| Hotline: 0983.970.780

Cạnh tranh lao động bắt đầu gay gắt

Thứ Hai 08/08/2011 , 10:10 (GMT+7)

Đây là lúc lao động bản địa cần soi lại mình về phong cách làm việc, trình độ chuyên môn...

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH

Từ ngày 1/8, người lao động nước ngoài (NN) làm việc tại Việt Nam sẽ bị quản chặt hơn. Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH cho rằng, đây cũng là những quy định giống nhiều nước trên thế giới, và đây là lúc lao động bản địa cần soi lại mình về phong cách làm việc, trình độ chuyên môn, nếu không có thể tuột tay một nghề có thu nhập cao...

Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, cả nước có gần 74.000 người nước ngoài đang làm việc tại VN đến từ 65 quốc gia, trong đó chủ yếu mang quốc tịch châu Á (65%) gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; quốc tịch châu Âu chiếm gần 29% như Anh, Pháp... Trong nhóm người này có tới 48,3% có trình độ đại học và sau đại học; 35% có chứng chỉ chuyên môn tay nghề và đảm đương ở 48 vị trí công việc thuộc 3 nhóm ngành: công nghiệp, xây dựng và nông - lâm - ngư nghiệp.

Tất cả phải theo luật

Thưa ông, có ý kiến cho rằng Nghị định 46/2011/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài dường như quá "khắt khe" với lao động là người NN. Ông nói sao?

Từ năm 1990, “mở đầu” bằng Nghị định 233 ban hành quy chế lao động với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đề cập đến việc quản lý đối với lao động là người NN tại Việt Nam. Từ 2002 đến nay, kết hợp với sự ra đời của NĐ 46 này thì Bộ luật Lao động liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng dễ dàng quản lý lượng người lao động NN ngày càng đông vào Việt Nam.

 Dự đoán những năm tới, nhóm ngành dịch vụ ngày càng phát triển cộng với nhiều ngành mới sẽ xuất hiện nên sẽ cần thêm một số lượng lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao.

Thật ra, NĐ 46 đâu có nhiều điểm mới mà chỉ làm rõ hơn một số quy định của NĐ 34 và một số quy định của Bộ luật Lao động thôi. NĐ 34 quy định phải đăng thông báo tuyển trên báo đài TW 30 ngày trước khi chính thức tuyển dụng. Còn NĐ 46 quy định DN phải đăng tuyển người lao động VN có tay nghề cao, nếu thiếu mới được nhận người NN.

Nghị định cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Công thương trong việc cấp thị thực, xác định người NN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc 11 ngành dịch vụ đã được VN cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và quản lý đối với người NN làm việc tại VN. Ngoài ra, NĐ 46 lại đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ đi bản tự thuật của người NN; các trường hợp đặc thù như cầu thủ bóng đá, phi công, bảo dưỡng tàu bay thì có thể thay thế chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao bằng các giấy tờ khác có liên quan.

Đối với những chuyên gia NN làm nhiều năm tại VN, thậm chí cả gia đình họ cũng đang sinh sống ở đây thì có phải xin cấp lại phép không?

Đóng góp của các chuyên gia nước ngoài rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay. Thế nhưng, luật quy định thì phải tuân thủ thôi, không thể làm khác. So với nhiều nước chỉ cấp phép có 12 tháng, VN còn “mở” hơn khi cho gia hạn tối đa 36 tháng, xong rồi lại được cấp tiếp. Ở lần hai này sẽ đơn giản, nhanh hơn rất nhiều.

Khi kết hôn với người VN, họ có được miễn giấy phép lao động không?

Theo quy định, người NN là người không có quốc tịch VN. Vì vậy, nếu kết hôn hay làm bất cứ việc gì mà anh chưa nhập quốc tịch VN thì vẫn phải xin giấy phép và hợp đồng lao động bình thường.

Lao động bản địa: phải soi lại mình

Dự báo những năm tới sẽ tăng thêm người lao động NN vào làm việc tại VN. Trong khi mỗi năm nước ta cũng có hàng ngàn sinh viên giỏi ra trường có trình độ kỹ thuật cao. Ông nói sao?

Nhập – xuất lao động có trình độ giỏi là bài toán rất bình thường trong nền kinh tế thị trường mở này. Bạn lo ngại, liệu ta có bị thua ngay trên nhà hay không ư? Theo tôi, chính vì những “dự báo” này sẽ khiến cho lao động VN cần nhìn nhận lại chuyên môn của mình, kỹ năng làm việc hay cách thức làm việc. Đừng cho rằng, lao động NN vào VN là chiếm vị trí của lao động bản địa, bởi chính họ đã giúp đào tạo về chuyên môn và kỹ năng làm việc cho người VN để một ngày nào đó có thể thay thế họ.

 Ngoài ra, lao động bản địa cũng cần hiểu thêm rằng, nếu anh không cố gắng thì tuột khỏi tay một nghề với thu nhập cao là có thể xảy ra.

Thông thường, mỗi người NN đều làm cùng lúc mấy nghề. Mỗi lần xin cấp phép mới và hợp đồng lao động mới cũng đều khó khăn như vậy, thưa ông?

Theo quy định, khi chuyển đổi công việc, người NN chỉ cần bổ sung những giấy tờ (chứng chỉ) chứng nhận về nghề mới này. Với người từng được đào tạo chuyên môn ở cơ quan cũ, khi chuyển sang cơ quan mới chỉ cần xin giấy xác nhận của cơ quan cũ về chuyên môn này là được.

Ở nhiều nước đã cấp phát cho người lao động NN thẻ xanh có thể làm ở bất cứ đâu. Theo ông, mình có nên học tập không?

Những nước đó đã siết chặt việc làm của người lao động ngay từ quá trình làm visa nhập cảnh, như Mỹ, Malaysia. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các hình thức cấp phép cho người lao động NN ở nhiều nước tiên tiến để có thể áp dụng tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.