| Hotline: 0983.970.780

Canh tác bền vững trên đất dốc

Thứ Tư 01/08/2012 , 10:14 (GMT+7)

Viện Khoa học NLN miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu một số kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng núi phía Bắc VN”.

* Năng suất cao hơn SX truyền thống

Với địa hình dốc và phức tạp, sau nhiều năm canh tác, đất đai vùng núi phía Bắc có nguy cơ bị sa mạc hoá. Viện Khoa học NLN miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu một số kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng núi phía Bắc VN”.

Từ một số mô hình, bà con nông dân đã mở rộng diện tích canh tác bền vững trên đất dốc ngày một rộng hơn... Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Quốc Doanh, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp VN (VAAS) kiêm Viện trưởng NOMAFSI cùng nhóm nhà khoa học của viện này, bà con nông dân khu vực miền núi phía Bắc SX trên địa hình có độ dốc lớn, mỗi năm quá trình đất mặt bị rửa trôi từ 80-120 tấn/ha. Điều đó dẫn tới độ phì của đất đang bị suy giảm nặng nề do xói mòn, nguy cơ đá ong hoá, sa mạc hoá đang hiện hữu.

Phương pháp kỹ thuật che phủ đất bằng vật liệu từ chính thân cây trồng đã thu hoạch mà NOMAFSI đưa ra: Rơm rạ, thân cây ngô hoặc cỏ rác, xác thực vật khô, lượng phủ 7 tấn khô/ha kết hợp bón phân cân đối theo quy trình bao gồm 200 kg urê + 500 kg lân + 180 kg kali. Việc che phủ bằng xác thực vật nhằm ngăn chặn xói mòn rửa trôi của đất, tăng độ ẩm, tăng lượng mùn và độ phì của đất, khống chế được cỏ dại, tăng cường hoạt tính sinh học cho đất.


Cán bộ Viện NOMAFSI, sở NN-PTNT Yên Bái trao đổi với bà Đinh Thị Tý tại nương ngô về biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc

Năng suất diện tích che phủ tăng 30-60% đối với ngô, 30-100% đối với lúa nương. Kỹ thuật trồng xen những loại cây họ đậu như: Đậu tương, lạc, đậu mèo, cỏ Stylô, cỏ Ruzi, lạc lưu niên, muồng lá tròn kép đã giảm xói mòn của đất từ 71-86,9%, năng suất tăng từ 59-125% so với không trồng xen.

Đề tài khoa học này đang thực hiện ở các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ…Phương pháp nghiên cứu: Kỹ thuật che phủ đất, kỹ thuật canh tác tiểu bậc thang, kỹ thuật trồng xen các loại cây họ đậu trên diện tích đất có độ dốc lớn... NOMAFSI đã tổ chức xây dựng các mô hình ở nhiều địa phương do chính nông dân thực hiện. Một số xã thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái đã được NOMAFSI chọn xây dựng mô hình, triển khai đề tài với diện tích 8 ha trồng ngô trên độ dốc 25-30 độ ở bản Loỏng, xã Sơn Thịnh và 1,8 ha lúa nương ở thôn Păng Cáng, xã Suối Giàng.

Bà Đinh Thị Tý, dân tộc Thái ở bản Loọng cho biết: "Nhà tôi đã canh tác trên đất này mấy chục năm rồi, trước đây mùn ngập cổ chân, trồng ngô lúa không cần bón phân. Qua mỗi năm thấy đá nhô dần lên cao, ở trên núi khô hạn không có nước tưới, ngô trồng không mọc, lúa trồng cũng chẳng lên, năm ngoái gia đình tham gia mô hình canh tác bền vững trên đất dốc, nhà tôi gieo 5 cân bằng giống ngô LVN61, gieo ngô vào tháng ba, khi ấy trời chưa có mưa tưởng ngô không lên được.

Nhờ có cây che phủ đã giữ được độ ẩm, ngô mọc mầm và sống được, sau đó gặp mưa cây tốt ngay. Những gia đình bên cạnh không tham gia mô hình thì ngô chết nhiều, họ phải trồng dặm nhiều lần. Năm ngoái nhà tôi thu được khoảng 1,3 tấn ngô hạt, năm nay có thể hơn, chưa bẻ về nhà nhưng dự tính cũng được 1,5 tấn đấy...".

Theo tính toán của nhóm cán bộ tham gia chỉ đạo mô hình thì năng suất ngô ở các mô hình đều đạt từ 42-45 tạ/ha, cao hơn so với người dân canh tác truyền thống từ 3-5 tạ/ha. Với năng suất đó, đối với ngô đồi là điều bà con nhiều nơi ở vùng cao mơ ước.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tin, Trưởng bộ môn Khoa học đất & sinh thái vùng cao (NOMAFSI): Biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc đang được chúng tôi triển khai ở nhiều địa phương  trên khu vực miền núi phía Bắc.

Qua vài năm theo dõi, chúng tôi nhận thấy hiệu quả không chỉ dừng lại ở mô hình, mà đã được nông dân nhiều nơi áp dụng và diện tích ngày càng tăng.

Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi vào lều nương của gia đình ông Vàng A Tùng, thôn Păng Cáng, xã Suối Giàng thấy một sạp ngô đầy tú hụ.

Vợ của A Tùng là Sủng Thị Tra đang xếp ngô để vận chuyển về nhà, A Tùng cho biết: "Nương nhà mình chỉ gieo được 4 cân giống, mình học bà con không đốt cây ngô như trước mà để tại nương, cày cuốc hơi khó một tý, nhưng vụ sau tốt hơn đấy. Trước đây không để cây ngô ở nương, đốt hết lại không bón phân nên chỉ được 18-20 bao thôi. Năm nay gieo ngô nhà nước phát (chương trình hỗ trợ giống) thì thu được 26 bao, vui lắm chứ".

Từ những mô hình canh tác bền vững trên đất dốc do NOMAFSI tổ chức ở 2 xã Suối Giàng và Sơn Thịnh trên diện tích gần 10 ha, đến nay huyện Văn Chấn đã mở rộng phương pháp này trên 200 ha. Ông Nguyễn Hợp Đoàn- Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nông dân 7 xã của huyện đã áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc. Theo thống kê có trên 200 ha, nhưng thực tế có thể gấp đôi như thế. Bởi, sau khi nhận thấy lợi ích từ biện pháp kỹ thuật này mang lại thì bà con tự áp dụng mà chính quyền không còn phải hô hào, khuyến cáo nữa. Điều đặc biệt là các xã có diện tích ngô đồi lớn, như: Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Mười... bà con đã áp dụng biện pháp này nhiều hơn...

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.