| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo khoa học gây tranh cãi

Thứ Hai 04/11/2019 , 10:08 (GMT+7)

Đó là nghiên cứu của tổ chức Climate Central tại New Jersey (Mỹ) dự báo về kịch bản mới nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào năm 2050, nhấn chìm nhiều vùng dân cư, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học vừa công bố trên tạp chí chuyên ngành Nature Communications cuối tháng 10/2019,  sau đó đã được tờ New York Times đăng tải và ngay lập tức nó được chuyển ngữ ra tiếng Việt và thu hút sự quan tâm rất lớn từ độc giả. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng gây ra các phản ứng trái chiều giữa các nhà khoa học trong nước.  

Bản đồ so sánh dự báo ngập nước tại miền Nam Việt Nam theo cách tính cũ và cách tính mới

Theo đó, báo cáo khẳng định, 6 quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan có khoảng 237 triệu người đang sinh sống ở vùng duyên hải dễ bị tổn thương. Các nhà khoa học cảnh báo, ngay cả khi kịch bản khí thải nhà kính được cắt giảm ở mức vừa phải thì vẫn sẽ có 31 triệu người thay vì 9 triệu phải sinh sống ở những vùng bị ngập lụt vào năm 2050.

Nhà khoa học Benjamin H. Strauss chỉ ra rằng, các quốc gia sẽ phải cần đầu tư một khoản tiền rất lớn vào việc bảo vệ các thành phố nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp phòng thủ. Và nếu không có các công trình bảo vệ chống ngập thì nhiều khu vực dân cư có thể bị ngập lụt ít nhất mỗi năm một lần vào năm 2050, cao gấp 4 lần so với nghiên cứu trước đó là khoảng 80 triệu người.

Cảnh báo “Nước biển sẽ xóa sổ nhiều thành phố vào năm 2050, trong đó có phần lớn diện tích TP.HCM và ĐBSCL của Việt Nam” ngay sau đó đã được các nhà khoa học trong nước lên tiếng, lý giải. PGS- TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho rằng, đây là dự báo quá cực đoan, và có một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Bà Hương cho biết: Thứ nhất là, nghiên cứu đã lấy số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh và áp dụng kết quả cho tất cả địa hình trên toàn cầu. Trong khi đó, sai số sẽ xảy ra ở những khu vực khác nhau về tự nhiên của từng khu vực. Đây là điểm bất hợp lý lớn nhất trong nghiên cứu, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với các vùng khác.

Thứ hai, dự báo dựa trên việc xây dựng kịch bản nước biển dâng 2 m- không được Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) phê duyệt và khuyến cáo sử dụng. Bởi lẽ nước biển dâng 2 m trong vòng 80 năm nữa là điều khó xảy ra. Và điểm thứ 3 mà bà Hương cho rằng vô lý, đó là nghiên cứu sử dụng thêm giả định về kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần kết hợp với việc nước biển dâng 2 m.

Vụ sạt lở mới đây bên bờ kinh Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ

Trong khi đó, nhận định về kết quả này, PGS- TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) lại khẳng định, kết quả nghiên cứu của Climate Central là đáng tin cậy và Việt Nam cần khẩn trương hơn trong các biện pháp giảm lún và chống ngập để cứu nguy cho toàn ĐBSCL.

Theo ông Tuấn, về cách đo cao độ bằng vệ tinh của hai nhà khoa học Scott A. Kulp và Benjamin H. Strauss (Climate Central) là phương pháp mới là trí tuệ nhân tạo, áp dụng dùng vệ tinh đo nhiều góc khác nhau giúp hiệu chỉnh các sai số của phương pháp cũ.

Về nguyên nhân gây sụt lún tại ĐBSCL, theo ông Tuấn là do mật độ xây dựng ngày càng nhiều, đặc biệt ở các TP lớn cùng với tình trạng khai thác cát và nước ngầm tràn lan. Thêm vào đó là nguồn phù sa trên biển bị giữ lại ở các đập thủy điện phía thượng nguồn đã làm cho các vùng đồng bằng bị sụt lún ngày một tăng.

“Hiện mỗi năm vùng ĐBSCL mất đi khoảng 500-550 ha diện tích do sạt lở đất và sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia bởi đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cây ăn trái lớn nhất Việt Nam.

Khi đồng bằng lún thì nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, thu hẹp diện tích trồng lúa và cây ăn trái, nguồn nuôi cá nước ngọt cũng sẽ bị thay thế bằng nguồn nuôi cá nước mặn. Trong khi đó, các biện pháp đối phó sẽ vô cùng tốn kém”, ông Tuấn nhận định.

 

(NYT, TH)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.