Một điểm bán nông sản sạch ở Cần Thơ. |
Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP Cần Thơ cho hay, qua 3 năm triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Chi cục đã xây dựng được 28 mô hình, trong đó 16 chuỗi nông sản, 12 chuỗi thủy sản. Chi cục đã tiến hành lấy mẫu giám sát và xác nhận 97 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn.
Đa số các cơ sở SX và DN đều ý thức được việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đến nay các sản phẩm trong chuỗi đã tìm kiếm và mở rộng thị trường. Nhiều DN ký kết được các hợp đồng phân phối sản phẩm với hệ thống các cửa hàng, siêu thị, đại lý và DN chuyên cung ứng thực phẩm. Hiện đã có một số DN lên kế hoạch định hướng xuất khẩu. Đó là hiệu ứng tích cực, thuận lợi khi mở rộng mô hình.
Theo ông Hải, khi tham gia chuỗi, DN phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có hợp đồng liên kết, bao tiêu các sản phẩm an toàn. Nông dân SX theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Các chương trình liên kết trao đổi sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền cũng hỗ trợ SX, tiêu thụ.
Kết quả 100% sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng phân phối với các đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Hiện đã có một số chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng như: Cá thát lát của Cty CP Phạm Nghĩa, khô cá nước ngọt của Cty TNHH Minh Đức Thành, mắm cá tra của cơ sở Út Anh, các sản phẩm từ cá nước ngọt của HTX Nhất Tâm, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo của Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An…
Mặt khác, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về ATTP và truy xuất nguồn gốc, trong năm 2018 Chi cục đã hỗ trợ Cty CP Phạm Nghĩa và HTX Nhất Tâm ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử (QR code) đối với các sản phẩm thủy sản, đảm bảo truy xuất minh bạch thông tin toàn bộ quy trình SX sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Hải, mô hình phát triển chuỗi còn một số trở ngại như vốn đầu tư ban đầu để xây dựng, nâng cấp điều kiện, quy trình SX cho các tác nhân tham gia, giá trị pháp lý, tính bền vững của hợp đồng liên kết SX, tiêu thụ giữa nông dân và DN, nâng cao ý thức, tập quán lựa chọn sản phẩm an toàn của người tiêu dùng...
Để tháo gỡ vấn đề trên, Chi cục đã xây dựng dự thảo “Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019-2020, trên địa bàn TP Cần Thơ”.
Mục tiêu chính là triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh DN thuộc lĩnh vực NN-PTNT; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng…