| Hotline: 0983.970.780

"Cảnh tặc" đại náo đất Thành Nam

Thứ Ba 24/04/2012 , 10:00 (GMT+7)

Do cây cảnh có giá trị lớn nên các đối tượng trộm cây cảnh sẵn sàng manh động để đạt được mục đích. Trong khi đó, người trồng thì hoang mang, lo sợ...

Những năm gần đây, nhu cầu chơi cây cảnh ngày càng lớn, các loại cây như sanh, si, đa, đề... trở nên rất có giá trị. Vì thế, đây cũng là thời điểm các đối tượng trộm cây cảnh lộng hành rầm rộ khắp nơi, khiến người dân trồng cây cảnh vô cùng hoang mang lo sợ...

TRÓI CÂY CHỐNG TRỘM

Mỗi lần trở về quê Nam Định tôi đều bị cuốn hút đặc biệt bởi những khu vườn đẹp hút hồn, như lạc vào “vương quốc” cây cảnh bon sai, được thỏa thuê ngắm nghía, có những cây trị giá vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí có cây giá trị nhiều tỉ đồng.

Ấy vậy mà mới đây có dịp ghé thăm nhà một người bạn, tôi ngạc nhiên khi chứng kiến trong cả khu vườn, cây cảnh nào cũng như những… tù binh đang bị giam lỏng, với đủ kiểu trói buộc. Có cây bị quấn quanh thân, gốc bằng nhiều vòng cáp to chằng chịt, ràng vào chậu rồi đóng chặt xuống đất. Đây là những loại cáp xoắn rất dai, các chủ vườn dùng để chống cắt trộm. Có những cây còn bị ít nhất một vòng thanh sắt loại phi 16 quấn ràng qua thân, gông cổ cả chục cây lại thành một chuỗi dài dằng dặc.

Chứng kiến hình ảnh này thật giống như cảnh những tù binh bị xích chân, gông cổ lại với nhau và chốt chặt bằng chiếc khóa loại “khủng” để chống trộm. Thấy tôi nhìn vẻ ái ngại, chủ nhà, anh Đoàn Vũ Nghĩa (ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng) phân trần: “Có nhiều vị khách ở xa ghé tham quan khu vườn cảnh nhà tôi cũng thấy ngán ngại cảnh này và góp ý. Vậy nhưng biết làm sao được, thời buổi trộm cắp nhiều như rươi không “trói” cây kiểu này thì sau một đêm chỉ còn ra vườn mà ngắm… chậu đất!”.



Hầu hết những cây cảnh nay bị gông cùm, trói gốc để chống trộm

Theo anh Nghĩa, từ khi cây cảnh có giá, giới thu mua săn lùng ráo riết để phục vụ người chơi cây thì nạn trộm cắp cây cảnh cũng bắt đầu hoành hành dữ dội khắp nơi. Thực tế đã có thời điểm giới chơi cây, buôn cảnh quanh vùng Nam Định náo loạn vì tình trạng trộm cây thường xuyên như trộm chó, mèo. Do vậy, người dân rất hoang mang lo sợ, có người gọi bọn trộm cây cảnh là “cảnh tặc”.

Về đây đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con than vãn chuyện mất trộm cây và thấy các nhà trồng cây cảnh đều kín cổng cao tường, thép gai, hàng rào lưới B40 cao chót vót. Gặp chúng tôi, anh Đặng Ngọc Khuê, một nghệ nhân có tiếng trong làng cây cảnh ở xã Nghĩa Bình nhăn nhó than vãn: “Khổ lắm, thời buổi bọn trộm còn đông hơn… dân chơi cây cảnh thế này thì thật khó mà thoát khỏi tay chúng nó. Khi cây cảnh sốt giá, mọi người cứ nghĩ mình nằm trên đống vàng, nhưng thực sự như đang nằm trên đống lửa vậy! Chẳng ai muốn phải đeo gông vào những tác phẩm nghệ thuật của mình, nhưng hoàn cảnh bắt buộc để chắc ăn chúng tôi đành phải làm thế!”.

Kể về những vụ trộm cây cảnh, anh Khuê liệt kê, mới đây có một nhóm đối tượng nửa đêm mò vào nghĩa trang đào bới “rinh” mất những cây sanh (trị giá hàng chục triệu đồng). Khi đang trên đường đi tẩu tán thì bị lực lượng dân phòng phát hiện đuổi bắt khiến bọn chúng phải bỏ cây lại. Sau đó, những cây này được chuyển vào trồng trong một trường học, nhưng cũng chẳng yên, vẫn bị bọn chúng theo dõi và quay lại cướp một lần nữa, rất may người dân kịp thời phát hiện vây bắt ngay tại bến phà Thịnh Long (Hải Hậu) giao cho công an xử lý. Cùng thời điểm này, lại một nhóm trộm khác cũng nửa đêm mò vào Nhà thờ Nghĩa Lạc bứng mất một cây sanh có trị giá trên 100 triệu đồng.

Hoạt động của bọn trộm cây cảnh càng ngày càng liều lĩnh. Màn kịch lúc đầu chúng thường đóng giả là người xem cây, mua cây để ngầm “chấm” cây đẹp, nhỏ, dễ vận chuyển, khi đã nắm được quy luật hoạt động của chủ nhà cùng hệ thống bảo vệ xong mới ra tay hành sự. Mới tháng trước tại huyện Nam Trực và Hải Hậu xảy ra những vụ “siêu trộm”.

Chờ đến đêm cho chủ nhà ngủ say, chúng dùng súng gây mê hạ gục đàn chó tinh khôn giữ vườn rồi đánh xe cẩu lại gần cổng, một tên ngồi trên đầu cẩu được đưa vào buộc chậu cây vào cáp. Chỉ sau khoảng vài phút, chúng cẩu nhấc cả người cùng chậu cây qua hàng rào nhẹ nhàng đặt lên thùng xe tải rồi nhanh chóng chuồn mất. Sáng ra ngủ dậy, “khổ chủ” chỉ còn đau xót nhìn tác phẩm chậu cảnh nghệ thuật quý giá của nhà mình đã không cánh mà bay!


Nghệ nhân luôn trăn trở với vấn nạn “cảnh tặc” hoành hành

ĐỔ MÁU VỚI “CẢNH TẶC”

Ghi nhận thực tế quanh địa bàn huyện Nghĩa Hưng, vườn nhà nào có nhiều cây cảnh quý cũng bị bọn chúng để ý và “nhắm” mất một vài cây. Đội quân “cảnh tặc” không kiêng nể một ai, từ nhà cấp lãnh đạo tỉnh đến huyện, xã, kể cả quan chức ngành công an, an ninh cũng đều bị bọn chúng “rinh” trộm mất cây. Có những cây trị giá hàng hàng trăm triệu hay cả tỉ đồng, vậy mà chỉ trong một đêm đã bị kẻ gian đột nhập vào vườn “rinh” mất khiến người dân trồng cây cảnh càng hoang mang. Không chỉ trộm cây, bọn “cảnh tặc” còn rất hung hãn, sẵn sàng dằn mặt chủ nhà hay những người cản đường khi bị phát hiện.

Điển hình như vụ mất cây mới đây của gia đình ông Lê Văn Quang (thôn Tân An, xã Lộc Hoà, TP. Nam Định) đã bị bọn trộm vác theo hung khí đột nhập vào vườn ngang nhiên dùng cưa, xẻng, dây thừng cuỗm mất nhiều cây sanh (có trị giá hàng trăm triệu đồng). Khi bị ông Quang và con trai là Lê Thành Lân phát hiện tri hô, thì bị bọn chúng quay lại rút hung khí hành hung chém tới tấp khiến hai bố con ông Quang đổ gục tại chỗ, những người hàng xóm phải vội đưa đi cấp cứu ngay trong đêm.

Hay trường hợp của gia đình anh Đào Quang Dũng, một đại gia chuyên trồng và buôn bán cây cảnh ở Nam Định cũng bị một nhóm trộm cây đột nhập vào vườn “luộc” mất 4 cây sanh cổ rất đẹp. Theo anh Dũng, đây là những cây sanh dáng trực phân chi, có trị giá 100 triệu đồng và những cây Tam Đa, có giá trên 300 triệu đồng anh mới mua về được khoảng hơn một năm nay. Do quá tiếc xót những tác phẩm cây cảnh đã tốn biết bao công sức nâng niu chăm sóc nên anh phải cầu cứu đến công an “3 cấp” (xã, huyện, tỉnh); đồng thời bỏ tiền thuê những người trong hội sinh vật cảnh ở địa phương lang thang đi tìm cây khắp nơi trong tỉnh nhưng cũng bất thành.


Người dân phải tăng cường an ninh vườn cây và nuôi đàn chó dữ để chống trộm

Trao đổi với NNVN, anh Nguyễn Minh Thắng, Đội trưởng đội điều tra CA huyện Nghĩa Hưng cho biết: Từ năm ngoái đến nay, chỉ riêng trên địa bàn huyện đã bị mất trên 20 cây cảnh có trị giá từ mấy trăm triệu đến 1,7 tỷ đồng. Trong đó chỉ tìm lại được 4 cây, do công an huyện bắt giữ. Đa số những vụ trộm xảy ra thường tập trung vào thời điểm thị trường cây cảnh sốt giá.

Chúng tôi ghé vào hỏi thăm một vườn cây nằm gần đường thuộc địa bàn xã Nghĩa Thành. Lúc này, mấy người đàn ông mình trần đang hì hục đóng cọc rào xung quanh vườn cây, nhìn chúng tôi bằng con mắt đầy nghi hoặc. Nghe chúng tôi giới thiệu nhà báo, ông Đỗ Khắc Chu, chủ nhà ở thôn Chỉ Thiện mới chạy ra xua đàn chó dữ, to như những con bê con vào góc vườn. Ông Chu nhăn nhó than: “Cách nay mấy ngày, những cây sanh đang thời kỳ dưỡng uốn tạo thế (trị giá khoảng 500 triệu/cây). Ấy vậy mà, nửa đêm bọn chúng mò vào nhấc mất, đến sáng ra khi dậy tập thể dục tôi mới tá hỏa khi những tác phẩm của mình bỗng dưng… biến mất. Tại vườn, bọn chúng còn vứt lại cây xà beng và con dao rựa…!”.

Theo ông Chu, quanh xã này nhà nào có vườn cảnh đẹp, giá trị cũng bị mất ít nhất từ một đến hai cây, thậm chí có nhà còn bị bọn chúng “xơi” mất cả chục cây. Quá thất vọng, ông Chu phải mướn thợ về củng cố lại “an ninh” vườn cây, tăng cường thêm đàn chó dữ để chống trộm. Đồng thời, ông chỉ đạo nhóm thợ gò hàn uốn thanh sắt phi 16 quanh những gốc cây. Công việc tỉ mỉ, phải cẩn trọng từng ly từng tý một vì thanh sắt thì cứng mà cây thì mềm, chỉ cần xước vỏ hay gãy cành là mất tiền triệu như chơi.

Theo các bậc nghệ nhân cây cảnh, sở dĩ người ta muốn ngắm nhìn cây cảnh để thấy sự thanh tịnh nơi tâm hồn, đằng này, ngắm cây mà liên tưởng đến cảnh tù đày, đến cảnh trộm cắp, cướp giật, thì còn gì là hứng thú, còn gì là tao nhã nữa. Vậy nhưng, cũng chỉ vì muốn giữ an toàn cho vườn cảnh đươc bình an vô sự, họ đành phải tìm mọi biện pháp để chống trộm.  

ÔNG VŨ ĐÌNH KHIẾT, CHỦ TỊCH HỘI SINH VẬT CẢNH (SVC) HUYỆN NGHĨA HƯNG: Thực tế trong thời gian gần đây không chỉ là những cây cảnh ở nhà dân mà đã có những cây cảnh trị giá bạc tỉ trong các nhà thờ, nhà chùa, trường học… cũng đều bị mất trộm. Do vậy, chúng tôi đã kiến nghị lên Hội SVC tỉnh xiết chặt các biện pháp quản lý, đối với tất cả những loại cây cảnh có giá trị khi trao đổi buôn bán phải có giấy giới thiệu của Hội SVC huyện kèm theo.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm