| Hotline: 0983.970.780

Cao nhân nuôi lợn

Thứ Tư 26/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Cuối năm 2019 vừa qua, lão Hã đã cung ứng ra thị trường được 21.000 kg lợn thịt, 200 con lợn giống, doanh thu 1,9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Trại của lão Hã thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn, thu lãi đều. Ảnh: Hải Tiến.

Trại của lão Hã thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn, thu lãi đều. Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ tiếng lành đồn xa, chúng tôi đã tìm gặp được lão nông Dương Văn Hã ở thôn Trình, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm - Hưng Yên, là một chủ trang trại mát tay nuôi lợn, chưa bao giờ dính dịch.

Đón tiếp chúng tôi trong bộ bàn ghế bê tông cố định ngay bên trang trại, tới khi chủ, khách yên vị, trà nước chu toàn, lão Hã mới chậm rãi chia sẻ: "Những con nhà nông dân cùng thời như tôi, ai mà chẳng phải trải qua những đận xay lúa, giã gạo, bế em, băm bèo, nấu cám nuôi lợn.

Tưởng rằng vài ba cái việc đó rồi sẽ trở thành chuyện cổ tích, nào ngờ! Nghề chăn nuôi lợn đã gắn với tôi như hình với bóng đến tận bây giờ, có thể sẽ là suốt đời. Không phải mình chọn nghề, mà nghề chọn mình.

Đã có thời gian tôi quyết bỏ nuôi lợn để nấu cơm nắm muối vừng bán sang Hà Nội, nhưng rồi thấy tiếc nước vo, lại thả dăm, bảy con chăn nuôi tận dụng. Sau chuyển sang nấu rượu cũng vậy, vẫn phải nuôi lợn, vì nấu rượu chỉ được lãi tí bã, nếu nấu rượu không kết hợp nuôi lợn thì coi như làm lấy “đảm”.

Rất may là cứ thả con nào vô chuồng nuôi là được con ấy, không những không dính bệnh tật mà còn lớn nhanh như thổi, sau này tôi mới biết trước khi xuất bán lợn con, chủ nhà đã tiêm đủ các loại vacxin phòng bệnh.

Được đà, từ năm 2007 đến nay, tôi đầu tư xây hẳn trang trại chăn nuôi khép kín cách biệt với khu dân cư, qui mô nuôi thường xuyên 200 lợn thịt và 40 nái bố mẹ, có hầm biogas xử lý chất thải, có hệ thống thông gió và làm mát chuồng trại tự động, có màn hình camera theo dõi lợn từ xa.

“Hiện tại các gia đình còn giữ được đàn lợn, sẽ có lãi nuôi một được một. Lịch sử chăn nuôi từ xưa đến nay chưa bao giờ được như vậy”, lão Hã thổ lộ.

Cho lợn uống bằng nước sạch, ăn cám công nghiệp Cargill theo hướng dẫn của nhà sản xuất, định kỳ 3 ngày/lần phun tiêu độc khử trùng trại lợn bằng luân phiên sử dụng thuốc Sichlor – T hoặc Iodine.

Thời kỳ dịch dã cao điểm phải lọc vôi lấy nước phun hàng ngày. Trong và ngoài trang trại luôn được phủ vôi trắng xoá, quản lý không để các loại côn trùng ruồi, nhặng, chấy, rận, gián, chuột, bọ chét và muỗi phát sinh chích hút trên mình lợn. Khách đến thăm mua cũng phải nhìn qua ô cửa kính, chỉ con nào tôi lùa ra con ấy.

Đặc biệt vacxin phòng dịch cho lợn phải thật đầy đủ, đúng lịch thú y, không được chủ quan khinh suất, không thể tiếc tiền, vì giá vacxin chất lượng tốt thường khá đắt, sử dụng các loại này sẽ làm tăng chi phí chăn nuôi, giảm lợi nhuận xuất chuồng, nên không ít trang trại đang còn so đo tính toán, nhất là vào những lúc giá lợn giống xuống thấp. Thật ra cách nghĩ đã nêu chỉ là “tham bong bóng bỏ bọng trâu”, lợi bất cập hại, còn tôi chỉ chọn dùng những loại vacxin tốt nhất, kể cả đắt đến mấy cũng mua".

Đàn nái luôn được cách y, bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hải Tiến.

Đàn nái luôn được cách y, bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hải Tiến.

Cụ thể, theo lão Hã, với lợn 7 ngày tuổi dùng GLÄSSER phòng viêm đa khớp và M+PAC® cho ngừa viêm phổi, 14 ngày tuổi tiêm nhắc lại loại 2 mũi trên; 11-12 ngày tuổi tiêm SAIKO chống hội chứng còi cọc; 16-17 ngày tuổi dùng Foot and Mouth Disease phòng lở mồm long móng; 28-30 ngày tuổi vacxin COGLAPEST phòng tả lợn. Riêng lợn nái định kỳ 4 tháng/lần vacxin phòng ngừa bệnh tả, lở mồm long móng và chống còi cọc.

Bằng những cách làm bài bản nói trên, trang trại lợn giống và lợn thịt của lão Hã chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh, đáng kể nhất là năm 2008 xã Lạc Đạo quê lão, là tâm điểm dịch lợn tai xanh đầu tiên ở Hưng Yên, sau lan ra khắp tỉnh, riêng gần 100 con lợn của lão vẫn an toàn tuyệt đối.

Sau đợt dịch tai xanh đó, lão Hã đã thắng đậm, vì lợn của lão trở thành hàng “độc”. Lần dịch tả lợn Châu Phi này cũng vậy, trong khi phần lớn các đàn lợn nuôi trong toàn quốc đều phải tiêu huỷ, thì đàn lợn của lão Hã vẫn đủng đỉnh ăn no ngủ kỹ chờ lên giá.

Kết quả, cuối năm 2019 vừa qua, lão Hã đã xuất chuồng được 21.000kg lợn thịt, 200 con lợn giống, doanh thu 1,9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Kế hoạch 6 tháng đầu năm nay, lão Hã sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 100.000kg lợn thịt và 120 lợn giống.

Không chỉ chăn nuôi không dính dịch, những hộ mua con giống của lão Hã về nuôi cũng được lây cái “may”, không dịch bệnh của lợn nhà lão. Đơn cử như hộ ông Anh ở xóm Giữa, ông Tuấn ở xóm Cầu, ông Hường ở xóm Ngọc (cùng xã), anh Đại ở huyện Văn Giang (cùng tỉnh), anh Tuấn ở Hưng Hà (Thái Bình) đều đã phản hồi: lợn nuôi mau lớn, không nhiễm dịch, được giá cao.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi biết, lợn nuôi không mắc dịch là do lão Hã luôn tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhưng lão Hã vẫn luôn cho rằng, “mình may hơn khôn”, đây cũng là sự khiêm nhường thường thấy ở những người thành đạt.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất