| Hotline: 0983.970.780

Canh tác 2 hay 3 vụ lúa/năm?

Thứ Sáu 07/03/2014 , 11:43 (GMT+7)

Nếu không để ý đến tỷ suất lợi nhuận thì tổng tiền lời thu được hay tổng sản lượng thu được từ 3 vụ lớn hơn mô hình 2 vụ.

Đó là thắc mắc của ông Đào Thanh Nhân ở khóm 2, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ĐT: 0907424588) và cũng là nỗi băn khoăn của nhiều nông dân sống trong vùng đất ngập nước quanh năm, ngoài cây lúa thì chưa biết nên sử dụng ruộng đất như thế nào cho có hiệu quả.

Ông Nhân hỏi: Trước đây tôi làm 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận kha khá, tới lúc làm 3 vụ thì lợi nhuận lại thấp. Nếu nông dân ĐBSCL đồng loạt làm 2 vụ thì có cải thiện được vấn đề này không? Bón phân Đầu Trâu trên đất phèn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Trả lời: Thưa ông Nhân, về việc trồng lúa 2 vụ hay 3 vụ đã có nhiều nghiên cứu cho thấy đúng như ông nói. Khi tính tỷ suất lợi nhuận, bỏ ra 1 đồng vốn thu lại được bao nhiêu đồng lời thì đúng trồng lúa 2 vụ có lời hơn. Nhưng nếu không để ý đến điều này thì tổng tiền lời thu được hay tổng sản lượng thu được từ 3 vụ lớn hơn mô hình 2 vụ.

Bằng chứng là từ năm 2006 - 2008, KS Nguyễn Đức Thuận và cộng sự của Trung tâm Nghiên cứu & phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười đã thực hiện đề tài Quốc gia “Nghiên cứu tác động của canh tác nhiều vụ lúa trong năm đến năng suất, hiệu quả kinh tế, tính chất đất và tính bền vững của SX lúa vùng đất phèn Đồng Tháp Mười”.

Đề tài thực hiện ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, vốn là vùng đất phèn nặng, khai thác trồng lúa trên 10 năm liên tục, chưa kể 3 năm làm nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu bao gồm hệ thống trồng 2 vụ lúa không có đê bao, 2 mô hình khác làm lúa 3 vụ có đê bao hở và 3 vụ có đê bao kín có xả lũ (cải tiến).

Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng mô hình 2 vụ có tổng năng suất lúa là 11,48 tấn, tổng chi phí là 22.656.355 đ, tiền lời thu được 20.665.834 đ. Mô hình 3 vụ lúa có đê bao hở có tổng năng suất là 16,21 tấn, tổng chi phí là 33.213.391 đ, tiền lời 24.008.254 đ.

13-00-27_a1

Còn mô hình 3 vụ lúa có đê bao cải tiến có tổng năng suất là 16,46 tấn. Tổng chi phí là 33.246.903 đ, tiền lời 25.629.397 đ. Nếu tính hiệu quả đồng vốn thì 2 vụ lúa có lời hơn, nhưng không nhiều, bỏ ra 1 đồng vốn chỉ thu lại được 0,91 đồng lời. Còn 2 mô hình trồng 3 vụ lúa bỏ ra 1 đồng vốn thu lại được 0,72 - 0,77 đồng lời.

Trong khi đó, 2 mô hình trồng 3 vụ có tổng sản lượng lúa cao hơn từ 4,73 - 4,98 tấn thóc/ha và tổng tiền lời lại cao hơn mô hình 2 vụ lúa. Có người nói rằng trồng lúa 3 vụ liên tục không cho đất nghỉ thì chai đất.

Tác giả đã tiến hành phân tích tính chất vật lý và hóa học đất của các mô hình cho thấy rằng: Mô hình canh tác 3 vụ lúa trong năm có xu hướng làm giảm độ dày của tầng canh tác, độ dày của tầng đế cày cũng như dung trọng của đất ở tầng canh tác.

Hàm lượng Fe+2 và axít hữu cơ ở giai đoạn cây lúa còn non có xu hướng nhiều hơn so với mô hình 2 vụ lúa. Nhưng đổi lại là mô hình 3 vụ lúa có hàm lượng chất hữu cơ và các chất khoáng nhiều hơn.

Ở mô hình 3 vụ lúa, thời gian gieo sạ tập trung thuận lợi hơn, nên thuận lợi cho phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Các loại sâu bệnh kể trên có xu hướng giảm ở mô hình 3 vụ lúa.

