| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP):

Cần thống nhất chủ trương, biện pháp và kiên trì chỉ đạo thực hiện

Thứ Năm 08/09/2016 , 13:57 (GMT+7)

Chủ trương áp dụng GAP như đã phân tích ở bài trước là phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và đã được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật...

Vấn đề là chúng ta cần thống nhất chủ trương, biện pháp và kiên trì chỉ đạo thực hiện. Dưới đây tôi xin nêu một số ý kiến, đề xuất.

 

1. Không nên xây dựng một VietGAP rút gọn nhằm mục đích đảm bảo ATTP, nhưng khuyến khích áp dụng.

Theo Luật ATTP, điều kiện bảo đảm ATTP là những quy chuẩn kỹ thuật, quy định bắt buộc áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh và đối với thực phẩm.

dsc0019218263512

 

Cụ thể, cơ sở sản xuất thực phẩm phải có giấy phép đủ điều kiện, tuân thủ các tiêu chí trong quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) qúa trình sản xuất và khi lấy mẫu để chứng nhận hoặc kiểm tra nhà nước phải đạt quy định mức giới hạn về ATTP do Bộ Y tế ban hành.

Ví dụ, đối với sản phẩm rau, quả, chè thì cơ sở sản xuất, sơ chế đáp ứng quy định tại Phụ lục BB 2.17 ban hành kèm theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT sẽ được Sở Nông nghiệp- PTNT cấp Giấy phép đủ điều kiện bảo đảm ATTP.

Đối với sản phẩm QCVN 01-132:2013/BNNPTNT xác định rau, quả, chè an toàn là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với các điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế và khi phân tích mẫu điển hình (mẫu đại diện) phải đáp ứng quy định của Bộ Y tế về kim loại nặng, vi sinh vật gây hại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Việc đánh giá, chứng nhận sản phẩm an toàn theo phương thức 3: đánh giá quá trình sản xuất (quản lý từ đầu vào) và kiểm tra mẫu điển hình là phù hợp với rau, quả, chè cũng như nông sản nói chung.

Có thể cách thức trình bày khác nhau, nhưng về bản chất các quy định trong thông tư, QCKT về điều kiện bảo đảm ATTP thực chất cũng là các tiêu chí bắt buộc hoặc cần áp dụng có trong VietGAP. Nên có thể coi đó là cấp độ 1 của VietGAP hoặc VietGAP cơ bản và bắt buộc áp dụng.

Cần nhấn mạnh rằng, QCKT hay VietGAP cấp độ 1/VietGAP cơ bản mặc dù có ít tiêu chí hơn VietGAP đầy đủ (có thể gọi là VietGAP cấp độ 2), nhưng vẫn bao gồm những tiêu chí khó áp dụng nhất đối với người sản xuất, đó là ghi chép quá trình sản xuất, quản lý thuốc BVTV, xây dựng hệ thống quản lý nội bộ để sản phẩm của các thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã luôn đồng nhất, ổn định.

Vì vậy, không nên quan niệm có ít chỉ tiêu đồng nghĩa với dễ áp dụng hơn.

 

2. Cần chuyển VietGAP thành tiêu chuẩn Việt Nam, khuyến khích áp dụng, theo hướng hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Bộ ban hành VietGAP nuôi trồng thủy sản và 9 sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi (rau, quả tươi; chè búp tươi, lúa, cà phê, bò sữa, lợn, gia cầm, ong) ở dạng văn bản cá biệt, lấy tên là quy phạm hoặc quy trình, đồng thời ban hành Thông tư 48/2011/TT-BNNPTNT về chứng nhận sản phẩm VietGAP.

cchuthuongdtbichiduong182616266

 

Điều này có bất cập về mặt pháp lý. Vì vậy, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT đã đồng ý chủ trương chuyển các quy trình VietGAP khuyến khích áp dụng thành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Hiện nay, VietGAP rau, quả, chè đang được chuyển đổi thành TCVN VietGAP đối với rau, quả, chè. Tuy nhiên, theo tôi các VietGAP chuyển đổi thành TCVN không nên quá rút gọn, cần hòa nhập với GAP quốc tế và khu vực ASEAN để được chấp nhận ở thị trường quốc tế. Riêng VietGAP cá tra, theo quy định của Nghị định 36/2014/NĐ-CP thì cần chuyển thành QCKT, bắt buộc áp dụng với lộ trình phù hợp.

 

3. Không nhầm lẫn VietGAP hay QCKT là quy trình kỹ thuật

 Cùng một sản phẩm, quy trình kỹ thuật có thể được xây dựng khác nhau phụ thuộc loại cây con, giống, thời vụ, địa điểm..., tuy nhiên các biện pháp kỹ thuật áp dụng phải phù hợp với các tiêu chí, quy định có trong VietGAP hay QCKT.

 Nói cách khác VietGAP hay QCKT chỉ có một, nhưng quy trình kỹ thuật có thể có nhiều, do chính cơ sở sản xuất xây dựng phù hợp với thực tiễn và luôn đổi mới theo tiến bộ kỹ thuật.

 

4. Phát triển và quản lý thị trường sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ

Thực tiễn cho thấy, yếu tố hạn chế lớn nhất hiện nay đối với áp dụng GAP là thị trường. Người sản xuất ra sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ nhưng không được thu nhập cao hơn, họ sẽ quay lại cách làm cũ.

 Người tiêu dùng bỏ nhiều tiền hơn mua sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ nhưng sản phẩm không đúng giá trị thực của nó họ sẽ mất niềm tin, mua ít đi hoặc quay về với sản phẩm thông thường, không rõ nguồn gốc, sức mua đối với sản phẩm an toàn không tăng mà hẹp lại.

 Vòng lẩn quẩn đó cần phải được giải quyết đồng bộ, trong sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ trên cơ sở lợi ích của các bên và quyền lợi của người tiêu dùng phải được đảm bảo.

- Đối với thị trường trong nước: Cần phân biệt rõ sản phẩm chưa rõ nguồn gốc với sản phẩm an toàn và giữa sản phẩm an toàn phù hợp QCKT với sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ theo hướng minh bạch, để người tiêu dùng lựa chọn.

Trước mắt, cần bắt buộc một số đối tượng có thể quản lý được (nhà máy chế biến, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cửa hàng bán lẻ; tổ chức, cá nhân chế biến, xuất khẩu …) phải liên kết với người sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, tiến tới bắt buộc tất cả người kinh doanh phải áp dụng.

Cần tạo điều kiện để người sản xuất tự bán sản phẩm an toàn mình làm ra, không qua trung gian (ví dụ, có khu vực riêng, miễn thuế...). Trước mắt, Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ sản xuất - tiêu thu sản phẩm an toàn vì yêu cầu của đa số người tiêu dùng trong nước, tuy nhiên đời sống cao lên, nhu cầu sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ sẽ tăng dần nên cần được quản lý chặt chẽ.

- Đối với thị trường nước ngoài: Phát triển mạnh thị trường xuất khẩu, với giá ban cao hơn sẽ là động lực thúc đẩy áp dụng GAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Việc lựa chọn áp dụng VietGAP, GAP khác hay sản xuất hữu cơ phải theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, theo hợp đồng với doanh nghiệp.

1b0cc1f4182559877

 

5. Rà soát các quy định quản lý

Đối với lĩnh vực rau quả, chè cần rà soát lại QCVN 01-132:2013/BNNPTNT và Phụ lục BB 2.17 ban hành kèm theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT để không có điểm mâu thuẫn nhau; cần phân biệt điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở và điều kiện đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế; có thể giảm bớt quy định phải ghi chép về giống, phân bón vì nguy cơ không cao đối với ATTP; bổ sung trường hợp sơ chế tại chỗ; hướng dẫn rõ hơn về lấy mẫu điển hình và việc phân tích thuốc BVTV...

Nên cho phép các tổ chức chứng nhận VietGAP đã được chỉ định (sau khi thanh tra, rà soát) được chứng nhận phù hợp QCVN 01-132:2013/BNNPTNT. Hướng dẫn cơ sở sản xuất tự đánh giá hoặc thuê chứng nhận hợp quy và công bố sản phẩm an toàn với Sở Nông nghiệp- PTNT theo Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT, thực chất đó là sự cam kết của cơ sở đối với nhà nước, người tiêu dùng.

"Theo tôi cần ban hành một Thông tư hướng dẫn quản lý sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ trong sản xuất, kinh doanh (tương tự Quyết định 99/2008/QĐ-BNN, Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT đã hết hiệu lực) nhằm hệ thống, cụ thể hóa các biện pháp quản lý, trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh, tổ chức chứng nhận, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương.

Các quy định này hiện đang nằm ở nhiều văn bản pháp luật hoặc QCKT, có cái còn chưa rõ ràng hoặc chưa có quy định (đối với sản phẩm hữu cơ), gây khó khăn cho áp dụng GAP và quản lý ATTP".

 

(Phó Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.