| Hotline: 0983.970.780

Cần tuân thủ khuyến cáo trong phòng ngừa rầy nâu, đạo ôn hại lúa

Thứ Tư 08/07/2009 , 10:11 (GMT+7)

Hơn một tuần qua, nhiều nông dân ở Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (Cần Thơ) ra thăm đồng phát hoảng khi phát hiện lúa bệnh cháy lá (đạo ôn) ngày càng nhiều.

Hơn một tuần qua, nhiều nông dân ở Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (Cần Thơ) ra thăm đồng phát hoảng khi phát hiện lúa bệnh cháy lá (đạo ôn) ngày càng nhiều. Trong khi đó dịch rầy nâu (RN) đang bộc phát mạnh ở Hậu Giang, Sóc Trăng và một số tỉnh ĐBSCL.

KS Nguyễn Thị Mỹ Sơn, Chi cục phó chi cục BVTV Cần Thơ cho biết, tuần qua khảo sát trên đồng có 1.444ha lúa hè thu (HT) và 5.531 ha lúa vụ 3 nhiễm RN và các bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá…tập trung vùng dịch nhiễm bệnh cao nhất ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai. Tuy nhiên, mật số RN chỉ phổ biến 1.000-2.000 con/m2 và 4.000 con/m2 trên những vùng ruộng sạ dầy. Tại Thốt Nốt, bệnh đạo ôn lại xuất hiện sớm trên 377ha thuộc trà lúa đẻ nhánh tới làm đòng, chủ yếu các giống Jasmine 85, OM 1490 và do bón thừa phân đạm, với tỉ lệnh bệnh từ 5-20% và cao hơn 30%. Bên cạnh đó, tại huyện Vĩnh Thạnh còn có 965ha lúa nhiễm bệnh cháy bìa lá, tăng 546ha so tuần trước, trong đó có 98 ha nhiễm bệnh nặng với tỉ lệ nhiễm hơn 40%.

Chi cục  BVTV Sóc Trăng cho biết toàn tỉnh đã có 12.000ha bị RN tấn công chủ yếu trên lúa HT giai đoạn làm đòng tới trỗ. Mật số rầy cao và rải đều các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị. Trong đó một vài nơi nhiễm rầy cao mật số 10.000 con/m2. Tại Hậu Giang RN xuất hiện với mật độ lớn trên lúa HT đang giai đoạn chín sắp thu hoạch. Chi cục BVTV Hậu Giang khuyến cáo trong vòng 7-10 ngày sắp tới sẽ xuất hiện một đợt rầy di trú mới và lo ngại nhất là trà lúa thu đông đã xuống giống từ ngày 1 đến 10/7. Do đó bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, ruộng luôn giữ nước.

+ Chi cục BVTV Cần Thơ: “Cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp RN. Đối với trà lúa trên 20 ngày sau sạ không cần phun thuốc trừ RN di trú, chỉ phun thuốc khi mật độ rầy cám tuổi 2-3 cao trên 3 con/chồi, mật số thiên địch thấp, giai đoạn lúa từ đẻ nhánh rộ đến cuối giai đoạn đòng khoảng 40-45 ngày sau sạ. Với trà lúa trỗ-chín-thu hoạch hạn chế không cần phun thuốc trừ rầy di trú; không phun các loại thuốc trừ sâu nhóm Acvetaminprid.”

+ Nếu bệnh đạo ôn chớm xuất hiện trên trà lúa vụ 3 giai đoạn đẻ nhánh, nông dân cần ngưng bón phân đạm (cân đối lượng phân đạm) trên ruộng lúa nhiễm bệnh. Khi phát hiện lúa nhiễm bệnh trên 10% cần phun một trong các loại thuốc đặc trị như Beam, Flash, Fuan, Filia…

Trung tâm BVTV phía Nam cũng cho hay, ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, hiện có 78.000ha lúa nhiễn RN. Mật số phổ biến hơn 5.000con/m2. So với năm ngoái, tuy diện tích lúa bị dịch RN không nhiều nhưng mức độ một vài nơi nhiễm nặng hơn. Bên cạnh đó còn có tới 70.000ha lúa trong vùng bị nhiễm bệnh đạo ôn, tăng 30.000-40.000ha so vụ HT năm ngoái.

Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV Phía Nam cho biết: Trên trà lúa đang chín tới,  thấy mật số RN cao, bà con nông dân sợ giảm năng suất nên chạy lo mua thuốc phun xịt. Chúng tôi cho rằng không nên sợ và không cần phun thuốc, bởi lúa trổ không phun được dưới gốc. Phun thuốc chẳng những tốn thêm chi phí, công sức mà không thể quản lý BVTV trên đồng ruộng sau này. Đối với bệnh đạo ôn, theo dõi trên một số giống lúa OM 2514, OM 2517, OM 2518, OM 5930…chúng tôi nhận thấy nhiễm bệnh đạo ôn từ trung bình tới tất nặng. Song, nhìn chung chưa thể ảnh hưởng nhiều tới năng suất. Nhưng hiện nông dân vẫn mua thuốc trị đạo ôn rất nhiều. Chúng tôi đề nghị bà con nông dân không nên hoang mang,  phun thuốc trừ sâu rầy tràn lan mà nên tuân thủ khuyến cáo cách phòng trị của Chi cục BVTV tại các địa phương.

Xem thêm
Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất