| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác việc Trung Quốc 'mượn xuất xứ' khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra

Thứ Ba 10/07/2018 , 08:01 (GMT+7)

 Vốn là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, những tranh chấp thương mại của Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ gây những cú va đập không nhỏ đến kinh tế các nước. 

* Việt Nam là vùng đệm nhạy cảm, nên “5 ăn- 5 thua”

Việt Nam lại là nước có kim ngạch thương mại khổng lồ, với cả Mỹ và Trung Quốc càng đứng trước những dấu hỏi lớn.

16-14-04_c_tr
Nhiều chuyên gia cho rằng, nông sản XK của Việt Nam có thêm cơ hội

TS Trần Ngọc Thơ, ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, khối lượng mậu dịch và các giao dịch giữa Trung Quốc với khu vực ASEAN từ giữa tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 tăng 66%, còn tính chung cho cả châu Á, tỷ lệ này là 26%. 

“Châu Á hiện có khối lượng mậu dịch tăng hơn bất kỳ khu vực nào. Theo đánh giá của nhiều tổ chức thương mại, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập hàng nông sản từ Mỹ, mà tìm đến các thị trường khác để mua. Đây cũng là cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam", theo TS Thơ.

Còn ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương) phân tích, Việt Nam có nền kinh tế mở. Những tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia này sẽ phải chờ thêm các hiệu ứng nó lan tỏa ra, cả tích cực và tiêu cực. Khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao ở Mỹ, dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc suy giảm, là cơ hội cho tất cả các sản phẩm khác ngoài Trung Quốc XK vào Mỹ, không ngoại trừ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay chưa thể dự đoán được gì nhiều. Nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, hơn là cơ hội. Trung Quốc là nước XK nhiều nhất vào Việt Nam, do đó, khi họ không XK được hàng hóa vào Mỹ, thì Trung Quốc sẽ tìm hướng tăng lượng hàng hóa XK vào Việt Nam và giảm nhu cầu NK hàng hoá từ nước ta. Khi đó, Việt Nam sẽ giảm kim ngạch XK, tăng nhập siêu.

Ở một khía cạnh cụ thể, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, phải đề phòng nguy cơ các DN gỗ Trung Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam dưới dạng FDI, lấy xuất xứ Việt Nam để XK sang Mỹ.

“Lâu nay, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ trong ngành hàng gỗ rất tốt. Hiện ta NK một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ Mỹ và có xu hướng tăng lên. Chưa kể, nếu NK gỗ của Mỹ, sau đó SX và xuất đồ gỗ sang Mỹ sẽ không bị đánh thuế. Gỗ Mỹ chất lượng tốt, chủ yếu gỗ rừng trồng, giá cả cũng phải chăng”, ông Quyền cho hay.

Bước đầu, trong số khoảng 800 mặt hàng mà Mỹ soi xét để đánh thuế cao từ Trung Quốc, thì chưa có gỗ. Về thị trường Trung Quốc, ông Quyền cho hay, nhiều DN Việt Nam cũng muốn hạn chế xuất nguyên liệu gỗ sang thị trường này, bởi họ toàn mua sản phẩm thô, như dăm mảnh, gỗ bóc, tấm gỗ xẻ thô nhỏ…

Về tổng thể các mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Khánh, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng, cuộc chiến Mỹ -Trung chỉ dẫn đến việc áp đặt các hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn. “Chắc chắn Việt Nam là một vùng đệm nhạy cảm. Cả hai bên đều nghi ngờ nhau và họ sẽ đặt những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng hóa của ta khi XK sang cả hai nước”, ông Khánh nói.

“Nếu không có những mặt hàng có nguồn xuất xứ từ Mỹ hoặc Trung Quốc để bán sang một trong hai nước trên, mà ở đó Việt Nam là trung gian thì mình không có gì phải ngại. Còn nếu đã dùng nguồn hàng Trung Quốc để xuất sang Mỹ và ngược lại sẽ rơi vào tình trạng “5 ăn- 5 thua”, ông Khánh nói.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Công thương sáng qua (9/7), ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK, nhấn mạnh, có rất nhiều dự báo đã đặt lên bàn. Có ý kiến cho rằng đó là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, nhưng ông Chinh khẳng định đây không thể là cơ hội. 

“Cái khó của cuộc chiến thương mại này là không ai biết nó kết thúc khi nào. Có thể sau 1 tháng, cũng có thể 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Khó đưa ra dự báo thời điểm kết thúc đã là một thách thức cho việc xây dựng chiến lược, chính sách rồi. Tất cả cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với XK là thấy rõ”, ông Chinh nói.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất