| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ muốn mở rộng chuỗi nông sản cung ứng cho TP.HCM

Chủ Nhật 08/10/2023 , 15:11 (GMT+7)

Nông lâm thủy sản của TP Cần Thơ cung ứng vào TP.HCM còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của địa phương, nhất là thủy sản.

Ban An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có buổi làm việc với Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và có chuyến khảo sát các chuỗi thực phẩm an toàn cung ứng cho TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có buổi làm việc với Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và có chuyến khảo sát các chuỗi thực phẩm an toàn cung ứng cho TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện nay trên toàn thành phố Cần Thơ có 75.000ha lúa với 1,3 triệu tấn lúa/năm; 25.000ha cây ăn trái, với sản lượng 200.000 tấn mỗi năm; thủy sản 9.000ha, sản lượng 220.000 tấn/năm.

Đã có trên 528 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có 430 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản (139 cơ sở nông sản động vật, 291 cơ sở nông sản thực vật), 66 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực thủy sản, 5 cơ sở sản xuất chế biến muối, 5 kho lạnh bảo quản thực phẩm và 22 cơ sở chuyên doanh. Ngoài ra, có 13.677 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có thực hiện cam kết đảm bảo ATTP khi sản xuất cung ứng ra thị trường. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết, từ năm 2021, Ban đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm theo "Chuỗi thực phẩm an toàn" với 15 tỉnh/thành phố đưa về tiêu thụ tại TP.HCM.

Riêng TP Cần Thơ có 7 cơ sở thủy sản tham gia Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” thực hiện thí điểm trên địa bàn TP.HCM với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên 3.138 tấn/năm; sơ chế thủy sản trên 5.615 tấn/năm gồm ếch, lươn, cá điêu hồng, cá lóc, cá tra, cá thát lát, cá kèo, tôm, cá rô, cá trê, cá sặc rằn...

"Qua công tác kiểm tra giám sát, Ban đã lấy 30 mẫu thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ gửi phân tích định lượng về các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản. Kết quả, không phát hiện tồn dư hoạt chất, kháng sinh cấm trong mẫu kiểm", bà Lan thông tin.

Ngoài ra, có 8 cơ sở sản xuất thực phẩm có sản phẩm của TP Cần Thơ tiêu thụ tại TP.HCM đạt chứng nhận an toàn; 49 cửa hàng kinh doanh thịt heo tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm của TP.HCM.

HTX Sản xuất thương mại Nhất Tâm là một trong 4 chuỗi an toàn đạt chuẩn quốc tế của TP Cần Thơ hiện có sản phẩm phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu.

HTX Sản xuất thương mại Nhất Tâm là một trong 4 chuỗi an toàn đạt chuẩn quốc tế của TP Cần Thơ hiện có sản phẩm phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn đánh giá, tiềm năng về nông lâm thủy sản của TP Cần Thơ còn rất lớn, đặc biệt là thủy sản, tuy nhiên sản lượng giao thương giữa TP Cần Thơ và TP.HCM còn khá khiêm tốn.

Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng còn ít. Nhiều nông sản từ các nông hộ nhỏ chủ yếu được thương lái thu mua đưa lên TP.HCM tiêu thụ, do đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Do đó, ông Nhơn đề nghị các cơ sở, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn cần phối hợp, liên kết bà con nông dân, hình thành các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn lớn, vùng nguyên liệu lớn, tăng cả về sản lượng, chủng loại các sản phẩm mà ngành nông nghiệp Cần Thơ sản xuất được để đưa vào TP.HCM.

Ông Nhơn cũng đề nghị phía các doanh nghiệp, đơn vị tại TP.HCM phối hợp, hỗ trợ và "đặt hàng" nhu cầu sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả... để bà con nông dân Cần Thơ xây dựng chuỗi "đáp ứng" nhu cầu của thị trường, tăng giá trị chuỗi.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý ATTP TP.HCM tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu biểu đã áp dụng truy xuất nguồn gốc và sản phẩm OCOP của Cần Thơ tiêu thụ tại TP.HCM

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang chú trọng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến và công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch hiện đại, nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.