao. Đây là lý do chủ yếu gây ra tình trạng dân địa phương lấn chiếm đất đai của các lâm trường và tranh chấp đất đai đang xảy ra ở hầu hết các công ty lâm nghiệp.

Theo giáo sư, cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn đất đai, giải quyết nghịch lý này?

Giải pháp đã từng được đưa ra rất cụ thể tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị thay thế Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Thứ nhất, tất cả diện tích đất do các công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả, có vi phạm pháp luật đều được thu hồi để giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại địa phương, trong đó ưu tiên giao cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thứ hai, không cho phép các công ty lâm nghiệp giao khoán cho dân theo kiểu “phát canh thu tô”. Thứ ba, cần giải tán các công ty lâm nghiệp đang làm ăn thua lỗ, thiếu năng lực, không thể phát triển để giao đất cho dân địa phương.

Cá nhân tôi cho rằng cần quyết tâm tập trung vào việc đổi mới cơ bản các chính sách đất đai lâm nghiệp.

Thứ nhất, cần quy định rõ quyền hưởng lợi từ rừng đối với từng loại chủ rừng để tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, cần cho phép chuyển diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi thành rừng trồng để giao và trao quyền sở hữu cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở địa phương nhằm tạo động lực phục hồi.

Thứ ba, không cho phép giao khoán rừng trong mọi trường hợp mà thay vào đó là cơ chế đồng quản lý - đồng hưởng lợi giữa tổ chức được giao rừng và cộng đồng dân cư địa phương đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Thứ tư, cho phép cộng đồng dân cư địa phương không phải là chủ rừng được tiếp cận và hưởng lợi từ một số loại lâm sản ngoài gỗ, từ du lịch cộng đồng nhằm nâng cao sinh kế từ rừng vốn nguồn gốc đã gắn với đời sống của họ.
 

Cái cần câu tốt nhất, bền vững nhất chính là đất đai

Thực tế, Nhà nước cũng đã có những chính sách, văn bản, các địa phương cũng có những rà soát, yêu cầu “đòi đất” cho người dân. Tuy nhiên, có vẻ như hiệu quả chưa đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân miền rừng khi mà các DN tìm đủ mọi cách để ôm đất. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần những biện pháp mạnh tay hơn nữa, Giáo sư đánh giá như thế nào?

 

11-12-08_ksr1
Cần thay đổi tư duy hoạch định chính sách về đất rừng

Sự thực, đây không chỉ là ý kiến đề xuất mà đã trở thành chính sách quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này, các Bộ có liên quan cũng đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính phủ. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty, BQL rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng và Chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13.

Nội dung này cũng đã đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003, nhưng thực hiện gần như không đáng kể trong suốt 10 năm triển khai. Như vậy, không chỉ là vấn đề giao đất sử dụng thiếu hiệu quả, trái pháp luật của các công ty lâm nghiệp cho dân địa phương mà chủ yếu là tìm giải pháp để thực hiện sớm nhất, hiệu quả nhất chính sách này.

Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân tại sao chính sách tốt đẹp như vậy mà lại gặp khó khăn trong thực thi. Câu chuyện này phức tạp là do cách tiếp cận vấn đề của UBND cấp tỉnh. Để chính sách này được thực hiện tốt, cần giao trách nhiệm thực hiện cho một cơ quan Trung ương như Bộ NN-PTNT chẳng hạn. Cốt yếu là cơ quan thực hiện phải độc lập với lợi ích từ đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Xin cảm ơn giáo sư!

Nhà nước đang thực hiện rốt ráo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc ban hành chính sách và sẵn sàng rót tiền đầu tư, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể như Chương trình 886 giai đoạn từ 2016 - 2020 có số vốn lên tới gần 60 ngàn tỷ. Nhưng các chính sách sẽ rất khó phát huy khi người dân không có đất. Theo giáo sư, với những tiềm năng, lợi thế miền núi, chúng ta phải làm gì để tạo bước đột phá cho khu vực này?

Đây vẫn là câu chuyện thường được thảo luận ở nhiều hội thảo: “Không gúp dân con cá mà phải giúp dân cần câu”. Cái cần câu tốt nhất và bền vững nhất là đất đai. Nói ra thì ai cũng đồng ý như vậy nhưng làm thì rất khó đối với đất rừng ở vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Cái khó là trong quá khứ đã giao hầu hết đất rừng cho các nông, lâm trường quốc doanh để khai thác. Nay lấy đất ra khá phức tạp vì các tổ chức này cũng quyết tâm bảo vệ đất đã được giao và họ hầu hết đều là tổ chức của UBND cấp tỉnh. Tiếng nói của doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh thường gần hơn và mạnh hơn tiếng nói của dân.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất