| Hotline: 0983.970.780

Cánh chim rừng vĩnh viễn bay về tổ ấm

Thứ Sáu 01/12/2017 , 15:20 (GMT+7)

Cuối chiều 29/11, tôi nhận được tin nhắn điện thoại từ một cô gái làm ở Phòng Văn hóa huyện Kông Chro (Gia Lai): "Cô Ben mất lúc 16h nha chú!". Tôi lặng người, cảm thấy như mình đã đánh mất thứ gì đó vô cùng quý giá.

'Chim rừng' hát giữa thủ đô

Cô Ben mà cô gái nọ nhắn tin, đó là cô H'Ben - người vợ thứ ba của Anh hùng Núp. H'Ben người dân tộc BarNah, quê ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai). Từ nhỏ, cô không chỉ nổi tiếng về nhan sắc hiếm gặp, mà còn có giọng hát thánh thót như chim rừng, ngọt ngào như nước suối ban mai giữa đại ngàn Tây Nguyên...

14-10-48_nh_tc_gi_chup_cung_co_hben_9-_2017
Tác giả cùng cô H'Ben trong lần gặp gần đây nhất (cuối tháng 9/2017)

Năm 1955, H'Ben tập kết ra Bắc, rồi vào học ở Nhạc viện Hà Nội. Vừa học, vừa biểu diễn. Giọng hát và sắc đẹp của H'Ben đã làm xiêu lòng Anh hùng Núp (người dân tộc BarNah ở làng S'tơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) - lúc ấy cũng đang học tập và làm việc ở Hà Nội. Năm 1959, dưới sự tác động của "ông mối"- Đại tướng Văn Tiến Dũng, Núp và H'Ben nên vợ chồng.

Một năm làm vợ Núp, H'Ben đã sinh cho vị Anh hùng này một người con trai tên Đinh Trung Kiên. Cũng sau một năm làm vợ Núp, H'Ben đã phải chia tay chồng khi nhận được tin từ Tây Nguyên: Chrơ - vợ Núp ở Tây Nguyên vẫn còn sống, đang mòn mỏi đợi chờ ông.

Cũng cần kể thêm rằng: Khi còn ở làng, Núp đã có một đời vợ là bà H'Liêu. Năm 1954, H'Liêu mất, Núp làm lễ "nối dây" (theo luật tục Tây Nguyên) với em gái của H'Liêu là Chrơ - khi ấy mới 12 tuổi. Sau cái lễ "nối dây" ấy, Núp tập kết ra Bắc, lao vào học tập và công tác nên hình bóng người vợ "nối dây" vẫn chưa thật in đậm trong tim ông. Đến khi nghe được tiếng hát của "Chim Rừng" H'Ben, chiêm ngưỡng sắc đẹp của cô gái BarNah giữa Thủ đô, vị anh hùng này đã thực sự bị chinh phục.

Chia tay với Núp, H'Ben một mình nuôi Đinh Trung Kiên - vốn bị dị tật bẩm sinh. Vừa học tập, vừa biểu diễn. Thời chiến tranh, tên tuổi H'Ben đã sánh cùng Nhật Lai, Kim Nhớ, Tường Vy... Nhạc sỹ Tô Ngọc Thanh nhận xét: Giọng ca của H'Ben như một sứ giả của văn hóa Tây Nguyên!

Năm 1967, H'Ben cùng những tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ, lưu diễn suốt 8 tháng ở 12 nước xã hội chủ nghĩa. Có những buổi biểu diễn, khán giả quốc tế yêu cầu H'Ben hát lại nhiều lần. "Tuy mệt, nhưng hạnh phúc dâng trào!", có lần cô nói với tôi như vậy.
 

Mối tình đẹp nhất Tây Nguyên

Mỗi lần có dịp công tác về huyện Kông Chro, tôi lại tranh thủ ghé thăm nhà cô H'Ben. Ngôi nhà sàn đặc thù của người BarNah, sau này có thêm ngôi nhà xây, bên cạnh dòng sông Ba hùng vỹ. Ở đó, có một mối tình mà không ít người cho rằng đó là "Mối tình đẹp nhất Tây Nguyên", giữa nghệ sỹ violon Lê Đức Thịnh và Nghệ nhân dân gian Việt Nam - cô H'Ben.

Có lần, tại ngôi nhà sàn này, cô H'Ben kể với tôi: Hôm đó, đi ngang phòng Lê Đức Thịnh, cô chợt nghe tiếng đàn violon thánh thót vẳng ra, cô đứng lại hồi lâu lắng nghe. Rồi từ đó, trái tim cô gái BarNah đã trao trọn cho chàng nghệ sỹ đất Hà Thành chính hiệu. Cô kể, từ lúc nghe tiếng đàn của Đức Thịnh, cô thấy Đức Thịnh "như một thứ quả chín trên cành, còn cô thì chỉ muốn với tay hái cho riêng mình". Còn nghệ sỹ Đức Thịnh thì cũng đã bị chinh phục bởi giọng hát và sắc đẹp của cô gái BarNah đến từ Tây Nguyên hơn mình hai tuổi.

img-8608143458133
Vợ chồng nghệ sĩ Đức Thịnh và H'Ben lúc sinh thời

Mặc cho sự ngăn cản của gia đình, đám cưới của Đức Thịnh và H'Ben vẫn diễn ra "linh đình" với đông đủ bạn bè, đồng nghiệp giữa lòng Hà Nội. Lúc này, cả hai cùng về công tác ở Đoàn Ca múa Nhân dân Tây Nguyên (sau giải phóng năm 1975, Đoàn được biên chế về Gia Lai với tên gọi Đoàn Ca múa nhạc Đam San).

Khi còn ở Hà Nội, có lần được gặp Bác Hồ, H'Ben nhớ mãi lời dặn của Bác: "Càng nhớ quê, Chim Rừng càng phải cố gắng học giỏi, hát hay, chờ ngày thống nhất về giúp quê hương". Cái tên Chim Rừng có từ lúc ấy. Và, nhớ lời dặn của Bác, sau năm 1975, cô cùng chồng về Gia Lai. Ở đây, cô làm giảng viên, rồi làm Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Tây Nguyên.

Về hưu, đôi vợ chồng già đưa nhau về quê của cô ở thị trấn Kông Chro, dựng căn nhà sàn ngay bên bờ sông Ba để từ đó, tiếng đàn, tiếng hát cứ ngân lên trong ngôi nhà sàn bé nhỏ ấy.

Có lần, trong ngôi nhà sàn ấy, cô H'Ben nói với tôi: "Cô rất yêu dân ca Tây Nguyên. Những bài dân ca ấy đã ngấm vào máu thịt trong cô!", và "Những bài hát, bài dân ca Tây Nguyên mà cô thuộc là rất nhỏ so với kho tàng dân ca đang còn trong dân gian. Nếu không sưu tầm, ghi chép lại cho thế hệ sau thì sẽ bị mai một và sau này, không ai còn được biết đến nữa".

Với suy nghĩ đó mà từ ngày về hưu, bằng chiếc xe đạp cà tàng, đôi chân của đôi vợ chồng nghệ sỹ già này đi hầu khắp Tây Nguyên: Từ vùng đất cực Tây Quảng Ngãi để ghi chép những bài dân ca H'rê; ngược vùng Đông Trường Sơn với những làn điệu mộc mạc mà chân tình của những bài dân ca BarNah; quay về Phú Thiện, Ayun Pa, Cheo Reo, ngược lên vùng biên giới Đức Cơ, Ia Grai với ngọt ngào, mượt mà, đắm đuối của những làn điệu dân ca J'rai...

Đi. Sưu tầm. Ghi chép. Rồi truyền dạy lại ngay cho đám trai làng gái bản. Có thể nói, đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông bà: Luôn được ở bên nhau trong những chuyến đi; rồi cùng làm rẫy, ăn cơm với những người dân tộc thiểu số ở những nơi họ đến sưu tầm. Rồi cùng chỉnh lý, chép nhạc, dạy lại cho dân bản...

Lần tôi đến thăm nhà cách đây bốn năm (hôm 12/8/2013), cô H'Ben đưa tôi xem tập nhạc chép tay - một phần sản phẩm do cô chú sưu tầm được trong những năm cuối đời. Tập nhạc với 126 bài dân ca BarNah và J'rai. Nội dung chính của những bài ca này là tình yêu đôi lứa; tình yêu quê hương đất nước; tình yêu buôn làng, yêu dân tộc; cách trồng lúa, trỉa ngô, những bài hát đuổi chim...

Những năm cuối đời, chú Thịnh bị tai biến, phải ngồi xe lăn. Một mình cô H'Ben phải chăm hai người đàn ông đau ốm là chú Thịnh, anh Kiên (con trai Anh hùng Núp). Chú Thịnh bỏ cô ra đi vào ngày 2/1/2017.

Lần gặp cô H'Ben mới đây nhất là hôm cuối tháng 9/2017 - cái tuổi tám lăm với nhiều lăn lộn, với nhớ chồng thương con đã làm sức khỏe cô suy sụp hẳn. Hôm ấy cô nói với tôi, đại ý: Cô cũng muốn đi cùng chú lắm, sống thế này cũng đủ rồi. Tuy nhiên còn anh Kiên nằm một chỗ, anh Lê Trung Thăng (48 tuổi, con trai của cô và chú) cũng đang "dở dở ương ương". Phải cố sống mà chăm thôi.

Giờ, cả cô và chú đã ra đi. Những chuyến công tác lần sau về Kông Chro, tôi sẽ không còn được gặp cô chú nữa, không còn được nghe tiếng đàn hát của cô chú, không cùng được cô chú chăm hai sào ngô bên bờ sông Ba để nuôi lợn, gà...

Giờ, cô đã về với chú, mang giọng hát ngọt ngào của Chim Rừng đến với tiếng violon của chàng nghệ sỹ đất Hà Thành. Vĩnh biệt cô. Chúc cô chú thiên thu hạnh phúc!

Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên cho biết: Vợ chồng chú Thịnh, cô H'Ben là người có công sưu tầm, gìn giữ những bài dân ca, những câu chuyện cổ của người dân tộc bản địa, rồi truyền dạy lại cho lớp trẻ sau này. Đám tang cô, Phòng Văn hóa, UBND thị trấn đứng ra tổ chức trang nghiêm.

Lần đến thăm cô hôm 12/8/2013, trước khi về, tôi hỏi cô: "Sao cô chú không in thành sách và phát hành những bài dân ca mà cô chú đã sưu tầm được?", cô ngậm ngùi: "Không có tiền, Lâm à. Cô chú chép tay, phô tô rồi tặng cho bạn bè, cho đám thanh niên thôi".

Những viên ngọc lấp lánh mà cô chú suốt một đời gom nhặt ấy, nếu không được in thành sách, liệu có lưu giữ được mãi không?

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất