| Hotline: 0983.970.780

Canh tác bền vững trên đất dốc- Vấn đề cấp thiết của vùng núi

Thứ Tư 10/08/2011 , 11:52 (GMT+7)

Khu vực miền núi phía Bắc có hơn 2/3 diện tích là đất dốc, từ lâu một vấn đề đã đặt ra: Làm thế nào để canh tác bền vững trên đất dốc?

Nương lúa tiểu bậc thang được áp dụng ở xã Suối Giàng

Khu vực miền núi phía Bắc có hơn 2/3 diện tích là đất dốc, từ lâu một vấn đề đã đặt ra: Làm thế nào để canh tác bền vững trên đất dốc? Hơn lúc nào hết, lúc này vấn đề đó lại được đặt ra để chống lại sự sa mạc hoá khu vực miền núi, giúp người dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất, có cuộc sống ổn định hơn…

Xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện đá lớn nhanh như người ở huyện vùng cao Lào Cai. Ông Lý Xuân Trang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất lý thú: Ngày bé, bố tôi chỉ hòn đá đầu thôn bảo: Ngày xưa hòn đá này chỉ cao bằng đầu gối bố thôi, khi bố lớn lên thì hòn đá này cũng lớn lên, nó lớn nhanh như người, bây giờ thì nó cao hơn cả đầu bố rồi. Đến đời tôi thì hòn đá ấy đã trở thành tảng đá to, cao hơn tôi cả sải tay…

Câu chuyện đá lớn, thực chất là quá trình rửa trôi của đất diễn ra hàng năm ở khu vực miền núi rất mạnh, khiến cho những tảng đá bị hở ra mỗi ngày một nhiều. Theo ThS Nguyễn Quang Tin - Trưởng Bộ môn Khoa học đất và Sinh thái vùng cao - Viện Khoa học miền núi phía Bắc (NOMAFSI): Mỗi năm quá trình đất mặt bị rửa trôi từ 80-120 tấn/ha. Việt Nam có khoảng 9,34 triệu ha đất liên quan tới sa mạc hoá, trong đó có 2 triệu ha đất đang được canh tác đã bị thoái hoá nặng và hơn 2 triệu ha đang có nguy cơ thoái hoá cao. Điều đó dẫn tới độ phì của đất đang bị suy giảm nặng nề do xói mòn, rửa trôi, nguy cơ đá ong hoá, sa mạc hoá đang hiện hữu trước mắt. Phần lớn những diện tích đó tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có độ dốc lớn, sự chia cắt mạnh.

Trước thực tế đó, trong những năm qua NOMAFSI đã triển khai đề tài "Nghiên cứu một số kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng núi phía Bắc Việt Nam" do Viện trưởng, PGS.TS Lê Quốc Doanh làm chủ nhiệm đề tài và các cộng sự. Đề tài khoa học này được triển khai ở các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ… với các phương pháp nghiên cứu: Kỹ thuật che phủ đất, kỹ thuật tiểu bậc thang, kỹ thuật trồng xen các loại cây họ đậu trên diện tích đất có độ dốc lớn.

Kỹ thuật che phủ đất bằng chính thân cây trồng đã thu hoạch: Rơm rạ, thân cây ngô hoặc cỏ rác, xác thực vật khô. Việc che phủ không chỉ ngăn chặn xói mòn của đất mà còn tăng độ ẩm, khống chế cỏ dại, sau khi lớp che phủ phân huỷ tạo ra độ mùn và tăng cường hoạt tính sinh học cho đất. So sánh diện tích đất che phủ và diện tích đất không che phủ, năng suất diện tích che phủ tăng 30- 60% đối với ngô, 30-100% đối với lúa nương. Kỹ thuật tiểu bậc thang, làm các bậc thang đồng mức phù hợp với từng loại cây trồng, chống sự rửa trôi đất màu. Kỹ thuật này nếu được kết hợp với kỹ thuật che phủ đất và trồng xen cây họ đậu, đã giảm mức độ rửa trôi từ 100% xuống còn 6,3%, năng suất tăng từ 27,3-57,3%. Kỹ thuật trồng xen những loại cây họ đậu, như: Đậu tương, lạc, đậu mèo, cỏ Stylô, cỏ Ruzi, lạc lưu niên, muồng lá tròn kép. Biện pháp kỹ thuật này đã giảm xói mòn của đất từ 71-86,9%, năng suất tăng từ 59-125% so với không trồng xen.

Vừa qua, tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), NOMAFSI đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả phương pháp kỹ thuật "Canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng núi phía Bắc". Tham dự có các nhà khoa học ở Bộ NN-PTNT, các Viện khoa học cùng đông đảo bà con nông dân các xã Sơn Thịnh, Suối Giàng. Mô hình xây dựng tiểu bậc thang kết hợp che phủ đất bằng xác thực vật trên diện tích 8 ha trồng ngô đồi tại bản Loỏng, xã Sơn Thịnh với 40 hộ dân tham gia.

+ PGS.TS Lê Quốc Doanh, chủ nhiệm đề tài:

NOMAFSI sẽ huy động mọi nguồn lực nhất là tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng và xây dựng nhiều mô hình ở nhiều địa phương, để các mô hình đó trở thành một biện pháp khoa học canh tác có hiệu quả trên đất dốc. Giống như gây dựng một vài đống lửa, sau lan rộng ra thành đám cháy lớn từ chục ngàn đến vài trăm ngàn ha được áp dụng các biện pháp canh tác kỹ thuật…

+ Vụ phó Vụ KHCN & Môi trường - Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Tấn Hinh:

Đề tài đã đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của việc sử dụng đất trên vùng núi hiện nay, NOMAFSI cần tập hợp ý kiến các địa phương để xây dựng hoàn chỉnh qui trình kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, phổ biến và áp dụng nhanh các mô hình này, phát huy được hiệu quả của đất…

Ông Lò Văn Liêng, dân tộc Thái cho biết: Gia đình tôi tham gia làm mô hình 1.000m2, giống ngô LCH9, đầu vụ năm nay hạn hán đến gần một tháng không có mưa tưởng ngô chết, nhờ có lớp cây che phủ nên ngô mới sống được. Gia đình tôi trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật làm rạch nhỏ, phủ thân ngô và cỏ. Trước đây thu ngô xong thì đốt hết, nay dùng thân ngô phủ lên các rạch ngô. Cũng khó làm hơn trước một chút, nhưng được lợi là không phải làm cỏ, đất lại ẩm và xốp hơn. Mấy ngày nữa mới thu ngô, nhưng cũng phải được hơn 5 tạ đấy… Như vậy, với phương pháp kỹ thuật canh tác tiểu bậc thang kết hợp che phủ đất thì năng suất ngô đồi tại điểm trình diễn đạt 55-60 tạ/ha, không thua kém năng suất ngô trồng dưới ruộng và soi bãi.

Gia đình ông Đinh Văn Doanh cũng ở bản Loỏng trồng ngô xen lạc trên diện tích 800m2, ông cho biết: Đất nương gia đình tôi dốc lắm, năm nay hạn hán kéo dài, ngô thu được khoảng 3 tạ gì đấy. Mọi năm không hạn hán thu hơn mấy chục cân thôi. Được cái năm nay trồng xen lạc, thu được gần 40 kg lạc củ. Rất may, nếu không trồng xen lạc mà chỉ trồng ngô như mọi năm thì năm nay thất thu lớn. Số lạc thu về tính ra là lãi…

Được tận mắt thấy mô hình canh tác trên đất dốc có hiệu quả như vậy, ông Nguyễn Phúc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu đề nghị: Trạm Tấu có 1.642 ha ngô xuân, hơn 1.400 ha ngô mùa, tất cả diện tích ngô này đều là ngô đồi. Huyện đang đẩy mạnh phát triển ngô đồi từ 3.000 ha lên 5.000 ha/năm, chúng tôi đề nghị Viện Khoa học NLN miền núi phía Bắc giúp huyện Trạm Tấu xây dựng một vài mô hình để từ đó nhân rộng ra toàn huyện, giúp bà con định canh định cư, hạn chế phá rừng làm nương rẫy.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất