| Hotline: 0983.970.780

Càng chống, càng lan rộng

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:09 (GMT+7)

Ngoài Bắc Ninh, dịch tai xanh đang càn quét dữ dội tại Quảng Ninh, đặc biệt là tại huyện Đông Triều. Trong khi đó, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương này đang được đánh giá là kém hiệu quả.

Ngoài Bắc Ninh, dịch tai xanh đang càn quét dữ dội tại Quảng Ninh, đặc biệt là tại huyện Đông Triều. Trong khi đó, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương này đang được đánh giá là kém hiệu quả.

>> Có tiền, không có vacxin

Sau một tháng kể từ khi dịch tai xanh bùng phát tại huyện Đông Triều vào ngày 3/5/2012 đến nay, dịch đã mau chóng lan rộng ra toàn bộ 21/21 xã của huyện này với gần 7.500 con lợn mắc bệnh, trong đó số lợn chết và buộc phải tiêu hủy hơn 2.200 con, thiệt hại ước tính hiện đã lên đến 8 tỉ đồng.

Trước diễn biến dịch ngày càng tồi tệ tại huyện Đông Triều, cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã chủ trì đoàn công tác xuống kiểm tra và chỉ đạo công tác chống dịch. Tại đây, trong khi cả lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh lẫn huyện Đông Triều đánh giá công tác phòng chống dịch là “tích cực và hiệu quả”, thì sau cuộc kiểm tra đột xuất về việc chống dịch tại một số ổ dịch tại huyện này, lại phơi bày những điều đáng buồn.


Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kiểm tra ổ dịch tại huyện Đông Triều (Quảng Ninh)

Tại xã Hồng Phong (huyện Đông Triều), đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đột xuất kiểm tra trại chăn nuôi lợn của anh Hoàng Đức Mẫn (xóm Trại). Khi thấy đoàn công tác vào tận trang trại, một số cán bộ xã Hồng Phong và cán bộ thú y huyện Đông Triều mới vội vàng sai nhân công ở trang trại này lễ mễ khiêng vôi bột (đã dính nước mưa nhão nhoét) rải xung quanh trang trại. Ở phía trong, khu chuồng nuôi gần 50 con lợn thịt vô cùng bẩn thỉu, phân và nước thải lâu ngày không được quét dọn dềnh lên hết sức hôi thối. Phía bên cạnh, một con lợn choai vừa chết vì dịch tai xanh vào buổi sáng cùng ngày nằm quay đơ, tím tái.

Chị Vũ Thị Bé, người trực tiếp phụ trách trang trại này cho biết, từ đầu tháng 5/2012, trang trại đã bắt đầu có dịch, làm 3 con lợn bị chết. Vì không biết thông tin gì về chính sách hỗ trợ tiêu hủy nên gia đình đã đem đi chôn. Đến ngày 30/5, trang trại lại có thêm 3 con lợn nữa bị chết vì dịch.

Hỏi về việc khử trùng tiêu độc chuồng trại của lực lượng thú y xã, bà Bé cho biết: “Từ hôm bị dịch tới nay chưa thấy cán bộ thú y nào đến phun thuốc khử trùng gì cả nên gia đình tôi chỉ ra hiệu thuốc thú y mua loại thuốc “Clo khử trùng” gì đó để phun mà thôi. Còn vôi bột thì gia đình mới chỉ rắc có một lần, nhưng bị mưa trôi hết”.

Trái ngược với lời của những hộ chăn nuôi ở ổ dịch tại xã Hồng Phong, báo cáo công tác phòng chống dịch của UBND huyện Đông Triều cho biết, thời gian qua, huyện này đã tiếp nhận gần 2.700 lít hóa chất, phun khử trùng tiêu độc cho hơn 2,6 triệu m2 tại các ổ dịch, khu chuồng trại chăn nuôi ở tất cả 21/21 xã trong huyện?

Trở lên một ổ dịch khác tại xã Bình Dương (huyện Đông Triều), tuy đầu con đường vào UBND xã này đã dựng lên một chốt kiểm dịch khá bài bản, thế nhưng theo quan sát của PV, xe cộ ra vào chẳng thấy phun thuốc khử trùng gì. Chỉ khi thấy xe “biển xanh” của đoàn kiểm tra từ vùng dịch đi ra, thì mới thấy lực lượng thú y tại đây vội vã vác bình phun ra phun khử trùng cho “xe cán bộ” hết sức kỹ càng. Điều khó hiểu là trước đó vài chục phút, khi đoàn kiểm tra từ phía QL18 đi vào trung tâm xã, lại chẳng thấy ai phun khử trùng.


Chỉ có “xe cán bộ” qua chốt kiểm dịch mới được phun khử trùng

Cũng tại xã Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hệ, một chủ hộ chăn nuôi có 60 con lợn thịt đã bị chết vì dịch từ đầu tháng 5/2012 cho biết, đã được thú y xã hướng dẫn việc tiêu hủy lợn rất kỹ càng. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được quan sát khu hố tiêu hủy, thì ông này dẫn ra dải đất bờ ao ngay sát nách trại lợn và cho biết 60 con lợn chết vì dịch được chôn tại đây, trên hố chôn chẳng thấy một chút vôi bột nào như quy định tiêu hủy. Ông Phạm Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Thú y ái ngại, hố chôn tiêu hủy lợn bệnh lại sát ngay ao nước dùng để vệ sinh chuồng trại, như vậy chẳng khác gì nơi lưu trữ quay vòng mầm bệnh.

Trái ngược với những gì mục sở thị tại các ổ dịch, cả lãnh đạo UBND huyện Đông Triều lẫn ông Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh khi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã khẳng định, Đông Triều là địa phương triển khai công tác phòng chống dịch tốt nhất, sâu sát nhất hiện nay ở Quảng Ninh. Từ việc thành lập BCĐ chống dịch, thành lập các chốt kiểm dịch, tổ chức tiêm phòng 40 nghìn liều vacxin “tai xanh” do TƯ cấp… tỉnh đều làm rất tốt. Cũng như câu chuyện chung về khó khăn của công tác chống dịch, huyện Đông Triều lại đề nghị được TƯ hỗ trợ thêm 20 nghìn liều vacxin tai xanh nữa để tiêm phòng chống dịch.

Nhận xét về việc chống dịch ở huyện Đông Triều, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá, mặc dù lượng vacxin của TƯ hỗ trợ lớn, nhưng vấn đề là vacxin đó đã được triển khai thế nào. Theo ông Tần, có thể chỉ có khoảng 30% lượng vacxin đó được tiêm vào đàn lợn mà thôi. Ông Tần dẫn chứng: “Tôi có hỏi một cán bộ thú y xã ở đây, họ nói bận đi đóng dấu kiểm dịch thịt lợn ngoài chợ, còn vacxin TƯ phát về xã họ chỉ phát cho các hộ dân tự tiêm, ai thích thì tiêm, không thích thì thôi, tiêm thế nào cũng không ai biết. Tổ chức tiêm phòng như thế tôi khẳng định lượng vacxin TƯ hỗ trợ vào được tới con lợn chưa đến 30% mà thôi”.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y lo ngại: “Cán bộ của Trung tâm Thú y Vùng II giám sát dịch ở đây cho biết, có tình trạng lợn đực phối giống của trang trại này có dịch, nhưng vẫn được chủ đưa đi phối giống cho trang trại khác. Xin nói rõ, tinh dịch của lợn đực có thể mang virus tới 92 ngày, nên điều này là quá nguy hiểm”. Cũng theo ông Đông, vacxin dịch tả lợn TƯ hiện nay theo chỉ đạo là phải tiêm đạt 80%, thế nhưng tại Đông Triều, có xã chỉ đạt 30%. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi dịch tai xanh kết hợp với dịch tả lợn xẩy ra cùng lúc.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:

“Tôi đánh giá việc chỉ đạo chống dịch ở Đông Triều là chỉ mang tính giấy tờ, kém hiệu quả. Vacxin TƯ hỗ trợ đổ ra rất nhiều, nhưng triển khai tiêm phòng không tốt. Bởi nếu tiêm tốt đã bao vây được dịch, chứ không thể để dịch lây lan khắp 21 huyện chỉ trong 1 tháng.

Về vacxin dịch tả lợn của TƯ cấp về, tỉ lệ tiêm thấp như thế thì một là không triển khai tiêm, hai là triển khai không tới nơi tới chốn mà thôi!

Tôi đề nghị sắp tới, việc tiêm phòng tiếp vacxin tai xanh, tỉnh Quảng Ninh phải giao trực tiếp cho lực lượng thú y triển khai tiêm, chứ không thể phát bừa cho dân tiêm thế nào thì tiêm. Một liều vacxin tai xanh giá tới 30 nghìn đồng, chứ có ít ỏi đâu”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm