| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng mẫu "5 nhà" ở Sóc Trăng

Thứ Sáu 29/08/2014 , 09:49 (GMT+7)

“Thực hiện mô hình tại đây, chúng ta đã liên kết chặt chẽ được 4 nhà, nhất là Cty Bình Điền”, ông Dương Minh Hoàng, GĐ Trung tâm KN Sóc Trăng nói. 

Nằm trong dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các vùng trồng lúa chủ yếu” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng chọn 100 ha, với 62 hộ dân tại ấp Trà Coi A, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú làm dự án, trong đó có 2,5 ha làm thí điểm thực hiện mục “Từ ruộng vườn đến trường quay”, do VTV Cần Thơ và Cty CP Phân bón Bình Điền thực hiện.

Hợp tác SX là tất yếu

KS Võ Quốc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm KN Sóc Trăng, trưởng nhóm cán bộ kỹ thuật của dự án, cho biết: “Qua hơn 3 tháng chăm sóc, lúa đã chín đều, ban chỉ đạo mô hình tính toán: Tổng chi phí SX 1 ha là 17.773.000 đồng; với năng suất 6.150 kg lúa tươi, giá bán 5.000 đ/kg, giá thành SX 1 kg lúa 2.844 đồng, lợi nhuận thu được trên 1 kg lúa là 2.156 đồng, 1 ha là 13.477.000 đồng, tỷ lệ lợi nhuận trên giá trị SX đạt 43,13%, cao hơn 10% so với ngoài mô hình”.

Nông dân Lê Văn Bảy nói: “Dô mô hình làm thấy khác. Trước giờ tôi sạ hơn 20 kg giống/1 công, nay chỉ 10 kg. Trước tôi xài phân trộn. Mình mua phân đơn về trộn lấy. Tỷ lệ trộn cho từng đợt bón, mình chỉ ước chừng, làm đại, lại lấy đâu ra các chất trung, vi lượng, rồi chất giảm thất thoát đạm, chất tăng hiệu quả sử dụng lân mà trộn vô. Bây giờ cứ đến ngày, đúng lịch là rải.

Các nhà khoa học đã tính toán đủ chất trong phân bón, khuyến cáo mình bón đủ lượng. Vậy mà tính kỹ lại nhẹ tiền hơn vì rải đúng lượng, không dư, vừa đỡ công vận chuyển, rải, lại đỡ tốn tiền. Thuốc xịt sâu rầy cũng vậy.

Các nhà khoa học xuống đồng, thấy bệnh là chỉ định mình xịt đúng thuốc, đúng lượng, đúng ngày. Các việc khác, như tưới nước, thoát nước chuẩn bị thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… đều được ban chỉ đạo tính toán kỹ. Họ hô là mình làm theo thôi”.

Ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú nhìn nhận: “Thông qua mô hình đã mở mang nhận thức cho nông dân rất nhiều, họ bắt đầu làm quen với SX theo cung cách mới, có ghi chép nhật ký đồng ruộng cẩn thận để tính toán chính xác nguồn gốc và chi phí vật tư, thời gian và cách thức chăm sóc cây lúa… mô hình tạo ra không khí SX sôi nổi, gắn kết bà con lại với nhau trong tình làng nghĩa xóm, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. SX hiện nay bà con không liên kết lại với nhau thì khó đạt được hiệu quả cao vì đơn giản sẽ khó hạ được giá thành sản phẩm. Liên kết SX tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận KHKT và cung cách làm ăn mới dễ dàng hơn”.

Mô hình "5 nhà"

“Thực hiện mô hình tại đây, chúng ta đã liên kết chặt chẽ được 4 nhà, nhất là Cty Bình Điền”, ông Dương Minh Hoàng, GĐ Trung tâm KN Sóc Trăng nói. Theo ông Hoàng không phải chỉ bây giờ mà Sóc Trăng đã gắn bó với Bình Điền từ rất lâu rồi, nhất là từ khi làm cánh đồng mẫu nhỏ năm 2010.

Tại đây, Bình Điền giao phân bón NPK Đầu Trâu chuyên dùng cho lúa với giá gốc bán tại nhà máy, hỗ trợ chi phí vận chuyển, không qua trung gian, lại cho bà con trả chậm 4 tháng, tức sau thu hoạch mới nhận tiền. Bình Điền còn chọn ngẫu nhiên 5 hộ trong mô hình, mỗi hộ 0,5 ha để hỗ trợ 100% chi phí SX (giống, phân bón, thuốc BVTV).

“Ở mô hình thí điểm này tôi thấy cần đưa thêm 1 nhà nữa vào, thành 5 nhà, đó là nhà báo”, ông Hoàng nói. Mục “Từ ruộng vườn đến trường quay” do VTV Cần Thơ và Bình Điền tổ chức đã đưa các chuyên gia nông nghiệp, cứ 2 tuần một lần xuống tận ruộng trực tiếp tư vấn cho nông dân. Hình ảnh này được phát trong chương trình "Đồng hành và chia sẻ" để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân toàn vùng.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng cơ quan thường trực phía Nam, Trung tâm KNQG nói: “Xuống ruộng, nhà khoa học biết rõ được tình hình SX; không chỉ “cầm tay chỉ việc” mà là vừa lý thuyết vừa thực hành; nhà nông không chỉ hỏi, trao đổi, mà còn chất vấn, tranh luận với nhà khoa học, giúp họ nhớ rất lâu, dần trở thành chuyên gia trong công việc của mình”.

TS Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, chuyên gia của chương trình kể rằng: “Có lần tôi xuống, bà con rất phấn khởi, kéo tôi ra ruộng khoe lúa phát triển tốt. Tôi coi và nhận ra đã có xuất hiện bệnh đạo ôn. Khi tôi chỉ từ những lá lúa chớm bệnh, bà con mới à lên rồi rối rít hỏi tôi cách chữa trị. Vậy là ngay sau đó kế hoạch diệt trừ bệnh đạo ôn được vạch ra. Và bệnh đạo ôn đã được trị khi nó chưa kịp bùng phát thành dịch.

Lần khác, khi vừa thấy tôi, một lão nông túm ngay lấy tay tôi, hớt hải nói: “Chết, lúa trắng cả ruộng rồi thày ơi”. Tôi vội theo ông ra ruộng. Nhìn khắp ruộng, tôi hỏi: “Theo anh thì 1m2 có mấy bông bị trắng?”. Ông trả lời: “Dạ, cỡ 1 bông”.

Tôi nói: “1 m2, 1 bông, vậy 1 công có 1.000 bông , cỡ 1,5 m2, mỗi m2 có khoảng 800 bông, thu được cỡ gần 2 kg lúa, 1,5 m2 thu được cỡ hơn 2 kg lúa, bán giá 5.000/kg thì được hơn 10 ngàn đồng. Bây giờ đi mua chai thuốc 40 ngàn, cộng với công xịt là phải trên trăm ngàn đấy, anh chọn mua thuốc xịt hay để mặc nó?”. Ông đáp: “Nhưng tui sợ nó lan ra!”.

Tôi trả lời: “Bệnh trắng bông là do sâu đục thân. Bông nào bị đục thì bông đó trắng, khô, lép hạt. Con sâu đục thân cây nào thì cũng nằm nguyên ở đó rồi biến thành nhộng, thành bướm, chớ không đục tiếp sang cây khác được. Nếu xịt thuốc thì nó chết, nhưng để nó sống cũng hết hại rồi”.

Bác nông dân cười khì: “Vậy là thầy đã cho em một bài học”.

Tăng chi phí, không ngại

Thắng lợi của mô hình, của chuyên mục “Từ ruộng vườn đến trường quay” khiến ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty Bình Điền rất phấn khởi.

Ông nói: “Nên nhân rộng mô hình này ra, không chỉ với SX lúa mà cả cây ăn trái, cây công nghiệp. Tạo ra phong trào thi đua giữa nông dân với nông dân, giữa các vùng miền, làm cho chương trình luôn có sức sống tươi mới. Như vậy sẽ tăng thêm chi phí, nhưng làm được gì có lợi cho bà con nông dân, thì Bình Điền ráng làm hết sức, không ngại”.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.