| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ vượt tiến độ

Thứ Sáu 24/07/2015 , 06:10 (GMT+7)

Trong 2 năm qua TP Cần Thơ có bước tiến nhanh trong việc đầu tư cấp nước sạch cho vùng nông thôn ở các huyện ngoại thành. 

Nhiều công trình đầu tư mới vượt tiến độ và mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% hộ dân sử dụng nước sạch.

Từ nhiều năm qua hàng ngàn hộ dân ở 3 xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi huyện Vĩnh Thạnh thuộc khu vực Bắc kênh Cái Sắn luôn thiếu nước sạch sinh hoạt vào mùa khô.

Giải quyết nhu cầu bức bách này, tháng 9/2014, Sở NN-PTNT Cần Thơ khởi công dự án đầu tư nhà máy cấp nước công suất 2.600 m3, với tổng vốn đầu tư 23 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đến đầu tháng 7/2015, công trình hoàn thành. Song hành cùng dự án này còn có cụm xử lý nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế do Hàn Quốc tài trợ.

Hiện nay nhà máy đang hoàn thiện và chuyển tiếp đầu tư giai đoạn 2 lắp đặt 150 km đường ống dẫn vào các kênh nhánh, cấp nước đến từng hộ dân, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, trong đó 8 tỷ đồng do dân đóng góp ngày công lao động. Dự án hệ thống cấp nước 3 xã sẽ đảm bảo cấp nước cho 5.531 hộ dân.

Trong năm 2015, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Cần Thơ tiếp tục triển khai đầu tư thêm 5 hệ thống cấp nước mới đáp ứng nhu cầu nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân. Trong đó, tháng 3/2015 triển khai thi công xây dựng 3 hệ thống cấp nước tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền; xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ; xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh.

Tháng 4/2015, triển khai thi công xây dựng 2 hệ thống cấp nước tại xã Thạnh Mỹ huyện Vĩnh Thạnh và xã Thới Thạnh huyện Thới Lai. Dự kiến tất cả 5 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, các công trình này hoàn thành vượt tiến độ, đến tháng 7 đã có công trình xây dựng xong và dự kiến chậm nhất đến tháng 9/2015, các công trình sẽ hoàn tất.

Bên cạnh đó, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của ngân sách thành phố, Sở NN-PTNT Cần Thơ đang tiến hành lập dự án đầu tư dự án Hợp phần cung cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn với 2 hệ thống cấp nước mới tại xã Đông Hiệp và Trường Xuân B; mở rộng mạng các hệ thống đã được đầu tư, sau khi hoàn thành dự án sẽ góp phần cấp nước sạch cho hơn 2.800 hộ dân.

Theo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Cần Thơ, qua khảo sát dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn đến năm 2020 sẽ có thêm 12 công trình cấp nước sạch cho vùng nông thôn, đạt trên 90% hộ dân có nước sạch sử dụng.

TP Cần Thơ nằm kề bên dòng sông Hậu và hệ thống sông nhánh, kênh rạch cung cấp nguồn nước mặt dồi dào quanh năm. Nhưng do tập quán dân cư vùng nông thôn sinh sống dọc theo kênh rạch, phân tán sâu vào vùng nội đồng nên việc cấp nước sạch trở nên khó khăn.

Trung tâm Nước sạch & VSMTNT Cần Thơ cho biết, tuy hiện có 98,7% hộ dân nông thôn có nước sử dụng hợp vệ sinh từ nguồn nước sông hay vào mùa khô sử dụng nước giếng, nước mưa dự trữ, nhưng đến tháng 10/2014 trên toàn bộ mạng đường ống cấp nước do Trung tâm quản lý chỉ có 80.000 hộ đang sử dụng nước sạch.

Do đó nhờ nỗ lực đầu tư từ hai phía Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn và Cty Cấp nước tại các khu đô thị mở mạng vào vùng nông thôn lân cận, đến tháng 7/2015 thành phố đạt bước tiến nhanh với trên 165.800 hộ có nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế, đạt tỉ lệ 65%.

Nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho người dân vùng nông thôn tại các hệ thống cấp nước do Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn quản lý, Sở NN-PTNT Cần Thơ triển khai áp dụng các chính sách phục vụ cộng đồng như lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho hộ nghèo có sổ, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc; giảm 50% chi phí lắp đồng hồ cho hộ cận nghèo, áp dụng mức giá lắp đồng hồ từ năm 2013; không tăng giá lắp đặt cho bà con nông thôn trả chậm 3 đợt khi tham gia lắp đặt đồng hồ nước (hộ dân thuộc diện này chỉ đóng trước 100-200.000 đ/hộ là được lắp đặt đồng hồ nước, số tiền còn lại trả chậm vào 2 đợt trong 2 tháng tiếp theo).

Theo Chương trình MTQG Nước sạch & VSMTNT, để đảm bảo tất cả người dân nông thôn có nước sạch sinh hoạt hàng ngày góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân nông thôn, TP Cần Thơ áp dụng thu giá nước nông thôn là 4.000 đ/m3, thấp hơn mức giá cấp nước khu vực đô thị 800 đ/m3.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm