| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng ơi vì sao mãi vẫn 'đội sổ'?

Thứ Hai 17/04/2017 , 08:35 (GMT+7)

Thời gian gần đây, Cao Bằng luôn là một trong vài địa phương xếp “đội sổ” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. NNVN đã tìm về những dự án xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh này để giải mã cho câu hỏi tại sao Cao Bằng mãi "đội sổ"?

15-41-16_dsc_7750
Một buổi đi cày trên núi

Xã Tổng Cọt (huyện Hà Quảng) là xã 135 thuộc vùng cao biên giới nên mỗi năm được Nhà nước đầu tư khoảng trên dưới 1 tỉ đồng cho các chương trình hỗ trợ hạ tầng và nhất là hỗ trợ sản xuất như 30A, 135. Về Chương trình 30A chủ yếu là hỗ trợ cây trồng, vật nuôi nhưng riêng năm 2016 tất cả 22 hộ trong xã đăng ký 22 con bò đối ứng 7,5 triệu đồng/con đều bỏ của chạy lấy người.
 

Bò miền xuôi không nuôi được ở miền ngược

Tại sao những người nông dân nghèo khổ ở một vùng khó khăn nhất nhì của Tổ quốc lại từ chối món lợi béo bở khi chỉ bỏ ra 7,5 triệu đối ứng là có được con bò 17,5 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ cho 10 triệu)? Không có đủ tiền thì họ có thể vay tiền để đối ứng chứ? Trước đây hễ có hỗ trợ là tranh nhau đăng ký, thậm chí kẻ chậm chân còn hậm hực mãi với kẻ trong danh sách nhận đấy thôi?

Bởi vì người dân đồng loạt chối từ nên UBND xã Tổng Cọt phải báo cáo và trình gửi lên cấp trên để chuyển đổi từ hỗ trợ mua bò sang mua gừng và phân bón. Những loại này không cần đối ứng và mọi người đều vui vẻ nhận cả.

15-41-16_dsc_7891
Một gia đình nghèo

Theo tìm hiểu của tôi thì nguyên nhân thứ nhất là người dân bảo giá bò hỗ trợ đắt đến khó tin. Nếu như trước đây các chương trình hỗ trợ huyện mua rồi cấp phát cho các xã nhưng nay xã được làm chủ đầu tư rồi mà vẫn cứ đắt như thường. Lý do? Bởi lệ thuộc vào barem giá của ngành Tài chính, theo đó quy định rằng giá bò 120.000đ/kg hơi vậy nên 1 con 1,4 tạ đã là khoảng 17 triệu.

Một quy trình để nhận hỗ trợ thường như sau: Trước mỗi mùa vụ, người dân nào có nhu cầu nuôi con gì, trồng cây gì thì đăng ký trước nộp cho trưởng xóm, xóm tổng hợp nộp cho xã, xã tổng hợp nộp cho huyện. Nhu cầu đăng ký của người dân rất lớn nhưng khả năng chi trả của các chương trình hỗ trợ lại hạn chế nên phải phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng xóm một.

Kéo Sỹ (xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng) - một xóm giáp biên nghèo khó nhưng năm 2016 có 4 hộ trong chỉ tiêu hỗ trợ bò đã nhất quyết chối từ. Hỏi người dân bảo thứ nhất là không có tiền đối ứng, thứ nhì là giá quá đắt và điều quan trọng là bò hỗ trợ mua từ miền xuôi sẽ không hợp với miền núi: “Bò không biết leo núi đá, không biết uống nước hứng từ mái nhà vì có mùi khói bếp, không biết ăn cám lợn, không biết ăn lá rừng. Bởi thế mà nhanh chóng bị ốm và gầy đi”.

Ngoài Chương trình 135 và 30A còn có Chương trình 102 hỗ trợ cho các hộ nghèo, mỗi khẩu 100.000đ/năm, thường là bằng hiện vật như giống ngô, lạc… Vì kiểu hỗ trợ dạng nhỏ lẻ như thế nên chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, không thể tạo sự đột phá mà cứ luẩn quẩn mãi với đói nghèo.

Kinh nghiệm chẳng sờ sờ ra đấy mà thôi. Dân trong xóm trước đây đã nhận về 6 con bò hỗ trợ mà nay chỉ còn sót có 2 con của ông Nông Văn Nọng và Vương Văn Lương.

Hết bò lại đến lợn. Lợn hỗ trợ cho Kéo Sỹ trong mấy năm vừa qua trên dưới 10 con giống sinh sản nhưng nay chỉ còn 2 con của ông Lục Văn Trình và Vương Văn Nguyệt. Lợn dưới xuôi cứ mang về nuôi một thời gian là sinh ốm. Trời rét nằm thở dốc, run lên rồi chết trong khi lợn miền ngược nhốt chung cùng một chuồng, ăn chung cùng một máng vẫn sống tốt.

Anh Lâm Văn Thắng - trưởng xóm Rằng Hán - xóm di dân sát vành đai biên giới thở dài bảo với tôi rằng 3 con bò được hỗ trợ nay chỉ còn 1 con, còn 2 con lợn hỗ trợ đã bị chết sạch…
 

Lỗ tiền, lỗ công, lỗ luôn hi vọng

Tôi rời Tổng Cọt sang Nội Thôn. Dù đã lường trước về độ khó khăn nhưng tôi vẫn rất bất ngờ khi biết thu ngân sách trên địa bàn xã cả một năm chỉ được vỏn vẹn khoảng 6 - 7 triệu mà đâu có được giữ lại mà phải nộp lên trên.

15-41-16_dsc_7820
Cảnh nghèo ở Nội Thôn
Có điều nực cười là nhiều trường hợp được Nhà nước hỗ trợ bò, sau khi nộp thêm đối ứng 6 triệu/con, nuôi mãi mà không lớn đem bán đi chỉ được hơn 5 triệu đồng. Cá nhân thì lỗ 1 triệu, còn Nhà nước thì lỗ 10 triệu.

Thỉnh thoảng các hiệu trưởng của mấy trường học trên địa bàn lại có bản kiến nghị chỉ để xin UBND xã 200.000đ hỗ trợ cho các cháu học sinh giỏi đi thi huyện. Thỉnh thoảng UBND xã lại có bản kiến nghị gửi cho các chủ thầu, doanh nghiệp đang thi công mấy công trình trên địa bàn chỉ để xin 500.000đ cho tổ chức một hội thi này nọ.

Nghèo thế nhưng người dân than các chương trình hỗ trợ luôn rất hoang. Nếu một con bò  thuộc Chương trình 30A trị giá trên giấy tờ là 16 triệu, dân phải đối ứng 6 triệu thì tự họ mua ở chợ bò Trà Lĩnh gần đó chỉ khoảng 6 - 7 triệu nếu là bò đực còn nếu là bò cái cũng chỉ khoảng 7 - 8 triệu. Chỉ có điều đó là bò thương phẩm chứ không phải bò giống như của Chương trình 30A nên chẳng biết có kém hay bằng hay thậm chí còn tốt hơn.

Năm 2016 dân Nội Thôn được nhận 10 con bò, riêng trị giá phần hỗ trợ trên giấy tờ là 100 triệu. Một cán bộ bảo với tôi rằng tiếng là xã là chủ đầu tư nhưng không được mua thẳng mà phải qua Cty TNHH Diên Xuân nào đó nên cũng không thể biết được giá trị thật hay chất lượng thật của con giống.

Lên xóm Rủ Rả, lỗ tai tôi chẳng mấy chốc mà đầy tiếng than phiền của bà con về bò dự án. Cả xóm có 11 con bò hỗ trợ các chương trình đủ kiểu. Bò thuộc Chương trình 30A có nhà Đinh Văn SLơn và Đinh Văn Nè.

Theo quy định thì Nhà nước cho 10 triệu/con còn mỗi nhà phải đối ứng 6 triệu. Anh Nè nuôi được 1 năm bán đi được 7 triệu, lãi 1 triệu công nuôi nhưng Nhà nước lại lỗ 10 triệu. Anh SLơn vẫn giữ bò nhưng nuôi 2 năm mà chưa thấy chửa đẻ, giờ đem bán giỏi được 8 - 9 triệu.

Để có được con bò hỗ trợ anh phải đem bìa đỏ của đám đất rẫy đi cầm vay ngân hàng nông nghiệp 6 triệu, đến lúc bán được đàn lợn đi mới trả xong nợ. Anh kêu trời: Tưởng được con bò to nhưng khi đến nhận thấy nhỏ quá đã không muốn lấy nhưng đã trót nộp tiền đối ứng rồi đành dắt về. Bò nhỏ và yếu quá nên lúc dắt qua dốc phải 1 người dắt đằng trước 1 người đẩy mông đằng sau. Nuôi mãi nó cũng chẳng lớn mấy mà chỉ nhỏ như một con bò cóc.

15-41-16_dsc_7900
Cửa nhà một người nghèo

Xuống Lũng Rỳ tôi được anh Nông Văn SLổng - trưởng xóm thống kê có ba loại bò được hỗ trợ của xóm gồm bò thuộc Chương trình 30A, 135, Vietel. Bò thuộc Chương trình 30A hiện đã bán mất khá nhiều như các trường hợp Bế Thị Phân, Nông Văn Vổ, Liêu Văn Thiện... Năm 2015 anh Thiện được cấp một con bò khi nộp đối ứng 6 triệu. Nuôi hơn 1 năm anh bán được 5,7 triệu đồng, bò giống mà chỉ bán với giá bò thịt dù theo cam kết phải nuôi 4 năm mới được bán. Hiện anh đang mua một con trâu để thay thế.

Khi tôi đến nhà anh Liêu Hoàng Thắng - Bí thư xã Nội Thôn thì chị vợ Bế Thị Vân bảo con bò hỗ trợ năm 2015 cũng vừa mới bán rồi. Con bò trị giá trên giấy tờ 16 triệu nên vợ chồng anh phải đối ứng 6 triệu, nuôi gần 2 năm mà vẫn chẳng thấy lớn, chỉ bé như một con lợn to nên bán được có 6 triệu. Thời điểm nhận bò hỗ trợ anh Thắng đang là Chủ tịch của xã Nội Thôn.

Ngoài bò thuộc Chương trình 30A ở Nội Thôn còn có chương trình dự án đàn bò huyện Hà Quảng cho 1 con giao Bí thư xóm Làng Lỷ là anh Lý Văn Hồng nhận. Đó là một con bò lai Sind đẹp đến mức đem thi bò đẹp giành ngay giải nhất cụm ba xã Nội Thôn, Tổng Cọt và Cải Viên. Thế nhưng mục đích chính của con bò này không phải là để thi sắc đẹp mà để làm giống cải tạo cho đàn bò cái nền địa phương.

15-41-16_dsc_7889
Một con bò hỗ trợ còn sót lại

Bất hạnh thay dường như nó bị… yếu sinh lý. Bao con bò cái dẫn đến, bò địa phương có, bò lai có nhưng nó không thể “nhảy”. Không biết “nhảy”, không biết cày nên giờ anh Hồng đành nuôi phải báo cô.

Vì là bò giống không được bán nên anh sẽ phải làm hàng loạt thủ tục như đơn xin thanh lý gửi xã, xã làm tờ trình gửi huyện, huyện thành lập hội đồng thanh lý đến thẩm định rồi quyết định, không biết bao giờ mới xong.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm