| Hotline: 0983.970.780

Cần tôn trọng quyền lợi của dân khi DĐĐT

Thứ Sáu 14/02/2014 , 10:36 (GMT+7)

Báo NNVN nhận được "Đơn kêu cứu khẩn cấp” của ông Lê Văn Toán (thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).

Báo NNVN nhận được "Đơn kêu cứu khẩn cấp” của ông Lê Văn Toán (thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Đơn của ông có nội dung: Trong quá trình thực hiện việc “dồn điền đổi thửa” (DĐĐT), UBND xã Tân Phú đã có biểu hiện không công bằng, khiến gia đình ông bị thiệt hại rất lớn về quyền lợi.

Chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu, và được biết: Năm 1987, gia đình ông Toán được giao một thửa ao tại khu ao Bầu, thôn Phú Hạng, làm đất 5%. Năm 1993, khi UBND tỉnh Hà Tây cũ thực hiện việc giao đất canh tác lâu dài cho nông dân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, thửa ao trên trở thành một phần trong tổng diện tích đất canh tác 2.799 m2 mà gia đình ông được giao.

Năm 1999, toàn bộ diện tích đất canh tác của gia đình ông Toán được UBND huyện Quốc Oai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ). Trong sổ đỏ, cái ao đó có số thửa 297, thuộc tờ bản đồ số 1 bản đồ địa chính xã Tân Phú, ghi rõ là đất ao hồ, có diện tích 896 m2. Từ khi được cấp sổ đỏ, gia đình ông Toán đã đầu tư san lấp phần lớn cái ao trên để vừa trồng cây lâu năm (nhãn, bưởi), vừa xây dựng chuồng trại chăn nuôi.


Gia đình ông Toán đang có nguy cơ mất toàn bộ công sức cải tạo và đầu tư 
trên thửa ao này

Theo trình bày của ông Toán, cuối năm 2013, khi tiến hành DĐĐT, UBND xã Tân Phú đã mang thửa đất số 297 nói trên, đang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông chia làm 3 rồi tổ chức “bốc thăm”. Kết quả là đã có 3 hộ dân bốc trúng 3 phần của thửa đất đó, trong khi gia đình ông phải chuyển sang đất khác, mất toàn bộ công sức đầu tư san lấp cùng tài sản hiện có trên đất.

Điều không công bằng nữa là ở chỗ: Trong xã Tân Phú cũng có một số hộ cùng hoàn cảnh như ông Toán, cũng xây dựng mô hình VAC như vậy, nhưng xã vẫn để nguyên không dồn đổi, chỉ riêng thửa đất có mô hình VAC của gia đình ông là bị đem ra “bốc thăm”. Ông đã có đơn gửi UBND xã trước ngày “bốc thăm”, xin được giữ nguyên thửa đất số 297 có mô hình VAC trên. Với những thửa đất còn lại, gia đình ông sẵn sàng nhận đất xấu hơn khi DĐĐT, nhưng UBND xã không hồi âm.

Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai vào chiều ngày 12/2/2014, chúng tôi đã chuyển nội dung đơn của gia đình ông Lê Văn Toán đến lãnh đạo huyện Quốc Oai và trình bày rõ quan điểm của mình: DĐĐT là chủ trương của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao giá trị của mỗi đơn vị diện tích đất, từ đó nâng cao đời sống của mình.

Báo NNVN hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó. Nhưng DĐĐT hoàn toàn không phải là chia lại đất canh tác, và phải được thực hiện một cách công bằng, không làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của bất kỳ người dân nào. Nguyện vọng của gia đình ông Lê Văn Toán là chính đáng, cần được quan tâm xem xét một cách thỏa đáng.

Ông Nguyễn Hồng Lâm đã yêu cầu ông Hoàng Văn Minh, Phó phòng TN- MT huyện Quốc Oai tiếp nhận đơn, xem xét một cách thật khách quan, đề xuất để UBND huyện giải quyết thấu tình đạt lý. Cũng trong buổi chiều ngày 12/2/2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thự, chủ tịch UBND xã Tân Phú, về nội dung đơn của ông Lê Văn Toán. Ông Thự cho biết : Trước khi bốc thăm, chúng tôi đã đưa đơn của ông Toán ra toàn dân. Nhưng 80% nhân dân yêu cầu phải mang thửa đất đó ra bốc thăm, nên chúng tôi mới tổ chức bốc thăm.

Điều ông Thự nói khiến chúng tôi rất ngạc nhiên: Giải quyết đơn của dân là trách nhiệm của UBND xã. Đơn khiếu nại thì phải giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại. Nếu là đơn tố cáo thì phải giải quyết theo Luật Tố cáo… Và phải ra quyết định giải quyết đơn gửi cho người có đơn, để công dân có thể thực hiện những quyền tiếp theo của mình như khiếu nại tiếp lên cấp trên hay khởi kiện quyết định đó ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Không có một quy định nào cho phép UBND đưa đơn của công dân ra “toàn dân”, lợi dụng danh nghĩa “toàn dân” để rồi không ra quyết định giải quyết đơn của dân cả. Bởi “toàn dân” không phải là một pháp nhân, lại càng không phải là một cơ quan có thẩm quyền. Việc làm trên của UBND xã Tân Phú là hoàn toàn trái pháp luật.

Một điều cần nói nữa là: Tuy DĐĐT là chủ trương của Nhà nước, nhưng không có điều nào trong chủ trương đó bắt buộc mọi hộ dân nhất định phải DĐĐT, một khi họ thấy với điều kiện riêng của mình, thì để nguyên trạng sẽ canh tác có hiệu quả hơn. Rất mong lãnh đạo huyện Quốc Oai và UBND xã Tân Phú lưu ý điều đó.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.