| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn tắc đầu ra

Thứ Sáu 13/02/2015 , 06:12 (GMT+7)

Sau một vụ mùa cực khổ, sản phẩm bội thu, mà không tiêu thụ được, người dân phải mang về nhà chất đống phơi dần. 

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được Trung tâm KN-KN Cà Mau nhân rộng đã đem lại niềm vui cho nông dân bởi năng suất lúa không ngừng tăng, cơ giới được áp dụng, trồng nhàn nhã. Tuy nhiên, việc liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khiếm khuyết...

Năm 2014, Trung tâm KN-KN Cà Mau kết hợp với các huyện ngọt hóa của tỉnh như U Minh, Thới Bình; đặc biệt là huyện Trần Văn Thời để triển khai nhân rộng mô hình CĐML. Riêng diện tích xuống giống lúa vụ 2 (TĐ và ĐX), trung tâm đã nhân rộng ra thêm hơn 2.000 ha.

Huyện Trần Văn Thời được mệnh danh là “vựa lúa” của Cà Mau và các CĐML chủ yếu tập trung ở đây. Hiện nay, lúa vụ TĐ và ĐX sớm trong CĐML được bà con thu hoạch, sản lượng tăng đáng kể. Tuy nhiên, nông dân đang kêu trời vì vất vả mấy tháng trời  làm ra nông sản lại không có người thu mua.

Về xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời những ngày cận tết, bà con đang tranh thủ thu hoạch lúa. Ruộng đồng nhộn nhịp hẳn lên, tiếng cơ giới chạy ầm ì trên những thửa ruộng vàng óng, trĩu nặng hạt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thương, một nông dân làm lúa ở ấp Lung Tràm cho biết: "Bây giờ SX lúa khỏe lắm, không phải gặt tay khổ cực như trước nữa, có máy gặt xong đưa lúa về tới nhà. Yêu cầu lúa mà được giá là bán tươi luôn, chẳng phải phơi rồi đưa vào nhà như trước".

Nhiều hộ dân ở đây bày tỏ thêm, diện tích đất nhà họ may mắn được quy hoạch làm CĐML nên được nhiều cái lợi như tập huấn kỹ thuật, cùng SX một giống nên giảm được sâu bệnh, năng suất lúa tăng khá cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm.

Lúa được mùa, nhưng mất giá không có người mua, đó là điều chúng tôi ghi nhận từ thực tế nơi này. Gia đình ông Thương có hơn 1 ha lúa, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, cao hơn hẳn so với canh tác ngoài CĐML (chỉ hơn 5 tấn). Nhưng lúa nhà ông và nhiều bà con đang nằm “chịu trận”, cắt xong chất đống mà chẳng thương lái nào thèm nhòm ngó tới.

Sau một vụ mùa cực khổ, sản phẩm bội thu, mà không tiêu thụ được, người dân phải mang về nhà chất đống phơi dần.

Đây không chỉ là thực tế của CĐML ở ấp Trùm Thuật A, Bảy Ghe, Kênh Giữa và ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải với diện tích 300 ha, mà ở ấp Kinh Dớn, ấp 1 và ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc với diện tích 546 ha, hay ở các xã Khánh Hưng, Khánh Bình Đông... của huyện Trần Văn Thời với 1.900 ha đều thế.

Ai thu hoạch sớm may còn bán được, ai thu hoạch trễ thì ế. Mang nỗi buồn của người nông dân chia sẻ cùng ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm KN-KN Cà Mau. Ông Thức cho biết, đúng là CĐML của Cà Mau hiện còn bỏ ngỏ việc bao tiêu lúa cho nông dân, nhưng sắp tới đây vấn đề nay sẽ được khắc phục.

Để thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐML, tỉnh Cà Mau đã kêu gọi các DN liên kết cùng nông dân. Đến nay đã có 2 DN lớn trên địa bàn tỉnh đăng ký và sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của quyết định này, mở ra hướng đi mới cho CĐML trong năm 2015.

“Trong việc phát triển hợp tác, liên kết thì DN sẽ là chủ công, là mắt xích quan trọng khi họ đóng vai trò đi cùng nông dân từ đầu đến cuối. Với vai trò của cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ cùng DN và bà con nông dân, đảm bảo giúp đỡ tối đa về mặt kỹ thuật để đảm bảo được đầu ra”. Ông Thức cho biết thêm.

Triển khai sự liên kết trên, vụ HT 2015 tới, Cty TNHH Minh Khánh, một trong hai đơn vị đăng ký liên kết sẽ cho triển khai khoảng 700 ha lúa CĐML ở hai xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) và xã Khánh An (huyện U Minh). Cty sẽ hợp tác chặt chẽ và đảm bảo đi cùng người dân từ A - Z.

Theo đó, Cty Minh Khánh sẽ liên kết cùng các đơn vị cung ứng giống, phân bón, thuốc đảm bảo đầu vào cho người nông dân. Đến khi thu hoạch Cty lo luôn khâu cơ giới và mua sản phẩm của bà con đảm bảo cao hơn từ 50 - 100 đ/kg tùy theo chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Khải, GĐ Cty Minh Khánh cho biết: “Mới bắt đầu triển khai nên chúng tôi liên kết với nông dân làm diện tích nhỏ, sau này sẽ mở rộng làm quy mô lớn. Đúng theo tinh thần của sự liên kết trên thì cái lợi trước nhất thuộc về nông dân. Họ không phải lo lắng gì hết, chi phí đầu vào được hỗ trợ, sản phẩm làm ra chúng tôi đảm bảo thu mua cao hơn...”.

Đây mới là sự khởi đầu, nhưng hy vọng của người trồng lúa Cà Mau đang được nhen nhóm. Họ đang kỳ vọng với sự liên kết này sẽ đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm