| Hotline: 0983.970.780

Cao nguyên khát, cao nguyên xanh, cao nguyên trắng

Thứ Tư 17/10/2012 , 10:34 (GMT+7)

Sông Chảy nằm ở phía đông thượng nguồn sông Hồng. Nơi thượng nguồn dòng sông Chảy là cao nguyên Bắc Hà,...

Sông Chảy nằm ở phía đông thượng nguồn sông Hồng. Dòng sông này cũng chảy từ Trung Quốc sang, nó trở thành là ranh giới tự nhiên của hai huyện Bắc Hà và Mường Khương (Lào Cai). Trước khi đổ vào sông Hồng, dòng sông chảy qua tỉnh Yên Bái rồi nhập vào vào dòng sông Lô. Nơi thượng nguồn dòng sông Chảy là cao nguyên Bắc Hà, từ lâu nơi này đã hình thành cao nguyên xanh và cao nguyên trắng…

>> Lên thượng nguồn sông Hồng

Cao nguyên Bắc Hà nằm chót vót nơi thượng nguồn hai bờ sông Chảy. Từ Tả Gia Khâu, Dìn Chin hay Tả Thàng của huyện Mường Khương nhìn xuống dòng sông Chảy về mùa khô như chiếc bao xanh của nàng tiên nào đó bỏ quên dưới trần gian, còn về mùa lũ nó giống con trăn đất khổng lồ hung dữ, quằn quại nuốt chửng tất cả những gì trên đường nó chảy qua. Những thôn làng sống dọc hai bờ sông Chảy trên cao nguyên Bắc Hà nhìn xuống dòng sông hun hút dưới chân núi trong sự thèm khát vô biên.

Ông Lý Xuân Trang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu, chẳng cần giấu giếm: Cả xã chỉ có 12 thôn bản thôi, nhưng tất cả đều thiếu đất, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Xã có gần 3 ngàn nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 300ha ngô và 34ha ruộng nước một vụ. Không phải năm nào cũng đủ nước cấy, năm nay hạn quá nhiều diện tích bỏ hoang, có chỗ cấy được, nhưng khi lúa trỗ thì trời không mưa, bông cứ trắng phớ ra không kết hạt. Bà con nơi đây chủ yếu ăn ngô, ngô là cây lương thực chính, ngô ăn quanh năm, nhiều hộ chẳng đủ ngô mà ăn...


Những chum đựng nước mưa ở thôn Tả Gia Khâu

Trước đây, trụ sở UBND xã, trạm y tế và đồn biên phòng 231 đặt ở thôn Tả Gia Khâu, nhưng do nơi này thiếu nước quá nên phải chuyển xuống thôn Pạc Tà cách đó hơn 3 cây số mới có nguồn nước sinh hoạt. Dẫn tôi lên thôn Tả Gia Khâu là Sùng Seo Lành, anh kể: Nhà mình ở ngay đầu thôn Tả Gia Khâu đây, nhưng vì thiếu nước quá nên phải chuyển xuống thôn Lao Tô Chải. Ở đó cũng chẳng có nước nhiều đâu, năm nào trời hạn quá thì đánh ngựa sang La Hờ, Pà Tàng thồ nước về ăn, xa 9-10 cây số đấy...

Thôn Tả Gia Khâu trước đây có trên 40 hộ nằm lọt giữa núi điệp trùng núi đá. Đá sắc lạnh thâm u nhiều hơn cả cây rừng, ngoảnh mặt nơi nào cũng chỉ thấy đá. Do thiếu nước quá người ta đã chuyển đi gần một nửa, giờ chỉ còn hơn hai chục nóc nhà. Thôn vắng hoe, tiếng gà xao xác gáy cạnh những ngôi nhà trình tường mái lợp bằng tấm lợp trắng lốp, dưới là một một dãy lu chứa nước.

Những chiếc lu cao quá đầu người được làm bằng xi măng do tổ chức Unicef hỗ trợ, dùng để chứa nước mưa dự trữ nước sinh hoạt cho mùa khô dài tới bảy, tám tháng trời. Khắp một vùng cao nguyên nơi thượng nguồn sông Chảy từ Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long của huyện Mường Khương qua các xã Thào Chư Phìn, Sín Chéng, Sán Chải, Nàn Sán, Nàn Sín của huyện Si Ma Cai đều là những xã thiếu nước trầm trọng. Lên tới vùng đất này vào những ngày mùa khô gió núi thổi ngào ngạt, đất cứ xác ra trong nắng gió, nhiều người phải thốt lên: Cao nguyên khát!


Canh tác trên vùng đất đá

Trên cao nguyên khát ấy có một cao nguyên xanh nằm dọc dòng suối Na Lốc, đó là vùng chuối dứa Na Lốc - Cốc Phương. Ông Thào Diu, trưởng thôn Na Lốc - Cốc Phương (huyện Mường Khương) sau khi hút liền hai điếu thuốc mới chậm rãi: Mình quê ở Dìn Chin, trên ấy thiếu nước lắm, không đủ nước làm ruộng, đói quanh năm. Mấy anh em mình tính vào Tây Nguyên, nghe những người đi trước trở về kể: Rừng trong ấy còn nhiều, đất tốt lắm, đánh rơi hạt ngô xuống mà cây ngô cũng mọc, bắp to bằng bắp chân mình đây, làm một vụ đủ lương thực ăn cả năm. Đang định đi thì bác Hoàng Chúng là chủ tịch huyện khi đó bảo: Chúng mày chẳng phải đi đâu xa, xuống Na Lốc mà ở.

Mấy anh em mình vào đây, sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, đất nơi này không có người ở, người bên kia kéo nhau sang lấn đất. Mình vào đây phát rừng làm nương để giữ đất biên giới luôn. Cuộc sống ban đầu cũng khó khăn lắm, sau mấy mùa nương đất chai cứng cây lúa, cây ngô còi cọc không lên nổi phải sang bên kia trồng dứa, trồng chuối thuê cho người bên ấy. Mình nghĩ, sao người ta làm được mà mình lại không làm được. Thế là mình về bán lợn bán gà mua mấy vạn chồi dứa về trồng. Học cách trồng của người Trung Quốc, họ trồng thế nào thì mình cũng trồng như thế, rồi bón lót, bón thúc, phun thuốc để dứa ra quả to, mắt đều... Mới đầu thì bán cho người bên kia, sau thì bán cho các nhà máy dứa trong nước dưới xuôi. Từ mấy anh em họ Thào trồng dứa cho thu nhập cao, mọi người trong thôn học theo, bây giờ thì cả thôn Na Lốc, Cốc Phương đều trồng dứa, chuối rồi...


Đồi dứa ở thôn Na Lốc

Một vùng chuối dứa bạt ngàn, chạy dọc dòng suối Na Lốc. Huyện Mường Khương có hơn 1.000ha dứa thì vùng dứa Na Lốc - Cốc Phương có trên 700ha, một vùng dứa tập trung lớn nhất Lào Cai. Giá dứa trồi sụt mỗi năm, nhưng nhiều năm bán được 4.500- 5.500đ/kg. Nhiều gia đình bán cả nương cho các thương nhân Trung Quốc, mỗi ha dứa năng suất trung bình 20-22 tấn, nếu bán với giá 4.500-5.500đ/kg, thì thu được 85-90 triệu/ha. Anh Sùng Nhà (thôn Na Lốc 4) cười rung hai bả vai: Nhà mình có 3 nương dứa, năm nay được thu hoạch 2 nương thì bán cả cho người ta rồi, được gần trăm triệu thôi. Người trong thôn đều bán cả nương cho “cai” Việt Nam và “cai” Trung Quốc...

Thôn Na Lốc - Cốc Phương có ba anh em họ Thào là Thào Minh, Thào Diu và Thào Dìn được người dân gọi là “vua dứa”, còn “vua chuối” là Vàng Seo Dìn thôn Bãi Chuối. Dìn sinh năm 1974 chuyển từ xã Pha Long xuống, nhà Dìn có trên 20 vạn gốc chuối, dứa tiền bán chuối, dứa trung bình mỗi năm thu khoảng 200-250 triệu, xây nhà 2 tầng rồi vẫn còn nhiều tiền quá Dìn mua ô tô để Chủ nhật đưa vợ con đi chợ ăn thắng cố.

Tôi trở lại Bắc Hà lần này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai Dương Đức Huy thông báo một tin vui, đó là Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai đã “Việt hoá” thành công giống lê Tai Nung 6 đang chuyển giao cho những hộ nông dân ở Bắc Hà. Đây là giống lê quý đòi hỏi trình độ thâm canh cao, nhiều hộ gia đình vụ quả vừa rồi không đủ hàng bán. Tôi hy vọng cùng với cây mận Tam hoa cây lê Tai Nung 6 sẽ góp sức làm rạng rỡ vùng cao nguyên trắng nơi đây.

Huyện Bắc Hà là thủ phủ đầu tiên của cây mận Tam hoa vào những năm 1990-2005. Kỹ sư Vũ Đức Lợi, Trại trưởng Trại rau quả Bắc Hà, người đã di thực giống mận Tam hoa từ Trung Quốc về Việt Nam năm 1972, mới đầu trồng thử nghiệm 50 gốc trong đất của Trại. Gọi là mận “tam hoa”, bởi giống mận ruột đỏ này hoa mọc từng chùm 3 hoa. Từ 50 gốc mận Trại ghép mắt vào các gốc mận dại cung cấp giống cho bà con.

Do bán được giá, năm 1985 cây mận Tam hoa phát triển mạnh mẽ, có năm giá bán tại vườn từ 5.000-7.000đ/kg, còn ở các thị xã, thành phố giá mận lên tới 15.000-20.000đ/kg. Từ đó người nông dân Bắc Hà phá bỏ vườn tạp để trồng mận. Mận Tam hoa leo lên các sườn núi, tràn xuống các thung lũng, nhiều diện tích ruộng cũng được trồng mận. Không một gia đình nào ở Bắc Hà không trồng mận, nhiều thì vài trăm gốc, ít cũng vài ba gốc. Mận mọc khắp các triền núi từ Tả Chải, Na Hối, Bản Phố rồi lên tận Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài... Năm 1998, Bắc Hà thống kê được 2.100ha mận các loại, trong đó chủ yếu là mận Tam hoa, sản lượng 13.000-15.000 tấn. Một thời Bắc Hà được mệnh danh là huyện mận. Trước và sau Tết nguyên đán, Bắc Hà ngập chìm trong màu hoa mận trắng. Từ đó, Bắc Hà còn được gọi là cao nguyên trắng.


Cây lê Tai Nung 6 đã “Việt hoá” trong Trại rau quả Bắc Hà

Thời hoàng kim của cây mận Tam hoa cũng tàn lụi, ấy là khi Bắc Hà đã bán giống khắp các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Cây mận Tam hoa Bắc Hà không còn chiếm độc tôn nên giá cả xuống thấp. Giá mận nhiều năm chỉ bán được 200-500đ/kg, người dân chả thèm bán để rụng đầy gốc. Tới năm 2003 thì họ ồ ạt chặt mận để trồng cây trồng khác, từ 2.100ha đến năm 2010 Bắc Hà chỉ còn 521ha. Trước nguy cơ vùng mận quý bị xoá sổ, năm 2011 tỉnh Lào Cai giao cho Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tiến hành cải tạo chất lượng mận Tam hoa Bắc Hà để tìm lại vị thế ban đầu của mình.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm