| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng khi xếp nông nghiệp vào nhóm... mềm

Thứ Sáu 25/05/2018 , 13:45 (GMT+7)

Đánh giá tổng quan trên phạm vi cả nước thì nông nghiệp không nên, và không thể là “Sở mềm”. Ông Ngô Xuân Hải, GĐ Sở NN- PTNT Thái Nguyên đã đưa ra nhiều sở cứ để khẳng định điều này.

 

06-56-33_2
Ông Ngô Xuân Hải

Theo dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, TP của Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dư luận thì Sở NN- PTNT được xếp vào nhóm 6 “Sở mềm”. Quan điểm của ông thế nào?

Tư tưởng “Dĩ nông vi bản” của ông cha ta hình thành trên thực tiễn từ ngàn đời nay. Hiện tại, quản lý Nhà nước về nông nghiệp đã tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ chung cho tất cả các lĩnh vực xã hội, cho cả nền kinh tế.

Phạm vi ảnh hưởng, tác động của nông nghiệp hiện nay là rất lớn. Ngay tại Thái Nguyên, có tới 70% dân số hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ 30% dân số hoạt động trong các lĩnh vực khác. Mặc dù cán cân về cơ cấu, tỷ trọng của nông nghiệp đóng góp vào kinh tế của tỉnh không lớn, song phạm vi tác động lại rất rộng.

Trong các giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội, cứ khi nào công nghiệp, dịch vụ, thương mại... sụt giảm thì nông nghiệp lại trở thành cứu cánh, đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngược lại, năm nào mùa màng thất bát, nông nghiệp suy thoái thì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến rất phức tạp.

Như vậy, xét về tính vĩ mô của nền kinh tế thì phải chọn thế mạnh, mũi nhọn để đầu tư. Song xét về vấn đề an sinh xã hội thì với 2/3 dân số là cư dân nông nghiệp thì ngành này có trọng trách đặc biệt, cần phải có một tổ chức riêng để thực hiện nhiệm vụ, chức năng đặc biệt của nó.

“Sở mềm”, mà cụ thể là Sở NN- PTNT tùy theo điều kiện mỗi địa phương có thể giữ lại hay sáp nhập vào Sở Công thương, với tên gọi mới là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại. Ông có ý kiến gì về cuộc "hôn nhân" dự kiến này?

Xin nhắc lại, là quan điểm của tôi phải được đặt trên bình diện rộng. Ở một vài địa phương đặc biệt, khi mà công nghiệp, đô thị chiếm toàn bộ tỷ trọng nền kinh tế thì rõ ràng vai trò quản lý Nhà nước với nông nghiệp là không còn cần thiết nữa.

Tuy nhiên, ở những tỉnh, TP còn lại nếu duy ý chí cứ cố sáp nhập có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí là vỡ mộng. Sở NN- PTNT hiện nay đã từng được nhập từ 5 Sở, gồm các Sở Nông nghiệp, Lương thực, Thủy lợi, Lâm nghiệp và Thủy sản. Một Sở quản lý rất nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau, song các ngành đều có tính chất, chức năng tương đồng, gắn kết.

Nếu thay đổi, sáp nhập với Công thương thì cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý sẽ được thực hiện như thế nào đây? Rất có thể, người quản lý, điều hành về sản xuất nông nghiệp, lại không có chuyên môn nông nghiệp. Sáp nhập cơ học tức là lấy nguyên bộ máy cũ rồi ghép vào lĩnh vực khác, đổi thành cái tên khác thì chỉ là bình mới, rượu cũ mà thôi.

Việc vừa qua sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn hệ thống Sở NN- PTNT theo Thông tư liên tịch 14, 15 giữa hai Bộ NN- PTNT và Bộ Nội vụ, ông thấy có thuận lợi, khó khăn gì?

Việc kiện toàn hệ thống bộ máy ngành nông nghiệp theo Thông tư liên tịch được thực hiện trên nguyên tắc, là giảm các phòng chức năng của Sở, chuyển chức năng của phòng tham mưu xuống các chi cục. Theo đó, Sở đã giảm từ 8 xuống còn 5 phòng, sáp nhập Chi cục Quản lý lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm. Về cơ bản, nguyên tắc trên là phù hợp với mục tiêu tinh gọn.

Tuy nhiên, khi thiếu đi một mắt xích trong cơ cấu tổ chức bộ máy thì đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp cán bộ, tránh việc bị coi là bổ nhiệm thừa vị trí cấp phó. Nếu “Sở mềm” phải thay đổi hay sáp nhập cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể về nội dung trên.

Trên thực tế, tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sắp tới Sở NN- PTNT Thái Nguyên sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy.

Theo đó, Trung tâm Giống vật nuôi, Trung tâm Giống cây trồng và Trung tâm Thủy sản sẽ được sáp nhập vào một đầu mối, có tên gọi là Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi. Tương tự, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống, vật tư hàng hóa nông lâm nghiệp được sáp nhập với Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản và thủy sản; Ban Quản lý Dự án chè sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông; Quỹ Phòng chống thiên tai sáp nhập với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng.  Đối với các đơn vị cấp huyện thì Trạm Chăn nuôi- Thú y, Trạm Trồng trọt- BVTV sẽ sáp nhập với Trạm Khuyến nông để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông lâm nghiệp trực thuộc huyện.

Như vậy có thể thấy, ở cấp tỉnh từ 9 đơn vị đã giảm xuống còn 4, ở cấp huyện từ 3 xuống còn 1. Việc thực hiện như vậy là cần thiết và rõ ràng khi cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn thì việc nâng cao năng lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu công việc là tất yếu đặt ra.

Lúc này, câu hỏi đặt ra là việc thay đổi, sáp nhập nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động, vậy thì có cần thiết phải thay đổi một chỉnh thể thống nhất mà nó đang phát huy tốt vai trò, chức năng nữa hay không?

Xin cảm ơn ông!

"Như tôi được biết, ở một số nước công nghiệp phát triển, họ vẫn duy trì các đầu mối nông nghiệp tương đương như Sở NN- PTNT của nước ta. Nước Đức vẫn duy trì cơ quan quản lý lâm nghiệp các tỉnh. Chúng ta cần nghiên cứu mô hình ở những nước phát triển, để soi rọi vào quá trình sắp xếp của ta. Mặt khác, phải tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương. Quyết định đúng đắn thì mới nâng cao hiệu quả theo hướng tích cực, chứ không phải đơn thuần chỉ là thay đổi tên gọi", ông Ngô Xuân Hải.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất