| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác rầy nâu, rầy lưng trắng cuối vụ

Thứ Ba 07/06/2011 , 10:55 (GMT+7)

Rầy nâu, rầy lưng trắng là một trong những loại dịch hại phổ biến trên lúa ở Việt Nam và các nước trồng lúa nước trên thế giới.

* Lạm dụng thuốc BVTV là nguyên nhân cơ bản làm rầy bộc phát

Rầy nâu, rầy lưng trắng là một trong những loại dịch hại phổ biến trên lúa ở Việt Nam và các nước trồng lúa nước trên thế giới.

Sự gia tăng cao mật độ rầy hại lúa ngoài việc làm giảm hoặc mất trắng năng suất, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, đây là những loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sản xuất lúa.

Trong những năm gần đây rầy nâu đã và đang có xu hướng tái bùng phát trên phạm vi rộng tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Từ đầu tháng 3/2011, rầy nâu đã gây nhiễm trên 104.000 ha lúa tại 11 tỉnh miền Trung Thái Lan và đã gây thiệt hại nặng hàng ngàn hécta lúa, số lượng rầy vào đèn dày đặc tương tự như năm 2009 - 2010, do vậy nguy cơ mất mùa do rầy nâu gây ra tại những nơi này là rất lớn.

Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động ấy. Ở Việt Nam năm 2008 - 2010 diện tích nhiễm rầy tăng gấp 2 so trung bình 10 năm trở lại đây và tăng 4,7 đến 5,2 lần so với năm có diện tích thấp nhất; đặc biệt các tỉnh phía Bắc diện tích nhiễm rầy tăng gấp 1,9 và 2,3 lần so trung bình 10 năm trở lại đây và tăng 7,2 đến 9,3 lần so với năm có diện tích thấp nhất.

Một số nguyên nhân gây bộc phát rầy hại lúa có thể kể đến như tăng cao tỉ lệ sử dụng giống nhiễm rầy trên diện rộng; gieo cấy quá dầy, bón dư thừa phân đạm và lạm dụng phun thuốc trừ sâu, nhất là phun thuốc sớm trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, phun thuốc phổ rộng đã tiêu diệt quần thể ký sinh thiên địch tự nhiên trong ruộng lúa hoặc phun thuốc không đúng đã gây tình trạng kháng thuốc ngày một tăng.

Theo khảo sát trong vụ mùa 2010 tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ có 46 – 60% phun thuốc trước giai đoạn lúa làm đòng; 60 – 100% hỗn hợp trên 2 loại thuốc để phun/lần; riêng trừ rầy có gần 17% phun 5 lần thuốc trừ rầy/vụ; nhất là do áp lực của bệnh lùn sọc đen tại các tỉnh phía Bắc tình trạng phun thuốc sớm, nhiều lần càng làm cho rầy có điều kiện bộc phát thành dịch.

Tuy nhiên, dịch rầy nâu, rầy lưng trắng đã được khống chế, dịch rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tại các tỉnh phía Nam đã được nhanh chóng ngăn chặn và đẩy lùi; rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen ở các tỉnh phía Bắc từng bước được cô lập, năng suất, sản lượng lúa gia tăng liên tục hàng năm, đảm bảo an ninh lượng thực và giữ vững vị thế nước xuất khẩu gạo hàng thứ 2 thế giới.

Rầy nâu, rầy lưng trắng không xa lạ đối với người trồng lúa, nhưng năm nào cũng xảy ra cháy rầy cục bộ thậm chí trên diện rộng. Khi cháy rầy, nhiều hộ nông dân ngỡ ngàng không hiểu rầy đâu ra nhanh và nhiều như vậy. Trên ruộng lúa và ngay cả ruộng mạ ít khi không phát hiện thấy rầy, chúng tích lũy, gia tăng mật độ và đạt đỉnh cao ở giai đoạn đòng – trỗ - đỏ đuôi. Trong giai đoạn này rầy nhân rất nhanh về số lượng đến cả vài trăm lần trong một thời ngắn.

Cả rầy trưởng thành và rầy non đều thích sống dưới gốc cây lúa, nếu không điều tra thường xuyên, không lội vào ruộng quan sát dưới gốc lúa, thì cháy rầy tất yếu sẽ xảy ra khi rầy có mật độ cao. Bên cạnh đó, không ít hộ nông dân được thông báo, đôn đốc kịp thời, nhưng vẫn để cháy rầy. Ở đây cũng điểm qua một số nguyên nhân như phun không đúng thuốc, phun thuốc chống lột xác khi rầy tuổi lớn hoặc rầy trưởng thành, phun thuốc nội hấp khi cây lúa đã chín không có khả năng vận chuyển thuốc trong cây; phun thuốc tiếp xúc lớt phớt trên ngọn lúa mà không tới được rầy ở phía gốc lúa; phun thuốc không đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích; phun thuốc khi rầy đã lớn tuổi hoặc rầy đã trưởng thành làm hiệu quả phòng trừ thấp và trứng tiếp tục nở gây cháy rầy ngay sau phun thuốc…

Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam, rầy nâu mang virus gây bệnh xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi, một số diện tích đã bị nhiễm bệnh. Nguy cơ bệnh VL- LXL tái bùng phát thành dịch trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao, nếu không được khống chế kịp thời. Tại các tỉnh phía Bắc, trên lúa đông xuân rầy lứa 3 đang tăng cao và gây cháy trong đầu tháng 6 đến giữa 6/2011 nếu không điều tra và phòng trừ kịp thời.

Ngoài những nguyên nhân sinh thái, sinh học, việc lạm dụng thuốc BVTV được coi là nguyên nhân cơ bản làm cho rầy bộc phát trên diện rộng và đe dọa đến sản xuất lúa. Do đó, để quản lý rầy nâu có hiệu quả chính là phải tránh lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học và phải quan tâm đến nguyên tắc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như:

- Đa dạng cơ cấu giống: Nên sử dụng nhiều giống lúa, sử dụng bộ giống có năng suất, chất lượng. Nên chọn và gieo trồng nhiều giống lúa có tính kháng trung bình trên đồng ruộng trong cùng một thời gian để tránh áp lực của rầy khi bộc phát. Tránh tình trạng sử dụng quá ít giống trên diện tích quá lớn để hạn chế thiệt hại.

- Thời vụ: Sạ lúa, gieo mạ, cấy lúa đúng thời vụ, tập trung, đồng loạt và né rầy; bố trí có thời gian cách ly với vụ kế tiếp để cắt cầu nối sâu bệnh và có đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật: IPM, ba giảm ba tăng, một phải năm giảm, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) ở nơi có điều kiện để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại, tập trung không gieo cấy quá dầy, bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm; tăng cường ứng dụng nấm ký sinh phòng trừ sâu rầy (nấm xanh Metazhium anisoplies), công nghệ sinh thái (ruộng lúa, bờ hoa).

- Thuốc BVTV: Không phun thuốc trừ sâu hóa học trước giai đoạn lúa làm đòng (trừ những diện tích lúa đang bị nhiễm bệnh virus), nếu mật độ rầy tăng cao phun bằng thuốc chống lột xác đối với rầy tuổi 1, tuổi 2.

Từ giai đoạn đòng trở đi, thăm ruộng thường xuyên để phát hiện sớm và tiêu diệt ổ dịch. Khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc “bốn đúng” như sau: Dùng các loại thuốc đặc trị rầy và nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trên để tránh tình trạng rầy quen thuốc; đúng liều lượng và nồng độ khuyến cáo, phun đủ 2 bình nước thuốc/sào; đúng lúc khi rầy nở rộ ở tuổi 2 - 3 (10 - 15 ngày sau khi rầy vào đèn); sử dụng bơm áp lực cao hoặc rạch lúa theo băng (1,5m/băng) phun thuốc vào gốc lúa là nơi rầy sinh sống; kiểm tra hiệu quả sau phun thuốc và chống tái nhiễm rầy.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất