| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 05/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 05/08/2015

Cần xử lý hình sự

Đã 13 năm qua rồi mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn không giảm, mà trái lại còn diễn biến phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn và ở diện rộng hơn./ Lại rộ chuyện chất cấm trong chăn nuôi

Việc tỉnh Đồng Nai vừa kiểm tra 48 trang trại chăn nuôi, và phát hiện 14/48 trang trại, trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành, có sử dụng chất cấm, dùng tạo nạc cho heo trong thức ăn chăn nuôi, đã làm “nóng” dư luận.

Đây là một vấn đề không bình thường. Bởi trước đó, vào năm 2012, báo chí liên tục phản ánh việc dùng chất cấm tạo nạc cho heo, nhưng mới ở mức các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhưng nay việc đó đã phát triển vào các trang trại, với một tỷ lệ rất lớn. Mới chỉ kiểm tra 48 trang trại mà đã phát hiện ra 14 trang trại vi phạm rồi.

Nếu kiểm tra toàn bộ 2.500 trang trại nuôi heo trên toàn tỉnh, nơi được coi là “vựa heo” lớn nhất miền Nam này, thì số trang trại vi phạm sẽ là bao nhiêu?

Kết quả phân tích cho thấy, những trang trại nuôi heo vi phạm đó hầu hết đều dùng chất Salbutamol, là một chất được ngành y dùng để trị hen suyễn cho người (nhưng với một lượng cực nhỏ và có kiểm soát), để trộn vào thức ăn cho heo, nhằm tạo nạc.

Theo PGS.TS Lã Văn Kính, Giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam bộ, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thì để dùng Salbutamol tạo nạc cho heo, phải dùng với số lượng lớn, sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu ăn phải thịt heo có tồn dư chất này, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.

Còn theo BS Trần Bá Thoại, thì ngộ độc thức ăn có chứa chất trên rất nguy hiểm đối với những bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành.

Salbutamol tích lũy nhiều trong nội tạng động vật, đặc biệt là gan và không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Cũng theo PGS.TS Lã Văn Kính, thì tác hại của chất tạo nạc trong chăn nuôi đã được thế giới nghiên cứu từ rất lâu. Ở Việt Nam, các chất tạo nạc gốc Beta-agonist như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol đã bị cấm từ năm 2002.

Thế nhưng đã 13 năm qua rồi mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn không giảm, mà trái lại còn diễn biến phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn và ở diện rộng hơn.

Những chủ trang trại nuôi heo kia, vì một món lợi nhỏ (theo họ thì những con heo nhiều nạc hơn do sử dụng chất cấm được thương lái trả cao hơn từ 1 đến 2 ngàn đồng/kg), đã bất chấp tất cả, sẵn sàng đầu độc cộng đồng. Hành vi đó là không thể chấp nhận được.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thì mức xử phạt 15 triệu đồng cho mỗi trang trại có sử dụng chất cấm của tỉnh Đồng Nai là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nên cứ tái diễn đi tái diễn lại. Tất cả những người chăn nuôi chân chính đều muốn cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa với những hành vi chăn nuôi thiếu đạo đức này.

“Sự việc hiện nay không thể nói là những người vi phạm không biết, mà đây là biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vấn đề này liên quan đến ý thức của người chăn nuôi”, lời ông Nguyễn Trí Công. Còn theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, thì cần phải tính đến việc xử lý hình sự đối với các chủ trang trại chăn nuôi sử dụng chất cấm về hành vi cố ý đầu độc cộng đồng. Có vậy mới đủ sức răn đe và bảo vệ những người chăn nuôi chân chính.

Thiết nghĩ, đề xuất trên là có lý.