| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác với những kiểu bán phân, thuốc thiếu trách nhiệm

Thứ Tư 20/06/2018 , 10:44 (GMT+7)

Sau khi chuyên mục Nhà nông thông thái đăng các bài viết cảnh báo những chiêu trò bán phân bón rởm, chúng tôi đã nhận được thông tin phản ánh từ một số doanh nghiệp, đại lý, chủ trang trại … về một số hình thức bán phân thuốc thiếu trách nhiệm khác.

Bán phân, thuốc kiểu kê toa

Ở nông thôn hiện nay, phần nhiều nông dân nông dân vẫn đang thiếu kiến thức về phân bón, thuốc BVTV. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng thường thiếu vốn để mua phân, thuốc. Chính vì vậy, việc mua phân, thuốc của rất nhiều hộ nông dân hiện đang phụ thuộc vào các chủ đại lý vật tư nông nghiệp. Chủ đại lý bảo lấy phân, thuốc nào thì nông dân lấy phân, thuốc đó.

Cơ quan chức năng bắt quả tang một vụ sản xuất phân bón giả

Bên cạnh những đại lý làm ăn đàng hoàng, có không ít những đại lý lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu vốn của nông dân để trục lợi. Một hình thức trục lợi phổ biến lâu nay là giới thiệu hay “ép” nông dân mua những loại phân, thuốc mà đại lý được hưởng chiết khấu cao, dù chất lượng nhiều khi không bằng (thậm chí có không ít là sản phẩm kém chất lượng) sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp có uy tín.

Gần đây, nhiều đại lý vật tư nông nghiệp ở các vùng nông thôn đang bán hàng cho nông dân, khách hàng theo kiểu “kê toa”. Theo đó, các chủ đại lý tự “kê toa” bộ sản phẩm phân bón, thuốc BVTV cho từng loại cây trồng trong vùng theo từng mùa vụ. Chẳng hạn bộ phân bón cho lúa vụ đông xuân gồm các sản phẩm dùng để bón lót, bón đợt 1, đợt 2, đợt 3 ...

Điều đáng chú ý khi “kê toa” như trên, nhiều chủ đại lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân sau nhiều năm buôn bán phân, thuốc, mà không phải dựa trên những kiến thức về sử dụng phân, thuốc được đào tạo một cách bài bản. Do đó, việc kê toa của họ thường không đúng về mặt kỹ thuật. Qua đó, có thể khiến cho việc sử dụng phân, thuốc theo toa của nông dân không đạt được hiệu quả cần thiết, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt tới cây trồng.

Nhưng đáng lo ngại nhất là việc nhiều chủ đại lý đã lợi dụng việc “kê toa” để trục lợi bằng việc cố tình đưa vào “toa” những sản phẩm không cần thiết nhằm bán được hàng. Một chủ trang trại ở Bình Phước cho hay, có những vườn điều, vườn tiêu trên địa bàn, khi cần xử lý một vấn đề gì đó, nhiều khi chỉ cần 2-3 loại phân, thuốc là đủ. Nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều nông dân, nhiều chủ đại lý “kê toa” tới 5-6 loại phân, thuốc, nhằm bán được nhiều hàng, mà trong đó có những loại chẳng có tác dụng gì.
 

Bán dạo phân bón, thuốc BVTV

Gần đây, ở nhiều vùng nông thôn, xuất hiện những nhóm người chuyên đem phân bón, thuốc BVTV tới bán tận nhà cho nông dân theo kiểu bán dạo. Những nhóm người này không phải là nhân viên của các công ty chuyên sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, mà chỉ là những người buôn bán thuần túy. Họ lấy phân, thuốc từ các công ty nhỏ rồi đem tới bán tận nhà cho nông dân, hưởng chênh lệch giá.

Do không thuộc một doanh nghiệp nào, nên nhiều nhóm bán dạo đang bán phân, thuốc một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh các sản phẩm lấy từ các công ty, nhiều nhóm bán dạo còn bán cả những phân, thuốc không rõ nguồn gốc, những sản phẩm mà bao bì in toàn chữ nước ngoài hoặc sản phẩm không có nhãn mác. Khi bán hàng, họ thường mạnh miệng quảng cáo quá sự thật về công dụng của những sản phẩm mà họ bán.

Đặc biệt, những nhóm bán dạo này thường tập trung hoạt động ở những nơi mà nông dân đang được giá nông sản. Do sẵn tiền bán nông sản, nhiều nông dân ít đắn đo hơn trong việc chọn mua phân, thuốc, lại bị “dụ” bởi những công dụng thần kỳ mà người bán giới thiệu, nên đã mắc bẫy. Đến lúc đem sử dụng mới thấy không đúng như quảng cáo thì đã “tiền mất, tật mang”.

Bản thân những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối phân bón, thuốc BVTV, mà các nhóm bán dạo đến lấy hàng, cũng “đau đầu” với lối bán hàng thiếu trách nhiệm của các nhóm này. Anh T., phó giám đốc một công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ sinh học, cho hay, do quy mô của công ty còn nhỏ, nên chưa tổ chức được mạng lưới bán hàng riêng. Vì vậy, ngoài việc đem sản phẩm đến ký gửi ở nhiều đại lý, công ty cũng bán hàng cho các nhóm bán dạo. Khi bán hàng cho nông dân, các nhóm bán dạo thường nói quá sự thật về công dụng sản phẩm. Nông dân tin lời họ, mua về sử dụng, thấy không đúng như vậy, đã nhiều lần gọi vào số điện thoại của công ty in trên bao bì để khiếu nại. Còn các nhóm bán dạo bán hàng xong ở nơi này là đi ngay sang nơi khác, nên chẳng phải chịu trách nhiệm.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Hãy đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng

Nếu ruộng lúa được phủ 2-3 lớp bèo hoa dâu thì không cần phải bón thêm phân, rất phù hợp với yêu cầu phát động phong trào sản xuất xanh của giai đoạn hiện nay.