| Hotline: 0983.970.780

Căng thẳng với Iran gia tăng, Mỹ điều thêm quân đến Trung Đông

Chủ Nhật 21/07/2019 , 07:20 (GMT+7)

Lầu Năm Góc cho biết vừa đưa thêm nhân viên quân sự của mình đến Ả Rập Saudi để đối phó với các mối đe dọa mới nổi, ám chỉ căng thẳng với Iran.

Trong tuyên bố ngày 19/7 vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết việc triển khai quân đến Ả Rập Saudi sẽ cung cấp ‘biện pháp ngăn chặn bổ sung’ cho các ‘mối đe dọa mới nổi’ trong khu vực. Trước đó, Bộ Quốc phòng của Ả Rập Saudi đã lên tiếng xác nhận sẽ tiếp đón các binh sỹ Mỹ đến làm nhiệm vụ tăng cường an ninh và ổn định cho khu vực.

Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi cho biết: “Dựa trên hợp tác song phương giữa Mỹ với Ả Rập Saudi và mong muốn tăng cường an ninh, ổn định của khu vực, Quốc vương Salman đã chấp thuận sự có mặt của các binh sỹ Mỹ”.

Các binh sỹ Mỹ tại Trung Đông.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Aljazeera, số lượng nhân viên quân sự được Washington triển khai tới Ả Rập Saudi lần này vào khoảng 500 người. Đây được cho là động thái nằm trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông mà Lầu Năm Góc tuyên bố trong tháng 6 vừa qua.

Ngoài các binh sỹ, quân đội Mỹ cho biết sẽ sử dụng thêm các máy bay tuần thám ở khu vực eo biển Hormuz. Cùng với đó, Washington tuyên bố đang phát triển nỗ lực hàng hải đa quốc gia để đảm bảo an ninh trên các tuyến đường biển chính ở khu vực Trung Đông.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố sẽ triển khai 1.000 binh sỹ tới Trung Đông với lý do phòng thủ và đối phó với mối lo ngại đến từ Iran. Tuy nhiên, Lầu năm góc không nói rõ quá trình triển khai quân sẽ diễn ra vào thời gian nào.

Trước đó, sau các cuộc tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu xảy ra ngày 12/5, Washington gửi thêm 900 binh sỹ bao gồm cả công binh và phi đội máy bay chiến đấu đến Trung Đông để tăng cường hệ thống phòng thủ của Mỹ ở khu vực này. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đưa thêm chiến hạm và các biên đội tên lửa Patriot đến khu vực để đối phó với mối đe dọa từ Iran.
 

Căng thẳng gia tăng

Căng thẳng ở khu vực vùng vịnh đang tăng lên đáng kể sau khi lực lượng Vệ binh cách mạng Iran – IRGC tuyên bố bắt giữ một tàu chở dầu của Anh ở eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế vào ngày 19/7 vừa qua.

Theo xác nhận của phía chủ sở hữu, tàu chở dầu của công ty Thụy Điển Stena Impero đang cắm cờ Anh bị bắt với 23 thành viên thủy thủ đoàn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh cáo buộc Iran bắt giữ chiếc tàu chở dầu thứ 2 có tên Mesdar ở eo biển Hormuz, tàu này cắm cờ Liberia.

Tàu chở dầu bốc cháy trên eo biển Hormuz vào tháng 5 vừa qua và Mỹ cho rằng Iran đứng sau các vụ tấn công này.

Tuy nhiên, phía Iran cho rằng tàu Mesdar chỉ bị giữ lại trong một khoảng thời gian ngắn và cảnh báo phải tuân thủ các quy định về gìn giữ môi trường trước khi được thả tự do, tiếp tục hành trình.

Những vụ bắt giữ tàu chở dầu này được cho là hệ quả sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trump ngày 18/7 cho rằng chiến hạm Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái của Iran trên eo biển Hormuz. Tuy nhiên, phía Tehran phủ nhận thông tin này.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran bắt đầu trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Washington và Tehran được ký vào năm 2015. Sau đó, ông Trump còn đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt với nước cộng hòa Hồi giáo này, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tháng 6 vừa qua, Iran bắn hạ một báy bay do thám không người lái của Mỹ sau khi cho rằng thiết bị này vi phạm không phận của họ. Trong khi đó, Washington khẳng định máy bay của họ bị bắn rơi khi đang di chuyển trong không phận quốc tế.

Aljazeera

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.