Đánh giá chung thì mô hình 2 vụ lúa không có đê bao, có tính bền vững hơn. Giữa 2 loại mô hình 3 vụ lúa thì mô hình có đê bao cải tiến bền vững hơn. Khi không có đê bao thì tại địa điểm nghiên cứu với mức lũ từ năm 2006 - 2008, hằng năm đất được cung cấp 5,66 - 6,47 tấn phù sa/ha, trong đó có chứa 22,7 - 25,1 kg N; 6,4 - 7,8 kg P205; 6,6 - 7,8 kg K20; 1,5 kg Ca0 và 3,2 - 3,6 kg Mg0. Đấy là nguồn dinh dưỡng đáng kể.

Theo tài liệu nghiên cứu này thì trong vùng lúa bị ngập nước quanh năm, làm 2 vụ lúa sẽ ổn định hơn. Nhưng vấn đề chính là giá cả phải hợp lý và giảm thiểu chi phí đầu tư thì lợi nhuận thu được mới cao hơn hiện nay.

Trường hợp các hộ có ít diện tích mà ruộng chưa có thể chuyển đổi sang nuôi trồng cây con nào khác tốt hơn thì việc canh tác thêm 1 vụ lúa là cách để tăng thêm thu nhập có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, chỉ làm đê bao có xả lũ ở những vùng cần thiết. Vì phù sa vẫn là nguồn dinh dưỡng khá dồi dào và là phương tiện khử phèn rất hiệu quả. Khi giá lúa cao, nhiều khách hàng cần thì làm 3 vụ vẫn có lợi chấp nhận được, và có khi rất hấp dẫn với người trồng lúa.

Cũng vào khoảng thời gian đề tài được nghiên cứu, đã có khá nhiều nông dân bỏ lúa để trồng cây ăn trái, khi giá cây ăn trái thấp mà giá lúa cao thì lại đốn chặt cây ăn trái để trồng lúa và do đó diện tích 3 vụ lúa tăng cao.

13-00-27_a2

Nhưng khi nhu cầu thị trường không cao, hay mặt hàng lúa gạo dồi dào, thì cũng chưa chắc làm 2 vụ đã có lời hấp dẫn. Còn nếu làm 2 vụ mà giá thấp hay quá thấp trong lúc giá vật tư quá cao thì cũng không phải là lối thoát tốt cho kinh doanh lúa gạo cũng như các mặt hàng nông sản khác.

Về câu hỏi bón phân Đầu Trâu trên đất phèn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Trước hết, phải làm theo quy trình SX trên đất phèn. Tùy theo mức phèn nặng hay nhẹ để có biện pháp khống chế phèn hay khử phèn.

Có mấy cách quan trọng: Dùng nước ngọt để rửa và ém, khử phèn. Dùng vôi bón liều cao, dùng lân liều cao, dùng giống kháng và dùng đúng chủng loại phân, đúng tỷ lệ NPK. Phân Đầu Trâu TE-01, Đầu Trâu TE-02, Đầu Trâu lúa 1 và lúa 2 cũng như Đầu Trâu TE A1, Đầu Trâu TE A2 rất thích hợp cho đất phèn, đặc biệt là phân Đầu Trâu TE A1 và TE A2.

Phân bón chuyên dùng cho lúa mới Đầu Trâu TE A1 và Đầu Trâu TE A2 là 2 sản phẩm ngoài thành phần NPK, Penac P và trung vi lượng phù hợp cho nhu cầu phát triển của cây lúa, sản phẩm còn được bổ sung thêm 2 hoạt chất chống thất thoát đạm và hoạt chất tăng hiệu quả sử dụng lân.

Nhờ có thêm 2 hoạt chất A-A, nên Đầu Trâu TE A1 và Đầu Trâu TE A2 giúp lúa sử dụng hiệu quả phân bón, giảm thất thoát, tăng năng suất và lợi nhuận.

Bón thúc 1: Thúc cây con (7 - 10 ngày) 100 - 125 kg/ha Đầu Trâu TE A1.

Bón thúc 2: Thúc đẻ nhánh (18 - 22 ngày) 125 - 175 kg/ha Đầu Trâu TE A1.

Bón thúc 3: Thúc đón đòng hoặc nuôi đòng lúa 75 - 125 kg/ha Đầu Trâu TE A2.

Đối với vụ ĐX, có thể bổ sung 25 - 30 kg/ha Đầu Trâu 46A+ vào giai đoạn cây con hoặc đẻ nhánh ở các giống lúa đẻ nhánh khỏe, lúa sạ thưa nhằm đảm bảo số chồi. Đối với vụ HT, những vùng đất phèn nặng cần bổ sung thêm 25 -30 kg/ha DAP-Avail vào giai đoạn cây con hoặc đẻ nhánh.

 

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.