| Hotline: 0983.970.780

Cần trả lại vị trí xứng đáng của môn Sử trong trường học

Thứ Bảy 27/07/2019 , 07:10 (GMT+7)

Môn Sử thêm một lần nữa trở thành nỗi xót xa của ngành giáo dục, khi kết quả thi THPT Quốc gia 2019 được công bố: 70% bài thi có điểm dưới trung bình.

lich-su132350214
Ảnh minh họa.

Học sinh thi môn Sử với điểm 3, điểm 4 vì họ không thích học. Các em cũng đắn đo khi chọn môn Sử vì có giỏi môn Sử cũng không thể thi đậu vào những ngành dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao như kinh tế, tài chính, y khoa, công nghệ thông tin…

Khách quan mà đánh giá, vẫn có rất nhiều giáo viên tâm huyết với môn Sử. Tuy nhiên, trào lưu nghề nghiệp và xu hướng việc làm không trợ lực cho sức hấp dẫn từ những bài giảng lịch sử. Với những giáo viên môn Sử lâu năm, thì họ dễ dàng phát hiện sự khô cứng trong nội dung sách giáo khoa khi bắt học sinh phải học thuộc lòng để đạt điểm số cao.

Giáo viên Nguyễn Văn Lực đang dạy Sử ở Khánh Hòa không ngần ngại bộc bạch về những sai lầm hiện hữu dẫn đến hệ lụy cho môn Sử: “Chúng ta vẫn giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực. Dạy môn học này theo tôi là truyền cho học sinh tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch… Và chính thầy cô dạy lịch sử chưa cùng đồng tâm tạo nên một sự thay đổi cần thiết về dạy - học - kiểm tra - thi môn lịch sử thì nên “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.

Tôi phải tự nhận lỗi rằng một phần trách nhiệm do chưa đủ tâm huyết để gây hứng thú, kéo học sinh về với quá khứ hào hùng của cha ông cho học sinh trong những giờ học lịch sử. Nhưng với 1,5 tiết/tuần thì thật khó...”.

Nếu suy tư của giáo viên dạy Sử đã được tháo gỡ thì sách giáo khoa phải viết lại môn Sử như thế nào? GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử mới) khẳng định có hai việc cần làm ngay: “Thứ nhất, hiện chúng tôi đã xây dựng và đang hoàn thiện chương trình môn Lịch sử theo hướng đây đúng là môn khoa học, giống như bất kỳ môn khoa học khác chứ không phải môn học nhồi nhét kiến thức, nặng tính tuyên truyền.

Thứ hai, chúng ta phải nói cho con em chúng ta biết học Lịch sử sẽ mang lại lợi ích gì cho cuộc sống chúng em, làm nghề gì thì cần tới hiểu biết, năng lực về lịch sử. Thực tế có rất nhiều nghề cần sự hiểu biết về lịch sử và phải coi năng lực lịch sử là năng lực bắt buộc; càng hội nhập càng cần phải hiểu biết rõ về lịch sử, về văn hóa của đất nước mình. Tôi cho rằng khi đã làm rõ được những vấn đề đó, khi đã thực hiện chương trình môn Lịch sử theo đúng hướng thì đề thi chắc chắn sẽ yêu cầu cao hơn năm nay chứ không chỉ dừng lại ở mức độ này nhưng chắc chắn học sinh lúc đó sẽ làm tốt, điểm sẽ cao chứ không thấp như bây giờ, khi chúng ta mới làm quen”.

Để có quyết sách đúng đắn cho việc dạy và học môn Sử, cần có đánh giá đúng đắn về môn Sử. Thực trạng và giải pháp cho môn Sử được Giáo sư Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) trăn trở: “Từ bao giờ, những trang sách giáo khoa cũng như giờ giảng của không ít giáo viên trở nên buồn chán, cứng nhắc đến như vậy? Quan niệm khá phổ biến là học sử chỉ cần học thuộc đã biến bao học sinh thành những “con vẹt”, mà những “con vẹt” này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết. Chỉ cần chấm một kỳ thi tuyển sinh ĐH khối C là đủ thấy chất lượng giảng dạy và học tập môn học này như thế nào”.

Vậy, trước mắt, ngành giáo dục cần làm gì? PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ kiến nghị: Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời là môn thi tốt nghiệp hàng năm. Tôi biết là sẽ có một số bộ môn khác cũng muốn như vậy, nhưng giờ đây môn Lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng, nên cần phải đổi mới môn học này một cách căn bản.

Nhà nước (trực tiếp là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Đại học Sư phạm) phải có một bộ sách hoặc một công trình Lịch sử Việt Nam đạt chuẩn quốc gia làm cơ sở tham khảo, vận dụng vào viết chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Xây dựng các trang mạng internet tổng hợp về giáo dục lịch sử. Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và ảnh hưởng sâu rộng của internet với đời sống xã hội, các ngành khoa học nên tận dụng cơ hội này để xã hội hóa việc học tập trên mạng internet sẽ mang lại hiệu quả.

Với ngành Lịch sử, chúng ta nên thiết lập mạng tổng hợp về chương trình lịch sử Việt Nam và mạng chuyên về lịch sử thế giới, hoặc đơn giản hơn, có thể xây dựng sớm mạng về “Dạy và học Lịch sử”. Đồng thời, nâng cao đãi ngộ giảng viên, giáo viên, cải thiện điều kiện công tác, học tập và đời sống giáo viên môn Lịch sử trong điều kiện thu nhập kém đội ngũ giáo viên một số môn khác”.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất